Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
"Thần chết" quanh bàn ăn
26 | 04 | 2008
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong 6 tháng cuối năm 2007 và 3 đầu năm 2008, rau nhiễm độc, thịt bẩn ở mức báo động. Ngay cả gạo cũng chứa nhiều hóa chất bảo vệ thực vật acetamiri ở mức tồn dư…
Tại khu vực Nam bộ, kiểm tra 865 hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên rau, chè thì có 111 hộ sử dụng thuốc sai quy định, 32 hộ không đảm bảo thời gian cách ly, 17 hộ sử dụng thuốc hạn chế sử dụng cho rau, 8 hộ dùng thuốc cấm. Tại các chợ đầu mối kiểm tra 2.069 mẫu rau thì có 71 mẫu có hàm lượng độc hại vượt mức cho phép... Ngay cả gạo cũng chứa nhiều hóa chất bảo vệ thực vật acetamiri ở mức tồn dư 0,03ppm, vượt ngưỡng cho phép 0,01pm. Chất này có khả năng gây ung thư dạ dày, các bệnh về tiêu hóa.


Những bất cập về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được TS. Trần Đáng, Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết: “Quản lí Nhà nước về ATVSTP là Bộ Y tế nhưng Bộ Khoa học và Công nghệ quản lí Nhà nước về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Việc ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật ATVSTPP phải trình Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, mà thời gian thẩm định tới 60 ngày. Thực tế đòi hỏi phải có vài nghìn tiêu chuẩn về ATVSTP, song đến nay mới chỉ ban hành 717 tiêu chuẩn. Do đó, Bộ Y tế kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cần nhanh chóng ban hành đầy đủ tiêu chuẩn về ATVSTP”.


Người tiêu dùng thường chọn mua thực phẩm giá rẻ, mua hàng tươi sống, nên các chủ kinh doanh đã dùng hàn the, formal, natri, nitrat... để bảo quản. Các loại chất này có tác dụng làm cho thực phẩm dẻo, cứng, giòn, tươi mới theo ý người sử dụng, nhưng khi vào cơ thể có thể gây ngộ độc cấp tính, tổn thương thận và thần kinh trung ương, gây bỏng rát cổ, viêm phổi, hại thai nhi và chất nitrat có thể gây ung thư... Để kiểm soát các loại hóa chất này là rất khó vì hệ thống labo kiểm nghiệm so với yêu cầu thực tế rất ít, 64 tỉnh thành mới có 16 labo có máy sắc ký lỏng. Năng lực của các cán bộ làm công tác xét nghiệm còn rất hạn chế. Nguyên nhân ô nhiễm môi trường cũng dẫn đến mất ATVSTP. Trong không khí là khói xăng, khói nhà máy, trong nguồn nước là rác các loại xỉ, chất than, nước thải từ các khu công nghiệp. Những loại độc tố này thâm nhập vào động vật sống dưới nước và rau, củ , quả... gây ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm.


Theo ý kiến của các chuyên gia, Bộ Khoa học và Công nghệ cần kết hợp với Bộ Y tế để cho ra bộ tiêu chuẩn chung về ATVSTP, xử lí các vụ vi phạm nhanh và chặt chẽ hơn. Trước tình hình kinh doanh rau an toàn không có phép tại các chợ, Chi cục Bảo vệ thực vật, Quản lí thị trường, Ban quản lí chợ tại các địa phương, thành phố cần tiến hành theo dõi yêu cầu cơ sở kinh doanh phải xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Sau khi phúc kiểm nếu thấy cơ sở vẫn không đủ điều kiện, cơ quan chức năng đề nghị hạ biển kinh doanh. Nếu cơ sở cố tình vi phạm cần có xử phạt hành chính mạnh tay. Đối với cơ sở sản xuất rau an toàn, các cơ sở bảo vệ thực vật cần phổ biến kiến thức về sử dụng lượng thuốc bảo vệ thực vật một cách hợp lí và thời gian cách ly trước khi bán ra ngoài thị trường, khuyến cáo trồng rau theo tiêu chuẩn GAP. Đây là mô hình mà Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đã làm thành công ở 22 tỉnh, thành phố phía Nam, 6 tỉnh, thành phố phía Bắc. GAP là hệ thống canh tác trên cơ sở kiểm soát các mối nguy liên quan đến ATVSTP trong toàn bộ quá trình canh tác. Ngoài ra các loại hoa quả nhập từ Trung Quốc, khi các cơ quan chức năng chưa kiểm nghiệm được, thì bà con nên dùng hàng thực phẩm Việt Nam có rõ nguồn gốc xuất xứ. Và nên chăng cần có một trang Web về VSATTP để người tiêu dùng có kiến thức bảo vệ sức khỏe cho mình./.



Nguồn: VOVNews
Báo cáo phân tích thị trường