Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tôm sú - Giữ hay buông (2)?
27 | 05 | 2008
Tương lai của con tôm sú Việt Nam, nhất là khu vực ĐBSCL, đang nhận được sự quan tâm từ nhiều DN, nhà khoa học. TS Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản II đã trao đổi với NNVN xung quanh vấn đề này.
Bài 2: Vẫn có chỗ đứng

Thưa ông, con tôm sú đã bị mất thị phần khá lớn trên thị trường thế giới?

Tôi cũng đã nghe nhiều DN nói rằng tôm sú hiện đang rất khó bán bởi khách hàng chỉ muốn mua tôm thẻ chân trắng có giá rẻ hơn. Tôm thẻ lại đang được cải thiện khá mạnh về mặt kích cỡ. Tuy nhiên, theo những nguồn tin từ các DN châu Âu, tôi tin rằng tôm sú vẫn có chỗ đứng.

Mới đây, khi đi họp ở Bỉ, tôi đã hỏi một số công ty kinh doanh thuỷ sản ở châu Âu: thị trường EU đang ăn tôm thẻ chân trắng hay tôm sú? Họ trả lời rằng cả tôm sú lẫn tôm thẻ chân trắng đều vẫn rất cần. Tôm thẻ chân trắng có thị trường thì tôm sú cũng có thị trường riêng của nó. Cả 2 thị trường này đều vẫn có tiềm năng.

Thị phần tôm sú chủ yếu bị mất vào con tôm thẻ chân trắng. Rõ ràng, tôm sú đang gặp nhiều bất lợi?

Theo tôi, tôm sú vẫn có những lợi thế lớn để cạnh tranh với tôm thẻ chân trắng. Nếu chúng ta sản xuất được tôm sú đạt kích cỡ lớn, sản lượng lớn và ổn định, thì vẫn có thể bán được tôm sú. Mà để làm được điều này, thì trước hết phải cải tiến về mặt kỹ thuật để tôm sú đạt kích cỡ mong muốn.

Ở Bến Tre, Sóc Trăng, nhiều trang trại nuôi tôm sú đã bắt đầu chú trọng tới việc nuôi mật độ thưa theo kiểu công nghiệp để khi thu hoạch, con tôm sẽ có kích cỡ lớn hơn. Còn để đạt được số lượng lớn và ổn định thì phải duy trì những vùng nuôi tôm sú quan trọng ở ĐBSCL như Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang…

Thái Lan vốn từng là một cường quốc về tôm sú, thế nhưng, do đã chuyển hết diện tích nuôi sang sản xuất tôm thẻ chân trắng nên gần đây, họ đã phải lắc đầu trước những khách hàng muốn mua tôm sú với số lượng lớn.

Người nuôi tôm sú vẫn đứng trước 2 vấn đề nan giải là dịch bệnh và chất lượng con giống. Những khó khăn này có thể khiến con tôm sú mất dần chỗ đứng ở ĐBSCL?

Dịch bệnh trong nuôi tôm sú không phải là vấn đề riêng ở Việt Nam. Hàng năm ở ĐBSCL có khoảng 30% diện tích tôm nuôi bị các bệnh đốm trắng, phân trắng và hiện tượng tôm nuôi chậm lớn…Tuy nhiên, phần lớn người nuôi tôm đã có khá nhiều kinh nghiệm trong việc phòng ngừa dịch bệnh như: bố trí mùa vụ hợp lý (xuống giống sau Tết Nguyên đán 1 tháng); nuôi một vụ tôm, kết hợp luân canh với các loại thuỷ sản khác; thả tôm với mật độ vừa phải…Nhìn chung, người nuôi tôm đã biết cách “sống chung” với dịch bệnh tôm.

Riêng vấn đề tôm giống sạch bệnh, thì vẫn nan giải, bởi chúng ta chưa tiếp cận được với các công nghệ chủ lực trong sản xuất tôm sú giống sạch bệnh, do những nước đã làm được điều này không công khai công nghệ vì sợ mất bản quyền. Tuy nhiên, việc sản xuất và sử dụng tôm giống sạch bệnh ở ĐBSCL đang bắt đầu được cải thiện. Mới đây, Cty MOANA đã sản xuất được tôm sú giống sạch bệnh, đưa về sản xuất ở ĐBSCL đạt kết quả tốt, giá bán khoảng 250-260 đ/con.

Liệu con tôm thẻ chân trắng có thay thế được con tôm sú ở Việt Nam?

Theo tôi, dù con tôm thẻ chân trắng có nhiều lợi thế nhưng chúng ta không nên phát triển ồ ạt loại tôm này. Đây là giống tôm ngoại lai, nếu đưa vào nuôi ồ ạt có thể dẫn tới những nguy cơ không nhỏ…Giống tôm này chỉ nên nuôi ở những diện tích đã được sản xuất tôm sú theo hướng công nghiệp hoặc bán công nghiệp. Mà những diện tích này, chiếm chưa tới 10% tổng diện tích nuôi tôm ở ĐBSCL.

Mặt khác, khi Thái Lan chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng, họ đã chuẩn bị khá kỹ cơ sở hạ tầng trong sản xuất giống. Còn ở nước ta, cho đến giờ, vẫn chưa chuẩn bị được gì. Vì thế, không nên phát triển tôm thẻ chân trắng trên diện rộng để thay thế hẳn con tôm sú.

Còn tôm càng xanh thì sao?

Tôm càng xanh là con tôm bản địa ở ĐBSCL, nên điều kiện để phát triển con tôm này rất tốt. Tuy nhiên, tôm càng xanh lại có những hạn chế lớn chưa thể khắc phục được là thời gian nuôi khá lâu, từ 6-7 tháng. Tôm càng xanh lại rất hiếu chiến, do đó, năng suất nuôi thường không cao. Con tôm này lại đòi hỏi nguồn nước phải luôn sạch và ra vào thường xuyên. Do đó, nuôi tôm càng xanh đạt hiệu quả cao nhất là trên các ruộng lúa trong mùa lũ.

Như vậy, tôm sú vẫn sẽ là giống tôm nuôi chủ lực ở ĐBSCL?

Đúng vậy. Chúng ta vẫn cần phải duy trì con tôm sú ở một diện tích nhất định.




Nguồn: nongnghiep.vn
Báo cáo phân tích thị trường