Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đồng bằng sông Cửu Long: Con tôm chờ nhà khoa học
21 | 04 | 2008
Vừa qua, một số tỉnh nuôi tôm sú ở ĐBSCL như: Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau đang bị thiệt hại nặng do tôm chết hàng loạt. Nghiêm trọng nhất là tại Cà Mau có khoảng 34.000ha tôm sú bị bệnh và chết; thiệt hại từ 10% đến 70%. Đây là hiện tượng không phải chưa bao giờ xảy ra ở ĐBSCL. Việc tăng trưởng quá nóng về diện tích nuôi tôm đã nảy sinh nhiều bất cập về ô nhiễm, kiểm soát dịch bệnh, chất lượng sản phẩm dẫn đến thiệt hại không nhỏ về kinh tế cũng như môi trường.

Bất cập nghề nuôi tôm

Hiện nay, ở Việt Nam, nguồn giống tôm bố mẹ vẫn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên nên khó kiểm soát được chất lượng cũng như dịch bệnh. Nhiều cơ sở sản xuất giống tại địa phương chưa thực hiện đầy đủ quy trình sản xuất tôm giống sạch bệnh, nên chất lượng con giống chưa cao; công tác kiểm dịch tôm giống nhập tỉnh chưa được chặt chẽ. Lượng tôm giống kém chất lượng vẫn được bán trôi nổi còn khá lớn. Vì vậy, nhiều hộ nuôi tôm mua nhầm tôm giống kém chất lượng, sau một thời gian, tôm chết hàng loạt. Ngoài ra, việc ứng dụng quy trình sản xuất tôm giống chất lượng cao chưa được phổ biến. Chưa thực hiện nghiêm công bố chất lượng tôm giống. Trong khi đó, chi phí xét nghiệm tôm giống, mẫu nước nuôi tôm rất cao, tạo gánh nặng cho người nông dân.

Một trong những khâu quan trọng có ảnh hưởng suốt quá trình nuôi tôm chính là vấn đề thức ăn. Thức ăn nuôi tôm phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản: Đầy đủ dưỡng chất, có độ ổn định tốt trong nước, kích cỡ thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tôm; đảm bảo không sử dụng kháng sinh và các hóa chất độc hại, không nhiễm vi sinh và độc tố nấm mốc… Ông Phạm Văn Tình - Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư quốc gia cho biết, thức ăn hiện nay cho tôm được người dân sử dụng không tuân theo những nguyên tắc đó nên làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Việc phát triển nuôi tôm ồ ạt hiện nay cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái. Người nuôi tôm sử dụng rất nhiều loại kháng sinh, thuốc chống nhiễm khuẩn, phân bón, thuốc trừ sâu... Điều này ảnh hưởng đến môi trường nước, cùng là một nguyên nhân khiến tôm có chất lượng kém, thậm chí chết hàng loạt.

Khoa học công nghệ: Không đứng ngoài cuộc

Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II cho rằng, những vấn đề "nóng" của nghề nuôi tôm hiện nay là giống, thức ăn, dịch bệnh, bảo quản, môi trường, mô hình nuôi. Ts. Lý Thị Thanh Loan, Giám đốc Trung tâm quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thủy sản khu vực Nam bộ cũng cho hay, hai bệnh chậm phát triển và phân trắng ở tôm cũng là những vấn đề bức xúc của người nuôi tôm Đồng bằng SCL.

Để nâng cao chất lượng tôm nuôi, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II đã thực hiện một số đề tài nghiên cứu khoa học như sản xuất tôm giống sạch bệnh, hiện đã thành công bước đầu. Đối với một số bệnh tôm, chủ yếu do virut mà vacxin không giải quyết được, Viện đang nghiên cứu tìm phương pháp tốt hơn để phát hiện bệnh, đồng thời hướng đến nghiên cứu, phát triển các bộ kit phát hiện nhanh bệnh. Đối với hai bệnh chậm phát triển và phân trắng ở tôm hiện nay mà người dân đang yêu cầu các nhà khoa học xác định tác nhân gây bệnh, đưa ra biện pháp phòng trừ, Ts. Lý Thị Loan cho biết, Trung tâm đã xây dựng đề cương "Xác định các yếu tố nguy cơ gây bệnh phân trắng trên tôm sú nuôi thâm canh và bán thâm canh ở ĐBSCL, đề xuất các biện pháp phòng trừ hiệu quả" và đang triển khai đề tài nghiên cứu xác định tác nhân gây bệnh chậm lớn trên tôm sú. Đặc biệt, vừa qua Trung tâm cũng đã nghiên cứu một số thảo dược phòng trị bệnh cho tôm cá để thay thế những hóa dược không được phép sử dụng. Kết quả là đã tìm được cây thảo dược có khả năng ức chế virut gây hội chứng đốm trắng mà hiện không có thuốc chữa. Bài thuốc đã được thử nghiệm tốt trên ao nuôi. Đồng thời cũng tìm ra được 2 chất chiết xuất từ thảo dược phòng trừ bệnh nhiễm khuẩn trên tôm sú, cá tra. Năm 2008, dự án sản xuất thử nghiệm các sản phẩm này sẽ được triển khai.

Trước những vấn đề bức xúc của thực trạng nuôi tôm hiện nay, năm 2008, Viện đã đề xuất một số đề tài chương trình nghiên cứu như quy trình công nghệ sản xuất nhân tạo tôm sú bố mẹ và tôm sú giống sạch bệnh; công nghệ sản xuất tôm sú sạch bệnh từ tôm tự nhiên; nghiên cứu các giải pháp phục hồi nền đáy ao nuôi tôm sú bị lão hóa ở ĐBSCL;...

Nhiều tổ chức KH&CN khác cũng đã có những nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng tôm nuôi ở nước ta như Sở KH&CN An Giang, Công ty Cổ Phần Ứng Dụng và Phát Triển Công Nghệ Mới ADNT đã nghiên cứu và chế tạo thành công các loại OZONE dùng cho nuôi công nghiệp, các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần sản xuất dịch vụ nuôi trồng thủy sản kỹ thuật cao Sóc Trăng đã thực hiện thành công phương pháp nuôi tôm sú theo công nghệ sinh học VITEDI, tạo nguồn thực phẩm sạch, an toàn. Hy vọng những đóng góp của KH&CN tiếp tục trong thời gian tới sẽ góp phần nâng cao chất lượng tôm nuôi ở ĐBSCL cũng như cả nước hiện nay.



Nguồn: Khoa học & Phát triển
Báo cáo phân tích thị trường