Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trở thành tỉ phú nhờ... khoai lang
14 | 04 | 2008
Giữa vùng “đồng không mông quạnh” Tứ Giác Long Xuyên, nơi mà nhiều hộ dân vẫn đang sống trong cảnh 3 không: không điện, không đường giao thông, không điện thoại, lại có một nông dân nắm giữ 3 cái nhất Việt Nam:
Người duy nhất là học viên của 3 trường đại học; Người lập website về khoai lang và bán khoai lang qua mạng sớm nhất; Người lập phòng xét nghiệm bệnh trên dưa hấu và khoai lang sớm nhất (và có lẽ cũng là duy nhất, đến thời điểm này).


Học hết lớp 7 vào thẳng... đại học

Đầu tháng 9/2000 trong quán cà phê, đối diện cổng Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, có một “Hai lúa” râu ria lởm chởm, chân tay váng phèn vàng kè, người khét lẹt mùi nắng, ngày nào cũng “trầm” ở góc bàn cạnh quầy pha nước, trộm nhìn những nam nữ sinh viên lứa tuổi cháu con với ánh mắt thèm thuồng. Lựa lúc quán vắng, “Hai lúa” lân la đến làm quen với mấy thanh niên đang rôm rả bàn chuyện... bóng đá:

“Mình là nông dân trồng khoai lang ở miệt Hòn Đất, Kiên Giang, muốn xin vào trường các cháu học chơi cho biết nghề. Đâu tụi bây xem có cách nào, chỉ giúp cho mình với, mai mốt trúng mùa sẽ chở khoai lên đây cho mấy em ăn mệt nghỉ...”

Theo gợi ý của mấy bạn trẻ, Hai lúa miền Tây quày qủa trở về quê photocopy mấy thứ giấy tờ tùy thân kèm theo giấy xác nhận đã học hết lớp 7 và chứng nhận Nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh mang lên nộp vào Phòng Giáo vụ của trường, xin được học dự thính.

Các anh chị nhận hồ sơ, xem qua cười muốn vỡ bụng, nhưng nể Hai lúa tuổi hàng cha chú đã miễn cưỡng trả lời: “Từ hồi nào tới giờ trường tụi cháu chưa hề nhận ai vào học bằng cách này. Chắc là không được đâu chú ơi, nhưng để trình lên Hiệu trưởng nhà trường xem sao, chú nhé”.


“Chuyên gia nông học” té ra là Hai lúa

Hơn tuần ăn bụi ngủ quán quanh trường vẫn chưa thấy hồi âm, Hai lúa quyết định liều mình vác ba lô theo mấy sinh viên nọ vào giảng đường.

Cả lớp học hôm ấy đã bị “sốc”, không ai tập trung được khi đột ngột xuất hiện một học viên già, còn giảng viên thì cứ ngỡ “bị” trường phái “chuyên gia” đến... giám sát. Sau tiết học, cả lớp xúm lại hỏi chuyện, mới vỡ lẽ. Có người buột miệng: “Trời ơi, tụi con đang làm việc, cơ quan bắt đi học mấy năm ngán muốn chết, chú thì lại...”. Hai lúa tỉnh queo đáp: “Mình có bao nhiêu tiền của đổ hết vô mẫu khoai lang ở quê, chính cái rẫy ấy nó bắt mình đi học để biết mà phòng trị bệnh cho nó, nếu không nó bệnh chết thì mình cũng toi theo”!

Thế rồi ngoài thời gian lên giảng đường, Hai lúa còn tìm mua thêm sách sinh vật, hóa học, vật lý chương trình trung học phổ thông về xem thêm để theo kịp chương trình đại học. Gần một năm trôi qua, vừa học vừa lên xuống chăm mấy thửa khoai ở nhà, Hai lúa đã hoàn tất chương trình 15 môn trồng trọt: Rau chuyên khoa, khoa học đất cơ bản, bệnh cây, sinh học vi sinh vật, sinh lý học thực vật... tại Đại học Nông lâm.

Học viên Hai lúa ấy là Đỗ Quý Hạo (Ba Hạo), 52 tuổi, ngụ ấp Hiệp Tân, xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang.


Khoai lang “khổng lồ”

Ngoài Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, Ba Hạo còn tìm đến Khoa Nông nghiệp Đại học Cần Thơ và mới đây là Đại học An Giang để xin “thọ giáo” các chuyên gia, giảng viên đầu ngành về nông học, bảo vệ thực vật.
Mà cách học của Ba Hạo cũng lạ: Anh xem các tài liệu nói về đất, dinh dưỡng cây trồng, các loại sâu bệnh gây hại và cách phòng trừ... chỗ nào chưa hiểu hết hoặc áp dụng thực tế mà không hiệu quả thì anh mang ra nhờ thầy cô diễn giải. Rồi anh lại khăn gói đến các trường tham gia thực hành thí nghiệm cùng với những sinh viên chính khóa.

Hơn 10 năm học hỏi, Ba Hạo đã liên tục “phá kỷ lục trúng mùa” của chính mình. Và tạo ra năng suất khổng lồ cho khoai lang. Năng suất khoai lang mỡ hồi đầu chỉ 10-12 tấn/ha nay đã lên đến 52 tấn/ha; trong khi giống khoai lang tím Nhật cũng tăng gấp đôi - đạt trên 30 tấn/ha. Tỉ lệ sản phẩm đồng chất, đồng màu cũng tăng từ 50% lên trên 80%.


Tìm diệt “tình nhân” giấu mặt

Ba Hạo còn tìm đến GS-TS Nguyễn Công Hào, Phân viện trưởng Phân viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, học hỏi phương pháp sử dụng chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh.

Theo hướng dẫn của GS Hào, bẫy sinh học sử dụng pheromone chỉ dẫn dụ được bọ hà đực (ăn khoai) chui vào rồi chết, khiến con cái không sinh trưởng được, chứ không trực tiếp diệt được con cái. Ba Hạo lại nghĩ: “Chỗ nào có con đực thì chỗ đó cũng có con cái, vậy tại sao mình không truy tìm con cái từ chỗ con đực “tình nhân” lộ diện”. Thế là thay vì đặt bẫy, lựa lúc trời mát, anh cho người cầm pheromone đi khắp ruộng khoai để bọ hà đực nghe mùi ngoi lên, cứ thế mà bắt, đồng thời đánh dấu các vị trí đó để lúc rảnh quay lại đào lên triệt tiêu luôn cả ổ bọ hà cái.

Tại hội thảo khoa học về sử dụng chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh, tổ chức tại Kiên Giang vào tháng 5/2004, sáng kiến này đã gây sửng sốt cho nhiều nhà khoa học bởi tính hiệu quả của nó: Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (do không phải dùng thuốc trừ sâu, giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường).


Xét nghiệm, bốc thuốc cho... khoai

Bây giờ thì ông chủ trang trại khoai lang thuộc hàng lớn nhất nước, với diện tích lên đến 80 ha, sản lượng trên 2.000 tấn không còn ngán bất cứ loại côn trùng, dịch bệnh nào gây hại. “Gia đình mình bị bệnh có khi phải đi bác sĩ, chứ khoai mà bệnh thì tự tay mình xét nghiệm, bốc thuốc là hết trơn liền”. Nói rồi Ba Hạo đưa tôi đến khoe phòng xét nghiệm nằm chính giữa trang trại...

Nhưng với một người mới học đến lớp 7 như anh, câu chuyện ra đời phòng thí nghiệm không đơn giản chút nào.

Lúc còn chăm sóc lúa mướn cho ông Bảy Thẩm ở Bưng Lớn (xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất), Ba Hạo được Lâm trường Kiên Bình (Kiên Giang) giao cho 3 ha đất để khai hoang trồng dưa hấu ăn chia lời lỗ.

Vụ đầu tiên, cây dưa mới hơn tuần tuổi đột nhiên thối gốc rồi lần lượt quẹo ngang. Xót ruột, anh tìm đến Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang và các tiệm sách ngoài tỉnh tài liệu nói về bệnh cây về xem, rồi mua 3-4 loại thuốc phun xịt mà ruộng dưa vẫn không khỏi bệnh.

Nửa đêm. Đang chong đèn đọc sách, anh chợt nghĩ: “Hay là mình tìm hiểu chưa tới. Phải đi gặp người viết sách kia để hỏi cho tường tận và nhờ họ bắt bệnh cho cây”. Thế là anh vùng dậy cầm bó đuốc ra ruộng dưa nhổ mấy cây bệnh, cho vào túi ni lon rồi lấy xuồng máy phóng hết ga ra đường cái, bắt xe lên Đại học Cần Thơ.


Tậu kính hiển vi để soi... dưa hấu

Đến nơi trời vừa sáng, Ba Hạo xộc thẳng vào bộ môn Bảo vệ thực vật, đòi gặp bằng được thầy Dương Minh, cô Nguyễn Thị Nghiêm. Thấy điệu bộ của anh, bảo vệ trường biết ngay không phải là sinh viên, nên ngăn lại, hỏi: “Ông gặp làm chi, bộ bà con dưới quê lên hả”. Ba Hạo đáp: “Hàng họ chi đâu, qua còn chưa biết mặt các vị ấy. Số là qua làm rẫy, đọc sách thấy các thầy cô hướng dẫn cách trị bệnh cho cây trồng, làm theo mà cây vẫn cứ chết nên lên đây hỏi cho rõ vậy mà”.

Cám cảnh đường xa vất vả của anh nông dân, ngay trong giờ lên lớp buổi sáng hôm ấy, thạc sĩ Nghiêm đã nhận mẫu bệnh phẩm mang ra xét nghiệm, rồi hướng dẫn anh về mua thuốc validacxin để phun. Ba Hạo trở về làm theo, cây dưa và chủ rẫy tươi xanh trở lại.

Thời gian dài sau đó, gặp bệnh gì trị không hết, Ba Hạo đều mang mẫu bệnh phẩm - khi thì cây dưa dăm ngày tuổi bị thối gốc, khi thì mấy tấm lá dưa khô héo, lại có lúc anh mang cả mấy quả dưa to đùng đột nhiên bị nứt nẻ, bụt nước - đến nhờ cô Nghiêm “bắt mạch”.

Một bận Ba Hạo không mang mẫu bệnh lên nữa, mà xách theo một cái kính hiển vi. “Anh mượn cái kính này ở đâu, đem lên đây làm chi, ở trường có nhiều rồi mà...” - thạc sĩ Nghiêm ngạc nhiên hỏi.

Ba Hạo rụt rè trả lời: “Dạ, lâu nay nhờ cô giúp em trúng mùa nên trích ra hơn chục triệu đồng sắm đó cô ạ. Bây giờ em muốn cô chỉ cách làm xét nghiệm, em muốn lập một phòng thí nghiệm hệt như ở trường... em muốn làm bác sĩ cây trồng giống như cô đây”.


Phòng xét nghiệm cây trồng của “bác sĩ nông dân”

Trước tinh thần cầu tiến, ham học hỏi của anh nông dân, thạc sĩ Nghiêm đã gật đầu. Thế là Ba Hạo trở thành học viên dự thính của trường hàng mấy tháng trời để vừa học vừa thực hành thí nghiệm cùng các sinh viên. Ngày anh từ giã ra về, thạc sĩ Nghiêm gọi mấy học trò của mình lại, bảo: “Nông dân mình bây giờ có nhiều người rất ham học và có đầu óc sáng tạo. Nếu các em học hành không kỹ lưỡng, ra trường làm việc với họ coi chừng gặp khó”.

Về quê, Ba Hạo đầu tư thêm 20 triệu đồng, tân trang lại căn phòng ngủ rộng 25 m2, sắm 2 cái tủ kính, một tủ chứa sách, tủ còn lại đựng dụng cụ, chai lọ hóa chất phục vụ cho việc xét nghiệm bệnh cây. Và lạ thay, hầu như tất cả các loại sâu bệnh trên cây dưa hấu, sau khi lấy tiêu bản đưa vào kính hiển vi quan sát, kết hợp một số thí nghiệm khác, anh đều định bệnh và bốc thuốc trúng phốc.

Từ bắt bệnh cho dưa, với sự hướng dẫn của GS Nguyễn Công Hào và nhiều thầy cô khác anh đã mua thêm một số thiết bị, hóa chất để bắt bệnh cho cả khoai lang. Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều nông dân trong vùng mang cây bệnh đến cầu cứu “bác sĩ Hạo”.


Đưa khoai lang lên mạng

Trong một lần dự hội thảo về đầu tư và thương mại của Singapore tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, Ba Hạo may mắn ngồi cạnh một thương gia nước ngoài nói sõi tiếng Việt. Ba Hạo không bỏ lỡ cơ hội khai thác thị trường: “Ở bên ông nông dân có đi chào hàng cho doanh nghiệp không, hay là doanh nghiệp tìm đến nông dân. Ví dụ tui muốn bán khoai lang qua bên đó thì phải làm sao?”. Vị khách trả lời: “Mọi người không phải đi lại nhiều nhưng điều biết nhau thông qua mạng Internet, ai cần bán, cần mua gì cứ lên đó mà rao”.

Câu trả lời của vị thương gia Singapore làm Ba Hạo chợt nhớ đến lời khuyên của GS - TS Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Đại học An Giang trong một chương trình “gặp gỡ 4 nhà” (nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học và nhà quản lý) được truyền hình trực tiếp: “Muốn hội nhập thì nhà nông phải áp dụng công nghệ thông tin, tìm đến nhà khoa học, nhà doanh nghiệp để học tập, ứng dụng”.

Sau hội thảo, Ba Hạo đã tìm đến Đại học An Giang trình bày ý nguyện thành lập một website giới thiệu khoai lang Việt Nam. Đề nghị này đã được GS Xuân ủng hộ và Đại học An Giang đã giúp Ba Hạo xây dựng, khai trương trang website: www.khoailangbahao.com.vn.

Qua 4 tháng hoạt động, đã có hơn 21 ngàn lượt truy cập vào website này. Khách hàng điện thoại, e-mail tìm hiểu, đặt hàng mua khoai lang của Ba Hạo cũng dồn dập đến. Ngoài hàng chục doanh nghiệp trong nước, còn có 7 khách là những doanh nghiệp lớn của Nhật, Pháp, Singapore đang thương thảo giá cả và qui cách sản phẩm.

“Nhiều người nước ngoài e-mail cho tôi, nói rằng nhờ có website mà họ biết được Việt Nam trồng được khoai lang rất ngon và bước đầu đã có 3 doanh nghiệp đặt mua khoảng 500 tấn sản phẩm, hàng xuất trực tiếp, giá không dưới 1 USD/kg. Quả là một thành công ngoài mong đợi của tôi” - Ba Hạo phấn chấn.

Trước những tiện ích do Internet mang lại, mới đây Ba Hạo đã đầu tư thêm cả trăm triệu sắm laptop, máy phát điện và kết nối mạng không dây để có thể khai thác Internet tại trang trại giữa đồng. Anh khoe: “Mình vừa liên lạc với một khách hàng Nhật. Họ yêu cầu gửi trước một số thông tin như qui trình sản xuất, thời điểm thu hoạch, giá cả dự trù và hẹn ít hôm nữa sẽ gặp nhau tại Sài Gòn để thương thảo cụ thể việc mua bán khoai lang tím Nhật”.

Chạng vạng tối. Ba Hạo lại vội vã gom đồ nhét vào cặp xách, chuẩn bị đi gặp các doanh nghiệp đầu mối ở TP Hồ Chí Minh. Trong mớ hành lý đơn sơ để chung với chiếc cặp đựng laptop, tôi kịp nhận ra một quyển sách - mà Ba Hạo nói là thứ gối đầu của anh: “The Ocean Blue Strategy” (Chiến lược đại dương xanh), bên dưới tựa đề có dòng thiệu: “Làm thế nào để tạo khoảng trống thị trường và vô hiệu hóa cạnh tranh?”.

Và Ba Hạo đang làm nên chuyện nhờ biết khai thác khoảng trống thị trường bằng một loại sản phẩm rất bình dân: Khoai lang.



Nguồn: doanhnghiep24g.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường