Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cá tra nguyên liệu sẽ khan hiếm và tăng giá
16 | 04 | 2008
Giá cá tra đang dao động mạnh cùng với biến động của tiền tệ và thị trường. Doanh nghiệp thu mua cá xuất khẩu "đè" giá cá, người nuôi thì cầm chừng và đợi giá lên...

Chỉ trong thời gian gần 2 tháng qua, cá tra nguyên liệu phải lắm thăng trầm theo “bão giá”. Hiện nay giá cá đang nhích lên từng ngày, thế nhưng, khi giá cá lên không phải người nuôi cá nào cũng trúng mùa, trúng giá. Cá lên giá, người nuôi cá không có cá bán... Đó cũng là nỗi buồn của người nuôi cá và cũng là nỗi lo của doanh nghiệp chế biến cá xuất khẩu.

300.000 tấn cá đang thăng trầm...  

Trao đổi với ông Phan Văn Danh, Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh An Giang ông cho biết, năm 2007, An Giang thu hoạch hơn 230.000 tấn cá tra. Năm nay, do những biến động về tiền tệ, thị trường, nhất là trong quý I/2008, có thể sẽ ảnh hưởng đến sản lượng cá tra trong năm. Sản lượng cá tra An Giang theo kế hoạch năm nay là 300.000 tấn, tuy nhiên, năm nay sản lượng này khó đạt.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), sản lượng cá tra thu hoạch quý I/2008 tại ĐBSCL đạt thấp. Tình hình này nguy cơ thiếu ca tra nguyên liệu cho các cơ sở thủy sản trong nhiều tháng tới là điều chắn chắn.

Cũng theo ông Phan Văn Danh, một số doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu làm ăn theo kiểu cạnh tranh không lành mạnh, ký hợp đồng xuất khẩu giá thấp. Trong khi đó, họ thu mua cá tra nguyên liệu và "đè" giá đối với người nuôi cá. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn về tỷ giá đồng đô la, họ đã hạ giá thu mua nguyên liệu, hạ giá xuất khẩu xuống nhằm tránh bị lỗ. Hậu quả, người nuôi cá bị lỗ và khó vay tiền tái đầu tư khiến cho nhiều người nuôi cá không còn mặn mà với nghề nuôi cá nguyên liệu.

Sự thiếu hụt cá tra nguyên liệu đã thể hiện rõ trong tháng 4/2008. Giá cá tra nguyên liệu đang tăng lên liên tục, từ giá 13.500 đồng lên 14.000 đồng rồi 15.200 đồng/kg đối với cá tra thịt trắng vào những ngày trung tuần tháng tư.

Còn ông Bửu Huy, Giám đốc Xí nghiệp đông lạnh AFIEX-An Giang, giá cá bắt đầu tăng do nhu cầu xuất khẩu tăng và nguyên liệu chế biến cung không đủ cầu. Nhu cầu tiêu thụ cá tra hiện nay trên thị trường thế giới cũng sẽ tăng mạnh, nhất là qua Hội chợ thủy sản Châu Âu và Việt Nam trong 3 tháng tới. Với đà này, nếu doanh nghiệp chế biến xuất khẩu ký được những hợp đồng xuất khẩu cá với giá 3 USD trở lên và thu mua cá tra loại thịt trắng từ 16.000 đồng/kg trở nên thì người nuôi cá có lời và khuyến khích cá tra phát triển bền vững.

Nuôi cá... "cầm chừng"

Tình hình khó khăn về tài chính, vốn vay trong tháng 2 và 3/2008 đã khiến nhiều hộ nuôi cá đã ngưng thả giống hoặc cầm chừng cho vụ nuôi tiếp sau. Do tình hình này nên trong thời gian tới, giá cá tra sẽ còn tiếp tục tăng cao.

Hiện nay, do nguồn vốn vay của những người có quan hệ làm ăn, vay vốn ngân hàng là khách hàng cũ được tiếp tục vay tiền để nuôi thúc cá tra, nhiều hộ nuôi cá tra đã không nôn nóng bán và ngóng chờ giá cá tăng, người nuôi cá tra không nên nôn nóng bán tháo cá tra, cá ba sa vì sắp tới, giá bán chắc chắn sẽ tăng cao hơn hiện nay.

Anh Nguyễn Văn Đức, người nuôi 1,2ha cá tra ở ấp Lân Thanh, cù lao Tân Lộc, Thốt Nốt, Cần Thơ cho biết, hiện nay, cá của anh nuôi vào thời kỳ sắp thu hoạch. Tuy nhiên, thấy giá đang lên nên anh ráng "neo" lại, chậm bán để xem giá có tăng thêm nữa không. Theo anh dự đoán, cá này sẽ tiếp tục tăng lên vì hiện nay nguồn hàng khan hiếm. Theo ước tính của anh, nếu giá khoảng 15.500 - 16.000đồng/kg, người nuôi lời trung bình khoảng 1.500 - 2.000 đồng/kg. Năm nay anh thu hoạch khoảng 250 tấn cá. Như vậy, trừ chi phí, ngân hàng, tiền lời kể ra cũng khấm khá.

Theo đánh giá của giới chuyên môn về cá tra, trong quí II và III/2008, giá cá tra nguyên liệu thịt trắng loại 1 sẽ vượt ngưỡng 16.000 đồng/kg. Năm 2007, giá cá tra thịt trắng cao điểm lên đến 17.000đồng, vậy thì ai dám chắc năm 2008 giá cá tra thịt trắng không tăng lên giá 18.000 đồng/kg.

Hiện nay thị trường cá tra đang phục hồi nhanh, vào ngày 27/3 giá cá tra nguyên liệu thịt trắng loại 1 là 13.500 đồng/kg, thì đến nay giá 15.200 đồng/kg. Việc xuất khẩu sản phẩm cá tra tiếp tục thuận lợi, nhiều đối tác của các doanh nghiệp đang tiến hành nhập khẩu số lượng hàng lớn theo chu kỳ tiêu thụ của thị trường. Vì thế, nhiều khả năng, giá cá tra nguyên liệu sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới.

Theo thông tin từ các doanh nghiệp thủy sản ĐBSCL, các doanh nghiệp đang nhận được khá nhiều đơn đặt hàng từ nước ngoài nhưng họ cũng đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu. Trong thời gian tới, cá tra sẽ được người tiêu dùng trên thế giới chọn làm sản phẩm tiêu thụ được ưa chuộng nên giá cá tra xuất khẩu sẽ đẩy lên cao. Tháng 3/2008, giá cá tra philet xuất khẩu bình quân 2,7 USD/kg thì hiện nay tăng lên 3-3,4USD/kg.

Lối ra: Liên kết doanh nghiệp

Mô tả ảnh.

Thu hoạch cá tra.

Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội đang xúc tiến việc liên kết 4-5 công ty chế biến xuất khẩu cá tra lớn ở Việt Nam, nhất là ĐBSCL.

Sự liên kết này sẽ giúp các doanh nghiệp cùng xây dựng vùng nguyên liệu, chia sẻ thông tin, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, đào tạo cán bộ... Từ đó, hướng đến mục tiêu nâng giá trị các sản phẩm cá tra của Việt Nam ở thị trường xuất khẩu và đảm bảo giá bán cá tra trong nước ở mức người nuôi có lời.

Tình hình bấp bênh về giá cá tra nguyên liệu đang đẩy người nuôi cá và doanh nghiệp đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Ông Phan Văn Danh, chủ tịch hội nghề cá tỉnh An Giang cũng cho rằng, Chính phủ cần giao cho Bộ Công thương xây dựng giá sàn xuất khẩu sản phẩm cá tra, để có biện pháp quản lý và chế tài các doanh nghiệp chào bán cá theo kiểu cạnh tranh không lành mạnh, có như vậy mới vừa bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp chế biến cá tra, vừa đảm bảo quyền lợi cho nông dân nuôi cá.

Theo ông Phan Văn Danh, từ khi Quyết định 346 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, thiệt hại của người nuôi cá rất lớn, có thể lên đến hàng trăm tỉ đồng vì nhiều người nuôi cá do thiếu vốn nên đã bán cá trong giai đoạn cá xuống giá. Còn người vay mới để nuôi cá thì gặp khó khăn: Ngân hàng giải ngân nhỏ giọt, người vay phải chịu lãi suất cao từ từ 1,3-1,6% /tháng khiến nhiều người nuôi cá đôi khi thót ruột vì áp lực lãi suất, áp lực về giá cá…..

Theo bà Phạm Thị Diệu Hiền, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thuỷ sản Bình An, một giải pháp căn cơ, đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển bền vững là việc doanh nghiệp phải tạo vùng nuôi cá phục vụ nhà máy chế biến. Hiện Công ty Thủy sản Bình An đã đầu tư 100ha đất tạo vùng nuôi cá tra, vì vậy, từ nay đến cuối năm 2008 Công ty sẽ nuôi cá phục vụ nhà máy chế biến khoảng 40-50% cá nguyên liệu. đây là cách làm mà nhiều Công ty thủy sản ở ĐBSCL đang làm.

Theo ông Bửu Huy, Giám đốc Xí nghiệp chế biến đông lạnh AFIEX- An Giang, từ nay đến tháng 6/2008, có hai hội chợ thủy sản lớn, một ở Hà Nội và một hội chợ ở Bỉ. Nếu doanh nghiệp Việt Nam đồng tâm hiệp lực và giữ giá xuất khẩu từ 3 - 3,5USD/kg thì việc tạo đầu ra cho cá nguyên liệu có thể đạt mức 16.000 đến 16.5000 đồng/kg, loại cá tra thịt trắng. Với mức giá này, người sản xuất và chế biến đều đảm bảo có lời, con cá tra có cơ hội phát triển bền vững...

Cho đến giữa tháng 4/2008, cơ bản người nuôi cá và doanh nghiệp chế biến có thể thở phào nhẹ nhỏm sau sự chao đảo trong cơn bão giá. Tuy nhiên, cơ chế cho vay sản xuất cá tra vẫn chưa ổn định, ngân hàng thương mại vẫn còn khó khăn trong xét cho ngư dân vay, các doanh nghiệp vẫn chưa thống nhất với nhau trong chào hàng và ký hợp đồng bán cá chế biến theo một qui ước nhất định…

Những vấn đề trên đây nếu chưa được giải quyết xong sẽ đe đoạ đến sự phát triển bền vững của nghề nuôi cá tra và ngành chế biến cá tra xuất khẩu, một ngành công nông nghiệp mạnh mẽ và nổi tiếng của ĐBSCL.



Nguồn: VNN
Báo cáo phân tích thị trường