Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sóc Trăng: Nuôi trồng thuỷ sản - Nông dân loay hoay tìm lối đi
17 | 08 | 2011
Những năm gần đây, nghề nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh Sóc Trăng phát triển mạnh, diện tích nuôi trồng ngày càng được mở rộng. Thế nhưng, cho đến thời điểm này vẫn chưa có một hướng đi thích hợp cho nghề này.

Toàn tỉnh hiện có trên 60 ngàn ha nuôi trồng thuỷ sản các loại, tập trung tại các huyện như Vĩnh Châu, Trần Đề, Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên và rãi rác ở các nơi khác trong tỉnh. Trong nhiều năm qua, việc nuôi tôm sú luôn gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực nuôi tôm sú ngày càng trầm trọng, một số bà con chưa am hiểu nhiều về quy trình kỹ thuật… đã làm cho nhiều hộ nông dân bị thiệt hại nặng. Người nuôi thuỷ sản vất vả, khốn đốn, liên tục đối mặt với những thách thức ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi trồng thuỷ sản, nhất là trong năm 2011 này.

Mô hình nuôi tôm công nghiệp đòi hỏi vốn lớn, nông dân phải có kinh nghiệm và khả năng nắm bắt vận dụng khoa học kỹ thuật. Hiện có một bộ phận không nhỏ nông dân do thiếu hiểu biết về khoa học kỹ thuật nên lạm dụng hoá chất, kháng sinh, đồng thời sử dụng cùng một lúc với vi sinh trong việc phòng chống bệnh. Bên cạnh đó là hệ thống thuỷ lợi bị bồi lắng nhanh ở một số khu vực, không đảm bảo chất lượng và lưu lượng nước cho nuôi tôm đang là vấn đề bức xúc đối với nhiều vùng nuôi; tính cộng đồng trong bảo vệ và quản lý môi trường nhìn chung còn hạn chế.

Do tình hình nuôi tôm sú không còn hiệu quả, người dân bắt đầu nuôi tôm thẻ chân trắng, bước đầu đã có kết quả tốt, nhiều hộ nuôi có lợi nhuận khá; do thời gian nuôi tôm thẻ chân trắng ngắn hơn so với tôm sú (khoảng 3 tháng), hệ số thức ăn thấp (khoảng 1.0 - 1.1) vốn đầu tư thấp hơn tôm sú, hiệu quả mang lại tương đối tốt. Đặc biệt, một số hộ ở huyện Cù Lao Dung và Trần Đề sau nhiều năm nuôi tôm sú thất bại đã thành công khi đưa con tôm thẻ chân trắng vào các ao nuôi này.

Sau khi được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho phép được nuôi tôm thẻ chân trắng (tại Chỉ thị số 228/CT-BNN-NTTS ban hành ngày 25/01/2008 về phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng tại các tỉnh phía Nam với mục đích đa dạng hoá đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện, góp phần khắc phục khó khăn, từng bước giảm thế độc canh nuôi tôm tôm sú tại một số địa phương), tại các vùng nuôi tôm sú của tỉnh, trong nhiều năm qua, người dân đã mạnh dạn chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Hiện nay toàn tỉnh cho đến thời điểm này có trên 1.000 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, năng suất tôm thẻ chân trắng đạt bình quân 8 - 10 tấn/vụ, cá biệt có nơi lên đến 10 - 15 tấn/ha/vụ.

Song song với việc nuôi thương phẩm, trong những năm gần đây cơ sở bán giống tôm thẻ chân trắng cũng được gia tăng một cách mạnh mẽ. Từ thực tế nhìn nhận tổng thể có thể thấy, nguyên nhân là do thiếu quy hoạch các vùng nuôi chuyên canh, người nuôi chưa tiếp cận được những tiên bộ khoa học kỹ thuật, mạnh ai nấy làm. Dẫn tới tình trạng cùng trên một khu đất nhưng nơi thì nuôi tôm sú, chỗ thì nuôi tôm thẻ hoặc nuôi các vật nuôi khác nhau như: cua, cá… Việc lấy nước – xả nước thải mạnh ai nấy làm rất dễ lây lan dịch bệnh.

Thêm vào đó, nghề nuôi trồng thuỷ sản vẫn mang tính chất nông hộ, vì vậy việc chuyển giao khoa học kỹ thuật gặp không ít khó khăn. Thời gian qua bà con nông dân vẫn nuôi trồng thuỷ sản hình thức nhỏ lẻ tự phát, “tự bơi” trên đồng đất, “nuôi được con nào ăn con đó”. Thấy loại vật nuôi nào đem lại lợi nhuận cao trước mắt thì tự ý chuyển sang nuôi…

Ngoài những bất lợi đã nói ở trên, việc thiếu quy hoạch các vùng chuyên canh còn gây ảnh hưởng bất lợi cho các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản trên địa bàn tỉnh vì luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất. Hàng năm, bà con nông dân làm nghề nuôi trồng thuỷ sản được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng cũng như cách phòng chống dịch bệnh, nhưng những kiến thức mà người nuôi được tiếp thu còn mang nặng tính hình thức, nông dân khó áp dụng vào thực tiễn… Thực tế cho thấy, công tác nghiên cứu khoa học, nhất là ứng dụng công nghệ sinh học vào nghiên cứu, sản xuất các loại giống nuôi phù hợp với từng vùng và có giá trị kinh tế cao… vẫn chưa được quan tâm đầu tư.

Đối với ngành thuỷ sản, vấn nạn lớn nhất hiện nay đó là môi trường ô nhiểm, thời tiết, khí hậu thất thường, có thể nói đó là những nguyên nhân thường niên, muôn thuở. Sản phẩm hàng hoá sau nuôi trồng thuỷ sản cần có thị trường, đầu ra ổn định và không thể thiếu những hoạch định chính sách của Nhà nước hợp lòng dân.

Theo Khuyến nông VN



Báo cáo phân tích thị trường