Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bến Tre: Dừa tăng giá, chẳng ai vui
29 | 04 | 2008
Giá dừa khô tại Bến Tre đã vọt lên 54.000 đồng/chục (12 trái), dừa tươi uống nước 30.000 đồng/chục, mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay. Dừa lên giá nhưng chẳng ai vui vì năm nay dừa bị "treo cổ, hết trái" sớm...
Giá dừa khô tại Bến Tre đã vọt lên mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay. Doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ dừa không vui đã đành, người trồng dừa cũng chẳng ai vui mới lạ.

A lô, dừa khô lên giá !

Những ngày này khắp các nẻo đường quê, sông rạch ở Châu Thành, Mõ Cày, Giồng Trôm… của tỉnh Bến Tre nơi đâu cũng thấy cảnh thương lái lùng sục vào những vườn dừa từ sáng sớm, nghiêng ngó săm soi từng ngọn dừa lão cao chót vót, giành giật mua từng trái dừa khô, dừa tươi.

Ông Tư Nam, chủ 3 công (3.000m2) đất trồng dừa ở xã Thành Triệu huyện Châu Thành, cười méo xẹo: “Hai tháng nay dừa trái hút hàng, giá lên vùn vụt nhưng nhà vườn đâu còn bao nhiêu dừa để bán”. Ông Tư Nam là một trong hàng trăm ngàn nhà vườn trồng dừa ở Bến Tre đang tiếc đứt ruột khi giá thu mua dừa trái tăng ào ào mà những cây dừa trong vườn phải chịu cảnh “ treo cổ” không còn trái.

“Hồi giáp Tết Mậu Tý, do nhu cầu làm mứt tết, làm kẹo tăng nên giá dừa từ 26.000 đồng/chục nhảy lên 30.000 đồng/chục khiến nhà vườn đua nhau bẻ dừa mứt bán ào ào. Từ sau Tết đến nay, nhiều vườn dừa hết trái nhưng thương lái cứ đẩy giá mua lên vùn vụt: 35.000 đồng, 40.000 đồng, 50.000 đồng và nay thì 54.000 đồng/chục, dừa tươi từ 20.000 đồng/chục nay lên 30.000 đồng/chục làm ai nấy… tiếc đứt ruột”, ông Nam cho biết.

Dân trồng dừa ở Bến Tre nói không hiểu tại sao năm nay dừa bị “treo cổ, hết trái” sớm hơn mọi năm. Những năm trước chu kỳ dừa “treo” vào khoảng tháng 6, tháng 7 nhưng năm nay mới tháng 3 nhiều vườn dừa đã “treo cổ".

Bà Nguyễn Thị Tươi, chủ vựa dừa Sáu Tươi ở phường 7 thị xã Bến Tre chuyên cung ứng dừa khô đi TP.HCM, nói trước đây mỗi ngày vựa có thể thu mua 1-2 thiên dừa (1 thiên = 12.000 trái) nhưng hơn một tháng nay, xua quân lùng sục gom góp khắp nơi suốt 4-5 ngày mới mua được một thiên dừa trái.

Ông Sáu Hồng, thương lái mua gom dừa trái bán cho đoàn tàu gần chục chiếc của thương nhân Trung Quốc neo đậu thường trực trên sông Hàm Luông, cho biết thời điểm trước Tết Mậu Tý cứ nửa tháng là những chiếc tàu Trung Quốc đầy hàng nhổ neo về nước, nhưng gần đây mỗi chuyến tàu phải neo đậu hơn một tháng vì mua không đủ hàng.

Bà Lê Thị Cẩm Vân, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre chuyên thu mua xuất khẩu sản phẩm cơm dừa nạo sấy, xác nhận hiện nay mỗi tháng công ty chỉ thu mua được chừng 400 tấn cơm dừa, giảm 50% so với lúc bình thường dù giá cơm dừa đang dao động ở mức 8.800-9.200 đồng/kg, tăng hơn 1.000 đồng/kg so với năm 2007.

“Giá dừa khô sẽ còn tăng bởi ngoài việc dừa bị “treo” sớm còn có nguyên nhân là trời nắng nóng, nhu cầu uống nước dừa tăng nên nhiều nhà vườn sẵn sàng bán dừa tươi cho thương lái, không chờ dừa khô”, ông Tư Nam nhận định. Nhiều nhà vườn Bến Tre cho biết một quày dừa từ khi đâm bông đến lúc khô trái mất 8 tháng ròng nên bán dừa tươi uống nước (khoảng 4-5 tháng tuổi) giá 25.000-30.000 đồng/chục…khỏe hơn chờ dừa khô.

Loay hoay dưới tán dừa

Tỉnh Bến Tre hiện đang có hơn 44.400 ha đất trồng dừa với sản lượng hàng năm hơn 301,7 triệu trái.

Thời cực thịnh vườn dừa Bến Tre có diện tích hơn 60.000 ha nhưng do giá dừa trái trồi sụt thất thường nên cây dừa cũng lao đao: những năm 1980 nhiều vườn dừa bị triệt hạ để… trồng mía đường; đến những năm 2000-2002 khi giá dừa chỉ còn 400 đồng-500 đồng/trái, một lần nữa dừa Bến Tre lại bị nhà vườn phá bỏ để trồng cam, nhãn.

Hiện nay, dù diện tích và sản lượng dừa Bến Tre đã dần khôi phục nhưng theo nhận định của ngành công nghiệp, số lượng hơn 300 triệu trái dừa/năm vẫn không đủ nguyên liệu cho hơn 20 nhà máy, cơ sở chế biến cơm dừa nạo sấy của tỉnh hoạt động.

Với tổng công suất tiêu thụ khoảng 500 triệu trái dừa/năm, nhiều nhà máy chế biến cơm dừa nạo sấy của Bến Tre phải chạy sang các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh thu mua dừa trái.

Trước tình hình này nhiều người lạc quan cho rằng cây dừa Bến Tre đang trở lại thời huy hoàng nhờ công nghiệp chế biến; chuyện được mùa rớt giá, cảnh chặt trồng, trồng chặt sẽ khó tái diễn bởi trong năm 2007 toàn tỉnh đã có thêm gần 4.000 ha đất trồng dừa. Nhưng lạ một điều là nhà vườn Bến Tre không mấy hào hứng trước việc dừa lên giá “kỷ lục”.

Ông Ba Dương, chủ 5.000m2 vườn dừa, tính toán: 1 ha đất chỉ trồng được 160 cây dừa, chăm sóc tốt sẽ cho thu hoạch 1.200 trái/tháng, trong đó chỉ có khoảng 400-500 trái dừa loại 1. Trong khi đó tiền công bẻ dừa đã tốn 400.000 đồng/thiên, cộng thêm các khoảng chi phí khác người trồng dừa thu lãi tối đa cũng chưa tới 20 triệu đồng/ha, nếu so với trồng cây có múi hoặc các loại cây đặc sản khác cho thu nhập vài trăm triệu đồng/năm thì cây dừa… thua xa.

Một nguyên nhân khác khiến người trồng dừa kém vui là mỗi năm dừa chỉ tăng giá đột biến một vài tháng khi cây bị “treo cổ”, những tháng còn lại dừa rớt giá thảm hại khi tàu Trung Quốc ăn hàng số lượng ít, các doanh nghiệp chế biến dừa hè nhau ép giá.

Dừa trái tăng giá kỷ lục khiến các doanh nghiệp chế biến cơm dừa nạo sấy của Bến Tre lâm cảnh chật vật vì hoạt động chế biến các sản phẩm từ dừa gặp khó khăn. Bà Vân và nhiều doanh nghiệp chế biến cơm dừa nạo sấy xuất khẩu ở Bến Tre cho biết khi giá dừa trái loại 1 lên trên 50.000 đồng/chục thì họ phải cắn răng chịu lỗ thu mua nguyên liệu giá cao để chế biến giao hàng đúng hợp đồng đã ký trước đây với giá 1.400 USD/tấn dù hiện nay giá cơm dừa nạo sấy trên thị trường thế giới đã tăng lên 1.550 USD/tấn. Các doanh nghiệp càng bức xúc hơn khi biết hàng năm vẫn có gần 100 triệu trái dừa Bến Tre xuống tàu đi Trung Quốc ngay trên sông Hàm Luông với thuế suất 0% trong khi các nhà máy chế biến cơm dừa nạo sấy phải chịu thuế suất 5% để thu mua cơm dừa nguyên liệu.

“Chúng tôi đề nghị tỉnh nên xem xét lại cách tính thuế cho công bằng giữa các doanh nghiệp chế biến cơm dừa nạo sấy và doanh nhân Trung Quốc”, bà Lê Thị Cẩm Vân nói.

Bà Vân và các doanh nghiệp chế biến cơm dừa của Bến Tre cho rằng họ đang gặp rất nhiều bất lợi trong khâu cạnh tranh thu mua nguyên liệu. Hiện tại họ không thể mua dừa nguyên trái về chế biến vì sợ… bị phạt do gây ô nhiễm môi trường, đành phải chấp nhận thu mua cơm dừa trong khi các thương lái chỉ thích bán dừa nguyên trái để đỡ tốn thêm chi phí thuê nhân công đập dừa, gọt cơm dừa và xử lý phế phẩm.

“May mà doanh nhân Trung Quốc chỉ thu mua dừa trái với số lượng khoảng 100 triệu trái/năm. Nếu họ bỏ tiền ra mua hết dừa Bến Tre thì chúng tôi… chịu chết, không thể cạnh tranh thu mua nguyên liệu”, một doanh nghiệp thừa nhận.

Nhiều doanh nghiệp chế biến cơm dừa nạo sấy cho rằng, các cơ quan hữu trách của tỉnh Bến Tre cần xem xét lại vấn đề cho xuất thô dừa trái vì gián tiếp làm thiệt hại đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và thu nhập của những người lao động phổ thông (làm nghề đập dừa, gọt cơm dừa...) bởi nếu không có tàu Trung Quốc cạnh tranh thu mua thì các cơ sở chế biến cơm dừa của tỉnh vẫn dư sức tiêu thụ hết nguồn nguyên liệu của địa phương. Tuy nhiên, các cơ quan hữu trách của Bến Tre cho rằng vấn đề cốt tử hiện nay là các doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ dừa của tỉnh phải tìm giải pháp cạnh tranh thu mua nguyên liệu thích hợp để tồn tại, tỉnh không thể sử dụng chiêu “mua không được thì cấm bán”.




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường