Chuyện như đùa nhưng với 1.200 hộ dân trồng khoai lang ở xã Đác Buk So (Đác RLấp, Đác Nông) là một sự thật...
Niềm vui người “gieo mầm”
Dưới cơn mưa lất phất một buổi sáng tháng mười, ông Bùi Văn Lâm- Chủ nhiệm hợp tác xã 19/5 đóng chân ở xã Đác Buk So dẫn tôi len qua con đường đồi dốc trực chỉ vùng trồng khoai lang của xã- nơi hơn 1.200 hộ nông dân xã Đác Buk So đã phất lên làm giàu nhờ... khoai!
Nhìn xuống thảm xanh của khoai lang vụ 2, ông Lâm kể lại chuyện người “gieo mầm” khoai lang trên vùng Đác Buk So. Anh là Nguyễn Ngọc Quyền- Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Đác RLấp.
Năm 2002, trong một chuyến công tác sang huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), anh Quyền được một người bạn làm quà bằng mấy ký khoai lang giống Nhật Bản mà vùng Đức Trọng đang trồng. Anh Quyền nhận và đưa về trồng thử vào vùng Đác Buk So.
Không ngờ khoai “quà” lại thích hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây đến độ tốt hơn cả vùng chuyên canh khoai Đức Trọng. Từ đó, anh Quyền đã khảo sát và sang Lâm Đồng mua giống về trồng thử nghiệm 20 ha trên vùng Đác Buk So. Năm đầu đạt hiệu quả, thế là những năm tiếp theo diện tích khoai lang tăng lên: Năm 2003 là 60ha đến năm 2004 là 250 ha và năm 2005 là 600 ha.
Từ một xã chỉ trồng lúa nước độc canh, bây giờ ai cũng trồng khoai; rồi thành lập HTX 19/5 chuyên chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng khoai và bao tiêu luôn sản phẩm khoai lang cho dân.
Còn niềm vui nào hơn khi vùng Đác Buk So, có 120 hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống dựa vào rừng, thâm canh cây lúa theo truyền thống lạc hậu nay chuyển đổi để trồng khoai, rồi ai cũng có của ăn của để, ổn định sản xuất. Anh Nguyễn Ngọc Quyền phấn khởi: “Nhờ khoai mà hơn 25% số hộ nghèo của xã nay đã thoát nghèo hơn một nửa…”.
Ông Nguyễn Đông, ở thôn 8 khi gặp chúng tôi không ngớt khoe về khả năng làm giàu của mình: “Tôi đang trồng 10 ha khoai lang, mỗi ha thu hoạch bình quân 15 tấn, cứ lấy giá thấp nhất là 2.500đồng/kg, mỗi năm gia đình tôi thu không dưới 250 triệu đồng”.
Trong khi đó, ông Đổng Viết Sở ở thôn 2 lại tiếc nuối: “Bây giờ khoai lang có giá khá ổn định nhưng nhà không có người làm đành ngậm ngùi cho người ta thuê đất để trồng khoai. Năm 2004, con cái phải đi làm ăn xa, một mình tôi trồng hơn 2ha, vụ nào cũng thu hơn 50 triệu đồng. Bây giờ cho thuê 1ha đất trồng khoai 1 vụ chỉ 5 triệu”.
Khoai lang càng làm ngỡ ngàng hàng triệu người trong và ngoài tỉnh khi đầu năm 2006 thương hiệu “Vina khoai lang Đác Buk So” ra đời. Cái tên “khoai lang Đác Buk So” đã bay đến các vùng miền trong nước, rồi “giao du” sang tận trời Tây, sang cả Nhật Bản, Malaysia và Singapore.
Các tỉnh khu vực đất đỏ bazan cũng kéo nhau về Đác Buk So để đăng ký và nhờ chuyển giao công nghệ trồng khoai. Điều mà người dân vui nhất là trang trại giống khoai lang do huyện Đác Rlấp thành lập đã ra đời và khoai đã bán ra thị trường. Nhiều công ty, tư thương tìm đến đây để đặt hàng, bởi theo họ khoai lang vùng Đác Buk So có vị thơm ngon đặc trưng, củ lại to.
Khoai lang trái vụ “hái” ra tiền?
Nếu như anh Quyền là người đưa khoai lang về xã thì ông Bùi Văn Lâm lại là người “bắt” khoai lang phải đẻ ra tiền bằng cách trồng trái vụ. Theo quy luật và cơ cấu trồng khoai lang thì nó chỉ thích hợp với vụ 1 và vụ 2 trong năm- có nghĩa là trồng từ tháng 3 cho đến cuối tháng 10.
Hơn nữa trồng khoai chính vụ, đầu tư 1ha chỉ tốn 6-8 triệu đồng, mà vụ hè thu lại không tốn nhiều nước tưới và giá cũng biến động chỉ từ 2.700-3.200 đồng. Riêng trồng khoai trái vụ thời gian trồng từ tháng 12 đến khoảng tháng 3 mới thu hoạch; hơn nữa đầu tư cho 1ha giá rất cao (gần 15 triệu đồng) chưa kể những khó khăn về nguồn nước tưới. Thế nhưng, sau nhiều đêm suy nghĩ ông Lâm quyết định “liều” trồng khoai trái vụ.
Theo ông Lâm, giá khoai thời điểm trái vụ có khi lên đến 6.000-7.000 đồng/kg là chuyện thường. Vì vậy, không sợ thất bại! Để thực hiện ý tưởng của mình, ông đã triển khai trên chính chân ruộng của mình với diện tích 2ha. Mọi chuyện diễn ra tốt đẹp. Đến ngày thu hoạch sản lượng khoai khá cao.
Ông Lâm bật mí: “Thời gian sinh trưởng của khoai chỉ 3 tháng, nếu khâu làm đất tơi xốp, đất sạch và cần một lượng nước tưới khoảng 3.000m3/ha thì việc trồng khoai lang trái vụ là hoàn toàn không khó”. Ông Lâm nói: “Muốn làm giàu trước hết phải... liều anh ạ! Nhưng cũng phải khoa học. Dân ở đây bây giờ đều hái ra tiền từ việc làm liều này đấy!”.
Theo ý tưởng của ông Lâm, huyện Đác RLấp cũng đã triển khai trồng 80 ha khoai trái vụ, đồng thời sẽ mở rộng diện tích sang cả những địa bàn khác nếu như thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp trong thời gian tới.
Hiện tại tổng diện tích trồng khoai lang 2 vụ trên toàn huyện là 822,5 ha, tập trung chủ yếu là địa bàn xã Đác Buk So, năng suất bình quân 18,5 tấn/ha. Đó là chưa kể huyện đang xuống giống khoai lang trái vụ với diện tích khoảng 120 ha. Từ nguồn khoai lang mỗi năm người dân trên địa bàn huyện (chủ yếu ở Đác Buk So) thu lợi gần bốn tỷ đồng.
Theo anh Quyền, khoai lang vùng này một phần được nhà máy JDF của Đà Lạt thu mua và chế biến thành phẩm để xuất khẩu, phần còn lại làm sạch đóng Container lạnh xuất khẩu sang Nhật Bản và Singapore; các nước còn lại ở khu vực châu Âu và Trung Quốc, Malaysia đều qua trung gian hai đầu mối của Nhật Bản và Singapore.