Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thăng trầm nghề nuôi tôm ở Tây Nam Bộ
12 | 09 | 2008
Những năm gần đây, nghề nuôi tôm phát triển mạnh ở các tỉnh ven biển Tây Nam Bộ, trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ nông dân, giúp nhiều hộ làm giàu. Tuy nhiên, do thiếu quy hoạch và chưa có chiến lược phát triển ổn định, nhìn chung, nghề nuôi tôm ở đây vẫn manh mún, bấp bênh.
Mười năm thăng trầm

Với 275 nghìn ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, trong đó chuyên nuôi tôm hơn 250 nghìn ha, Cà Mau chiếm khoảng 42% diện tích nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh ven biển Nam Bộ. Thế nhưng, trong số đó, diện tích nuôi tôm công nghiệp của Cà Mau chưa tới một nghìn ha. Hình thức nuôi chủ yếu vẫn quảng canh, phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, do đó, tỷ lệ rủi ro, mất mùa cao. Năm 2000, diện tích nuôi tôm toàn tỉnh là 106 nghìn ha; sản lượng tôm nuôi sau thu hoạch đạt gần 55 nghìn tấn; năm 2007, diện tích nâng lên 250 nghìn ha, nhưng sản lượng chỉ đạt hơn 94 nghìn tấn.

Hiện nay, toàn tỉnh còn hàng chục nghìn ha nằm sâu trong bưng biền, hệ thống thủy lợi chưa tới được, cho nên trồng lúa không được, nuôi tôm cũng không xong, dẫn đến hàng chục nghìn hộ nông dân phải mang "sổ đỏ" cầm cố, thế chấp ở các ngân hàng từ nhiều năm qua đến nay vẫn chưa trả được vốn và lãi, hiện đã lên đến gần 1.800 tỷ đồng. Tình trạng thiếu tôm nguyên liệu ngày càng trầm trọng; các nhà máy chỉ hoạt động khoảng 30-40% công suất. Trong khi đó, việc sản xuất lúa ở Cà Mau cũng bị thả nổi, diện tích thu hẹp còn khoảng 130 nghìn ha, sản lượng lúa bình quân chỉ đạt hơn 400 nghìn tấn lúa/năm (năm 2000, tỉnh đã đạt sản lượng gần một triệu tấn), khiến Cà Mau phải mua gạo, lợn, cá... từ các tỉnh về.

Thực tế cho thấy, nghề nuôi tôm ở Cà Mau chậm phát triển là do chưa chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho chuyển dịch cơ cấu sản xuất: thủy lợi, con giống, kỹ thuật và đồng vốn. Các mô hình sản xuất kết hợp tôm lúa tỏ ra không phù hợp. Trong khi chưa chủ động được về thủy lợi mặn-ngọt cho nuôi một vụ tôm và trồng một vụ lúa, thì việc đưa ra mô hình và chỉ tiêu kể trên là chưa hợp lý. Trong khi có nơi nuôi tôm trúng đậm, lại có chỗ liên tục thất bát nhiều năm liền, nhưng vẫn chưa được ngành chức năng tổng kết, rút kinh nghiệm để có giải pháp khắc phục. Cho đến nay, ở các huyện được quy hoạch vùng ngọt hóa như Trần Văn Thời, Thới Bình, U Minh, nhiều nông dân vẫn còn lén lút "phá bờ, bửa đập" đưa nước mặn vào nuôi tôm, làm cho một phần diện tích đất ruộng bị nhiễm mặn, nuôi tôm không kết quả, trồng lúa cũng không được...

Tại Kiên Giang, vùng nuôi tôm Hưng Thạnh Hòa (xã Ðông Hưng, Ðông Thạnh và Hưng Hòa) cách xa bờ biển khoảng 15 km, nên nguồn nước cấp rất khó khăn. Các cơ quan chức năng ở đây đang lúng túng trước sự lựa chọn xây dựng hệ thống thủy lợi dẫn nước mặn để nuôi tôm, hay dẫn nước ngọt để trồng lúa. Trong khi đó, ngay tại Ngã tư Công Sự, đối diện với Vườn Quốc gia U Minh Thượng, xuất hiện không ít cơ sở bán tôm sú giống, khiến người ta lo âu trước nguy cơ rừng tràm đặc dụng bị nhiễm mặn. Vụ tôm chính vụ (từ tháng 12-2007 đến 4-2008), xã Ðông Hưng thiệt hại khoảng 70%, còn xã Ðông Thạnh thiệt hại khoảng 80% sản lượng tôm. Cả vùng U Minh Thượng đều thiệt hại. Nguyên nhân tôm chết hàng loạt do thời tiết, con giống không bảo đảm chất lượng, dịch bệnh lây lan.

Mười năm thăng trầm của nghề nuôi tôm sú ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cho thấy đây là nghề ẩn chứa nhiều rủi ro, cần có sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước về quy hoạch vùng nuôi, đầu tư thủy lợi, khuyến ngư, kiểm soát môi trường, con giống.

Ða dạng hóa hình thức nuôi

Nhằm giảm rủi ro trong sản xuất, từ năm 2000 đến nay, ngành thủy sản tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng thành công mô hình nuôi tôm sú công nghiệp theo hướng bền vững. Những hộ nuôi tôm theo mô hình này đều hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng hóa chất trong nuôi tôm, thay vào đó là dùng chế phẩm sinh học. Ðây là mô hình thâm canh được trang bị hệ thống ô-xy đáy và sử dụng hoàn toàn men vi sinh trong khâu cải tạo ao, mương, xử lý nước từ khi mới thả nuôi đến khi thu hoạch.

Nhờ vậy, Sóc Trăng trở thành tỉnh có diện tích nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp dẫn đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long với 27.530 ha/tổng số 47.593 ha tôm. Nông dân nuôi tôm theo mô hình công nghiệp sẽ giảm được nhiều thiệt hại so với cách nuôi thông thường, nhất là các chỉ tiêu môi trường luôn ổn định, tôm phát triển đồng đều, chi phí sản xuất giảm từ 10% đến 20% do hạn chế tới mức thấp nhất việc xử lý khí độc, gây mầu nước và xử lý các bệnh nhiễm khuẩn. Năng suất đạt được cao hơn gấp nhiều lần. Sau bốn tháng nuôi ở mật độ 40 con/m2, năng suất tôm thu được từ 10 đến 12 tấn/ha, trọng lượng đạt từ 30 đến 35 con/kg.

Khởi đầu phong trào nuôi tôm công nghiệp ở Sóc Trăng là hộ ông Ðinh Thiên Cần (Sáu Cần) ở ấp Tổng Cán, xã Liêu Tú, huyện Long Phú: Liên tục trúng mùa với kỹ thuật xử lý ao vuông bằng men vi sinh và những kinh nghiệm tích lũy từ 14 năm nuôi tôm. Ông Sáu Cần kể: Sau bốn năm nuôi tôm quảng canh năm được, năm mất, ông rút ra cho mình một số kinh nghiệm. Rồi khi hay tin Trung tâm Khuyến ngư tỉnh hướng dẫn những mô hình nuôi tôm dùng chế phẩm vi sinh thay vì dùng hóa chất, ông nuôi thử vụ đầu. Khi thấy đạt năng suất cao mà chi phí đầu vào rất thấp nên áp dụng luôn cho những vụ sau.

Chưa bằng lòng kết quả đạt được, trong chuyến đi Thái-lan khảo sát các cơ sở nuôi tôm sú công nghiệp ở nước bạn, ông mời hai kỹ sư thủy sản của Tập đoàn CP chuyên bán thức ăn tôm về làm trợ lý kỹ thuật. Nhờ được hướng dẫn cặn kẽ và áp dụng đúng kỹ thuật nuôi, như xây dựng và cải tạo ao, cách lấy nước và khử trùng nước trong ao, cách chọn giống và thả con giống, cách cho tôm ăn... nên vụ nào ông cũng "trúng đậm". Năm 2001, năm đầu tiên ông Sáu Cần thu lợi hơn một tỷ đồng từ con tôm sú nuôi. Năm 2002, thu hoạch 80 tấn tôm, lãi bốn tỷ đồng...

Năm 2008, đến tháng 8, ông đã thu hoạch 12/50 ao (mỗi ao 5.000 m2) đạt năng suất bình quân sáu tấn/ao. Dự báo, cả năm nay ông Sáu Cần thu hoạch 300 tấn tôm nguyên liệu. Không chỉ có ông Sáu Cần, những năm gần đây, ở huyện Long Phú, Vĩnh Châu, Mỹ Xuyên, xuất hiện nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp thành công. Anh em ông Lưu Thống Nhất, Lưu Quốc Việt đã lập hẳn Công ty cổ phần nuôi trồng thủy sản Mỏ Ó ở xã Trung Bình, huyện Long Phú.

Ông Lưu Quốc Việt, cho biết, năm nay, với diện tích gần 220 ha, công ty thả nuôi 215 ao, mỗi ao có diện tích mặt nước 0,5 ha, diện tích còn lại là bờ bao, ao xử lý, đường mương dẫn nước. Vụ này công ty đạt năng suất bình quân hơn 10 tấn/ha. Theo ông Việt, sự thành công này chính là việc sử dụng men vi sinh trong suốt quá trình nuôi tôm. Khi sử dụng men vi sinh thì không cần dùng bất cứ loại hóa chất nào khác, vì vậy sản phẩm tôm nguyên liệu của công ty không có dư lượng kháng sinh - điều mà những nhà máy chế biến thủy sản cũng như thị trường tiêu thụ rất cần. Hơn nữa, cái được của người nuôi tôm công nghiệp là không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, còn là việc giá thành chi phí rẻ hơn so với sử dụng thuốc, hóa chất để xử lý nước, ao nuôi. Ước tính, vụ tôm này, công ty Mỏ Ó sẽ thu hơn một nghìn tấn tôm nguyên liệu.

Tuy nhiên, khó khăn đối với người nuôi tôm ở Sóc Trăng là giá các sản phẩm thức ăn, thuốc thú y cho thủy sản ngày càng tăng. Mặt khác, do ngân hàng cho vay hạn chế, người nuôi thiếu vốn. Song, cái khó khăn lớn nhất đối với người nuôi tôm hiện nay là giá tôm sú thương phẩm đang giảm mạnh và khó bán. Giá tôm sú hiện chỉ còn khoảng 80 nghìn đồng/kg, người nuôi tôm không có lời bởi giá thành tôm thương phẩm lên đến gần 80 nghìn đồng/kg. Nhưng không phải người nuôi nào cũng bán được tôm. Trên địa bàn tỉnh, có năm doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, nhưng chỉ có hai đơn vị đang mua tôm với sản lượng khoảng 200 tấn/ngày.

Ðể tháo gỡ khó khăn cho người nuôi tôm, đồng thời tạo cơ hội thuận lợi cho con tôm sú Việt Nam vào thị trường nhiều nước, ngoài việc khuyến cáo bà con thả nuôi với mật độ thưa để tôm đạt kích cỡ lớn, giá thành hạ, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, tỉnh quy hoạch thêm vùng nuôi tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích 3.000 ha thuộc các xã ven biển Vĩnh Phước, Vĩnh Tân, Lai Hòa thuộc huyện Vĩnh Châu. Do tôm thẻ chân trắng dễ nuôi, năng suất cao gấp hai lần so với tôm sú, giá thành lại rẻ hơn khoảng 30% nên nhiều người đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Thực tế ở huyện Vĩnh Châu, Long Phú đã có người nuôi tôm thẻ chân trắng rất thành công, đạt cỡ 60 đến 70 con/kg. Tuy nhiên đây chỉ là bước đầu, người nuôi tôm vẫn đang lúng túng về hướng đi thời gian tới.

Cần những giải pháp đồng bộ

Từ thực tế của nghề nuôi tôm, thời gian qua, các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp như quy hoạch vùng nuôi, xây dựng các mô hình mới nhằm đa dạng hóa hình thức nuôi để đạt giá trị kinh tế cao. Theo Quy hoạch điều chỉnh diện tích nuôi tôm ở tỉnh Kiên Giang (giai đoạn 2001 - 2010), thì đến năm 2010, diện tích nuôi tôm sẽ là 51.967 ha, tăng 12.246 ha so với năm 2005, chủ yếu mở rộng thêm vùng sản xuất lúa kém hiệu quả bán đảo Cà Mau sang nuôi tôm kết hợp với trồng lúa. Việc nuôi tôm sẽ thực hiện theo hướng thâm canh nhằm nâng cao năng suất và chất lượng con tôm.

UBND tỉnh Cà Mau vừa chỉ đạo ngành thủy sản, các cơ quan chức năng và các địa phương trọng điểm về nuôi trồng thủy sản rà soát, đánh giá thực trạng; xây dựng quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020. Trong đó, xúc tiến triển khai quy hoạch vùng nuôi tôm công nghiệp, tôm thẻ chân trắng gắn với thực hiện đồng bộ các giải pháp về thủy lợi, vốn, con giống, khoa học công nghệ nuôi để tăng nhanh sản lượng tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.

Ðúc kết kinh nghiệm từ nghề nuôi tôm thời gian qua, nhiều nông dân Cà Mau cho rằng: Mô hình nuôi tôm khá bền vững hiện nay là nuôi quảng canh cải tiến hoặc luân canh một vụ tôm, một vụ lúa trong điều kiện thủy lợi chủ động được mặn-ngọt; phát triển mô hình nuôi sinh thái dưới tán rừng khá bền vững tại Công ty Lâm nghiệp 184 ở huyện Năm Căn...

Nông dân Cà Mau đang có xu hướng nuôi tôm luân canh, nghĩa là thả nuôi liên tục, thu hoạch liên tục, tuy sản lượng không cao, nhưng bảo đảm cho thu nhập quanh năm. Mặt khác, để tránh tình trạng độc canh, mất mùa khi nuôi tôm-trồng lúa trong điều kiện chưa chủ động được về thủy lợi, thời tiết, cần nuôi tôm quảng canh kết hợp với các loài thủy sản có giá trị khác như cua, cá, sò huyết...

Tuy nhiên, để nuôi tôm có hiệu quả, bền vững, các nhà quản lý, các nhà khoa học phải vào cuộc, giúp nông dân nhiều hơn nữa. Trước mắt, tỉnh Cà Mau mạnh dạn chuyển hàng chục nghìn ha nhiều năm liền nuôi tôm không đạt hiệu quả sang nuôi trồng các loại cây con khác. Gắn với quy hoạch, Cà Mau cũng huy động các nguồn vốn để thời gian tới tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng nhằm đủ sức phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất tôm-lúa. Triển khai rộng rãi công tác ứng dụng, chuyển giao khoa học-kỹ thuật đến từng hộ nông dân; tổ chức lại và nâng cao năng lực sản xuất con giống cho nhu cầu tại chỗ; gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái, kiểm soát dịch bệnh.




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường