Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khủng hoảng... cá!
15 | 08 | 2011
Thị trường cá da trơn ở ĐBSCL đang có nhiều dấu hiệu xấu. Thậm chí, một số người còn dự đoán, từ nay đến cuối năm sẽ xuất hiện cơn “bão” cá, cuốn phăng một số doanh nghiệp chế biến và cả người nuôi cá...

Cá ế!

Đầu tuần này, anh A. (chuyên làm “cò” mua bán cá) than thở: “Đến giờ này mà nhà máy chế biến vẫn chưa bắt cá của nơi mà tôi “môi giới”. Gần một tháng rồi, trong khi theo hợp đồng, nhà máy sẽ bắt cá sau 20 ngày”. Nhưng dù sao, theo anh A., việc giúp nhà máy chế biến và người nuôi cá gặp nhau, ký kết hợp đồng cũng đã là thành công. Bởi thời điểm này, hầu như không còn bao nhiêu công ty chấp nhận mua cá. “Liên hệ ở đâu, họ cũng lắc đầu. Một số thì trả lời với những hợp đồng đã ký thì hai tháng tới họ cũng chưa bắt hết cá”, anh nói.

Mấy tháng trước, khi giá cá lên đỉnh điểm gần 30.000 đồng/ki lô gam, người nuôi “làm mình, làm mẩy” đòi lên giá tiếp. Các công ty chế biến do thiếu nguyên liệu phải “quỵ lụy”, chấp nhận thanh toán tiền mặt ngay. Để rồi, giá cá tuột dần khi nhiều công ty muốn tạo thế chủ động nên tự xây dựng vùng nguyên liệu cho riêng mình. Đến mức cuối tháng 7-2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có công văn đề nghị vận động các doanh nghiệp mua giúp số cá da trơn quá lứa. Còn giờ, ngay cả cá đúng kích cỡ cũng khó kiếm người mua.

Hiện giá cá “đẹp” chỉ còn hơn 21.000 đồng/ki lô gam. Những người “neo” cá chờ giá lên bị lỗ nặng. Mà muốn bán cũng không xong, dù có người chấp nhận cho doanh nghiệp trả chậm hai tháng! Nhiều người dự đoán giá cá sẽ tiếp tục giảm xuống dưới mức 20.000 đồng/ki lô gam.

Đại diện một công ty chế biến cá khá lớn ở An Giang khẳng định: “Chính công ty của chúng tôi cũng không còn tiền mua cá! Ngân hàng siết chặt tín dụng, lãi suất lại cao. Hổm rày, các công ty chủ yếu lấy hàng tồn kho để kinh doanh. Một số thì chỉ chế biến cá thu hoạch từ vùng nuôi của mình”.

Cá bán không được, người nuôi chết lặng! Nhưng nói một cách khách quan, vẫn có một vài nơi chấp nhận mua cá. Chỉ có điều, phần lớn những nơi này đều có tai tiếng trong việc thanh toán, nhất là gần đây có dấu hiệu xấu về tài chính. Bởi thế, cá đành “neo” ao. Nếu tính bình quân một ao đang có 100 tấn cá đến lứa thu hoạch, người nuôi phải bỏ ra bình quân 2 tấn thức ăn/ngày, tương đương 22 triệu đồng, để cho cá ăn... Mà nếu để cá quá lứa (trên 1 ki lô gam/con) thì chỉ có nước đem ra chợ ngồi bán lẻ. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ vẫn chưa có dấu hiệu sáng sủa.

“Bão” cá?

Tháng 7 vừa qua, đã có một công ty chế biến cá ở Cần Thơ tuyên bố giải thể, thanh lý nợ. Mới đây, ít nhất đã có hai công ty chế biến cá ở ĐBSCL bị kiện ra tòa vì nợ tiền mua cá. Một số chuyên gia dự báo, từ nay đến cuối năm, sẽ có thêm một số nhà máy chế biến cá ở ĐBSCL phá sản hoặc bị kéo ra tòa.

Nhìn mặt nào đó, đây cũng là quy luật đào thải và sàng lọc, khi các nhà máy chế biến phát triển quá nóng trong thời gian qua và tự hại nhau để tồn tại.

Mặt khác, theo một chuyên gia, chính lãi suất cao và tình trạng quay vòng vốn chậm đã “tàn phá” nhiều công ty, nhà máy chế biến. Đại diện một nhà máy chế biến ở ĐBSCL, ví von: “Hổm rày, công ty nào xuất khẩu mười đồng, thu hồi được bảy đồng đã là thành công! Các nhà nhập khẩu “giam” vốn rất dữ. Bởi vậy, tính bình quân giá cá xuất khẩu sáu tháng đầu năm khá cao, nhưng có ai biết các công ty đang chết dở, sống dở”.

Nhiều công ty hy vọng, các đơn hàng cho dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch sắp tới sẽ giảm bớt tình hình khó khăn. Nhưng cuối tuần rồi, giá xuất khẩu cho những đơn hàng ấy đã tuột dưới 3 đô la Mỹ/ki lô gam. “Giá xuất những tháng đầu năm hầu hết đều trên 3 đô la Mỹ/ki lô gam (có lúc đạt bình quân 3,4 đô la Mỹ/ki lô gam). Nhưng những đơn hàng đó đã xuất hết. Giờ đây, nhà nhập khẩu cũng biết khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam, nên tạo áp lực giảm giá. Các công ty Việt Nam thì “đói vốn” nên cũng khó tránh việc giảm giá để bán hàng tồn. Chưa biết khi nào giá mới vực dậy trở lại!”, một chuyên gia nói.

Một nguyên nhân khác khiến cá tra Việt Nam mất giá là do làm mất lòng tin của nhà nhập khẩu. Vừa qua, do muốn gỡ gạc, một số công ty đã xuất cá tra với tỷ lệ mạ băng vượt quá mức cho phép. Điều này đã làm ảnh hưởng đến uy tín chung của sản phẩm cá da trơn xuất khẩu Việt Nam.

Nếu trong những tháng tới, các công ty chế biến cá vẫn tiếp tục gặp khó khăn sẽ ảnh hưởng đến cả chuỗi giá trị con cá da trơn. Người nuôi cá gặp rủi ro, không thu hồi được vốn, tác động dây chuyền khiến các công ty cung cấp thức ăn cũng “rêm mình”. Như anh A. cho biết, chính anh cũng ngẫu nhiên có thêm nghề mới là “cò” bán cá. “Tôi vốn chỉ chuyên bán thức ăn thủy sản cho một công ty. Nhưng khách hàng không bán cá được, tiền đâu trả cho công ty? Để thu hồi vốn, buộc tôi phải giúp người nuôi cá tìm mối bán, thu tiền về”, anh nói.

Theo TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường