Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Quảng Nam: tôm trắng cứu “sổ đỏ”
10 | 06 | 2009
Phải đến 80% hộ nuôi tôm vụ này (thu hoạch từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 6.2009) có lãi, ít vài chục triệu, nhiều vài trăm triệu đồng/hộ. Theo chi cục Nuôi trồng thuỷ sản tỉnh, đây là vụ nuôi trúng nhất trong bảy vụ qua (tôm thẻ chân trắng xuất hiện rộ ở Quảng Nam chỉ mới ba năm). Năng suất vùng triều 6 tấn/ha, vùng cát đến 12 tấn/ha; sản lượng vụ này nhiều hơn cùng kỳ vài ngàn tấn.

Hàng loạt chi nhánh ngân hàng ở Hội An, Núi Thành, Điện Bàn, Duy Xuyên… vui còn hơn người trúng tôm – 70% khách hàng đến trả những khoản nợ bị đọng từ thời tôm sú. Tam Tiến (Núi Thành) là xã có diện tích nuôi tôm lớn nhất Quảng Nam – 328 hecta, và cũng là cái “ổ” nợ cấp xã lớn nhất – 10 tỉ đồng, nợ từ năm 2003.

Theo ông Lữ Đình Vân, chủ tịch UBND xã này, phải đến 1.000 “sổ đỏ” của dân trong xã bị “giam cầm” nhiều năm trong các ngân hàng do lâm luỵ con tôm sú. Nghề nuôi tôm “sống lại” góp phần làm nhộn nhịp đời sống nông thôn. Chỉ trong vụ này xã Tam Tiến xuất hiện 30 đại lý làm dịch vụ cho nghề nuôi tôm. Năm tới đây, nghề nuôi tôm ở Tam Tiến và nhiều địa phương trong tỉnh sẽ có một số thay đổi, đó là dân sẽ không làm theo lịch thời vụ nuôi tôm của tỉnh. Họ sẽ bắt đầu thả nuôi vụ một ngày sau tết Nguyên đán (trước lịch một tháng).

Theo giải thích của nhiều người, nuôi lúc này vừa được hưởng giá giống thấp hơn một nửa (trong khi nuôi đúng lịch, giá tôm giống là 30đ/con) vừa được hưởng giá xuất bán tôm thịt cao – trên 60.000đ/kg (trong khi nuôi đúng lịch dưới 50.000đ/kg). Lịch nuôi trồng thuỷ sản từng được sở Thuỷ sản Quảng Nam (bây giờ là sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam) được UBND tỉnh ban hành, với đầy đủ chế tài, thế nhưng bao nhiêu năm qua nó chưa hề được thực hiện nghiêm túc.

Không chỉ có nông dân mà cả cán bộ cũng “phá” lịch. Ông Nguyễn Hữu Nhiên nhờ thả tôm trước lịch mà khi xuất bán được giá đến 65.000đ/kg. “Một tấn tôm làm theo lịch bị thiệt so với “phá” lịch đến mấy chục triệu đồng”, một nông dân nói. Lâu nay để ngăn ngừa việc “phá” lịch, tỉnh yêu cầu cán bộ xã xử phạt hoặc “mở khung lưới” tháo bỏ tôm (nuôi trái lịch). Hiện nay cán bộ nhiều xã không tuân theo yêu cầu này nữa, họ ngại bị dân chửi rủa, oán trách, thật tâm họ cũng thấy lịch không thuyết phục.



Nguồn: Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường