Giá xuất khẩu cá tra đi châu Âu tiếp tục giảm 0,02 – 0,03 USD/kg trong hai tuần đầu tháng 8. So với mức trung bình trong tháng 6 và 7.2011 là 3,3 – 3,4 USD, giá cá tra xuất đi thị trường châu Âu hiện chỉ còn 2,8 – 2,9 USD/kg; trong khi thị trường Mỹ giảm khoảng 0,4 USD, còn trung bình 3 USD/kg. Giá xuất khẩu cá tra giảm không nằm ngoài dự đoán, bởi nhà nhập khẩu nắm rõ tình hình nguyên liệu trong nước đã giảm tới 20% so với các tháng hồi đầu năm nên ép giá mua xuống. Tuy nhiên, khó khăn chung của xuất khẩu thuỷ sản hiện nay, không chỉ ở vấn đề giá, mà ngày càng có nhiều nhà nhập khẩu liên hệ hoãn nhận, thậm chí là bỏ luôn đơn hàng đã ký trước đây.
Trên đe tồn kho
“Hai tuần đầu tháng 8 này công ty bị một số khách châu Âu bỏ nhiều hợp đồng mua cá tra. Họ nêu lý do không có tiền lấy nên đành phải chịu”, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở Đồng Tháp rầu rĩ nói. Ông Trần Thiện Lĩnh, giám đốc công ty cổ phần thuỷ sản và thương mại Thuận Phước, Đà Nẵng, cũng cho biết tình hình hiện nay rất giống với khủng hoảng năm 2008. Do vấn đề nợ công, hầu hết đối tác châu Âu, Mỹ đang bị ngân hàng hạn chế tín dụng nên họ buộc phải cắt giảm đơn hàng dự trữ. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ hiện nay cũng khá chậm do sau nhiều năm khủng hoảng, người tiêu dùng không chi tiêu phóng tay như trước. “Doanh nghiệp đang gặp khó khăn kép. Bên ngoài thì thị trường xuất khẩu khó khăn, còn trong nước thì chi phí sản xuất tăng cao”, ông Lĩnh nói. Bảy tháng đầu năm nay, công ty Thuận Phước xuất khẩu trên 4.300 tấn thuỷ sản, đạt kim ngạch trên 36 triệu USD nhưng số lãi thu được không lớn.
Theo các doanh nghiệp, còn hơn một tháng nữa mùa tiêu thụ thuỷ sản ở châu Âu, Mỹ mới bắt đầu sau kỳ nghỉ hè kéo dài. Thời gian qua, doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản làm hàng chủ yếu giao cho các hợp đồng đã ký trước và chuẩn bị hàng trữ bán vào dịp cuối năm. “Chi phí lưu kho mỗi ký cá tra hiện nay vào khoảng 1.425 đồng (lãi suất, phí chạy điện lạnh). Đơn hàng cũ thì đang bị khách từ chối, không biết đến tháng 9 này liệu thị trường có khá hơn để bán hàng hay không”, giám đốc một doanh nghiệp tỏ ra lo lắng nói. Theo ông này, tình cảnh thị trường hiện nay mà kéo dài đến cuối năm, rất có thể doanh nghiệp phải còng lưng ôm hàng tồn.
Dưới búa thanh toán
Còn theo ông Dương Ngọc Minh, tổng giám đốc công ty cổ phần thuỷ sản Hùng Vương, tuy thị trường khó khăn nhưng doanh nghiệp cũng phải cẩn trọng khi chọn đối tác để bán, vì hiện nay, có rất nhiều nhà nhập khẩu không còn đủ năng lực thanh toán, nếu cứ “ném” hàng vào cho họ sẽ rất khó đòi tiền.
Có nguồn tin cho biết, hiện đã có nhiều đại gia xuất khẩu tôm, cá tra là thành viên của Vasep bị nhà nhập khẩu nợ hàng trăm tỉ đồng tiền hàng, có nguy cơ mắt trắng.
“Tôi nghĩ trong lúc mọi chi phí đều tăng, doanh nghiệp cần tỉnh táo chọn khách hàng, chọn phương thức thanh toán nhằm tránh tổn thất không đáng có”, ông Trần Thiện Lĩnh đặt vần đề.
Theo Hoàng Bảy
SGTT