Ít ai có thể ngờ rằng nhờ củ khoai lang, nhiều nông dân nghèo trước đây cơm chưa đủ ăn nay đã thành... tỉ phú. Dẫn chúng tôi vào vựa khoai của Tuy Đức là xã Đắk Búk So - nơi có 320ha đất trồng khoai lang - anh Nguyễn Văn Tư, phóng viên Đài phát thanh truyền hình huyện Tuy Đức, hồ hởi: “Chẳng ai ngờ được cái giống khoai lang lại có sức hấp dẫn đến thế. Suốt hai năm nay gần như ngày nào tôi cũng phải dẫn khách vào các làng khoai tham quan”.
Chuyện ở vựa khoai
Nghe chuyện về những nông dân nghèo bỗng chốc đổi đời, xây nhà bạc tỉ nhờ củ khoai lang cứ như chuyện đùa. Tuy nhiên với ông Phạm Văn Số, chủ tịch Hội nông dân xã Đắk Búk So, đó là chuyện nghiêm túc 100%: “Mừng cho bà con lắm, trước đây nói thiệt khắp xã này không ai có nổi cái nhà đàng hoàng, giờ thì hộ nào cũng nhà cao cửa rộng, tiền trăm triệu bỏ tủ trở thành... chuyện thường”. Nói rồi ông Số liệt kê một loạt tên “đại gia khoai lang” ở Đắk Búk So.
Tiến tới xây dựng thương hiệu Kỹ sư Nguyễn Ngọc Quyền, trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Tuy Đức, cho hay hiện tại diện tích trồng khoai toàn huyện đã lên tới 630ha, chủ yếu nằm ở các xã Quảng Trực, Quảng Tâm và Đắk Búk So, trong đó Đắk Búk So là vựa khoai lớn nhất, hăng năm xuất ra thị trường 7.000-8.000 tấn khoai. Tuy nhiên, ông Quyền cũng lưu ý vì “khoai ruộng lạ - mạ ruộng quen” nên năng suất khoai hiện đang giảm dần vì nhiều diện tích đất mới đã được khai thác, nếu không có chiến lược dài hạn thì sản lượng khoai lang Tuy Đức sẽ ít dần. Để “dọn đường” cho củ khoai lang Tuy Đức, phòng nông nghiệp, hội nông dân và phòng công thương huyện vừa làm thủ tục gửi lên Bộ Khoa học - công nghệ xin đăng ký thương hiệu cho khoai lang Tuy Đức. Đồng thời, sắp tới sẽ có một nhà máy chế biến khoai lang được xây dựng tại huyện. |
Chị Nguyễn Thị Lành, “đại gia khoai lang” thôn 7, cho biết hai vợ chồng chị vốn là dân di cư từ Thanh Hóa vào, làm thuê cuốc mướn không đủ ăn, từ khi củ khoai lang vượt đường về xã, gia đình chị mới được đổi đời. Từ trồng khoai lấy vốn, bán dây giống rồi chuyển sang thu mua khoai, vợ chồng chị đã cất được ngôi nhà to nhất thôn trị giá hơn 800 triệu đồng. Chị Lành cho hay làm giàu từ khoai lang như gia đình chị thì xứ này nhiều: “Nhà nào ít cũng vài hecta khoai, mỗi năm kiếm vài trăm triệu là chuyện dễ dàng”.
Ông Phạm Văn Số giới thiệu cho chúng tôi một “đại gia khoai lang” khác, đó là chị Trịnh Thị Thủy, phó chủ tịch hội nông dân xã. Từ hai bàn tay trắng phải bươn chải đủ nghề để kiếm sống, gia đình chị Thủy cũng giàu lên nhờ trồng khoai. Khi trong thôn chưa có nhiều người trồng khoai thì chị là người khởi xướng, đến khi việc trồng khoai rộ lên chị thu về hàng trăm triệu đồng nhờ bán khoai giống. Chị Thủy cho biết hiện gia đình chị thu nhập từ khoai hằng năm không dưới 500 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, thôn 6, cho biết trồng khoai lang không cần nhiều vốn, dễ trồng và năng suất cao nên hầu hết người dân ở xã chị đã thật sự đổi đời. Gia đình chị có đến năm đứa con, trước đây cơm không đủ ăn nhưng từ năm 2004 nhờ trồng khoai mà vợ chồng chị đã cất được ngôi nhà hơn 300 triệu đồng, có của ăn của để.
Chủ đại lý thu mua khoai lang Sáu Phương (buôn Ndrung, Đắk Búk So) cho biết vào chính vụ mỗi ngày anh mua vào 15-20 tấn khoai lang. Để chuẩn bị cho mùa khoai, cả gia đình phải dồn hết nhân lực, thuê thêm thợ bốc vác và cơi nới nhà để lấy chỗ chất khoai. “Từ khi có củ khoai đến giờ bà con làm ăn khấm khá, mình cũng có thêm thu nhập”.
Những ngày vào mùa thu hoạch, con đường dẫn vào huyện Tuy Đức trở thành “con đường vui”. Từ trung tâm huyện vào tận các ruộng khoai, hàng chục chiếc xe tải quấn tròn dây xích chất đầy khoai lang vượt đường rừng vào ra liên tục. Cứ vào vụ bới khoai là không khí ở Tuy Đức xôm tụ lên, nhân công làm thuê và thương lái khắp nơi tìm về ăn theo mùa khoai. Tuyến đường độc đạo dẫn sâu vào các vựa khoai bị xe tải và xe công nông cày xới tơi bời, cách vài ngày người dân lại cùng nhau cào lại mặt đường để dọn đường cho củ khoai thoát ra khỏi ruộng và đi xuất khẩu.
|
Niềm vui của người dân thôn 5, xã Đắk Búk So với vụ mùa bội thu - Ảnh: T.B.D. |
Hành trình tìm khoai
Ông Trần Văn Thắng, chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Đức, cho hay cách đây sáu năm đời sống nông dân Tuy Đức hết sức khó khăn do các loại nông sản không đem lại hiệu quả. Cây bắp, lúa và một số nông sản chỉ giúp nông dân đủ ăn. Từ sau năm 2003, khi khoai lang về tới đất Tuy Đức thì nhiều nông dân bắt đầu trồng và đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp hàng chục lần so với trồng băp, lúa.
Ông Phạm Văn Thủy, chi hội trưởng nông dân thôn 5, xã Đắk Búk So, cho biết hiện tại nông dân đang trồng hai loại khoai chính là khoai lang cao sản và giống khoai có nguồn gốc từ Nhật Bản. Khoai lang Nhật Bản năng suất kém hơn, thời gian trồng lâu hơn nhưng giá lại cao gấp đôi so với khoai cao sản nên nông dân trồng nhiều. Theo ông Thủy, bình quân mỗi hecta cho năng suất 15-17 tấn, giá khoai luôn giữ ở mức ổn định: 3.000-3.500 đồng/kg khoai xô và 4.000-4.500 đồng/kg khoai tinh chất lượng cao. |
Đó là câu chuyện của tháng 6-2003, trong khi nông dân Tuy Đức đang lúng túng vì chưa tìm ra được loại nông sản thích hợp với vùng đất mình thì những cán bộ nông dân của Hợp tác xã 19-5 xã Đắk Búk So nghe tin tại Lâm Đồng có giống khoai lang Nhật Bản đang đem lại tiền triệu cho người dân. Họ bàn nhau rồi khăn gói qua Lâm Đồng tìm hiểu và mua giống về trồng.
Thấy họ tâm huyết với ruộng đồng nên Công ty Rau quả Đà Lạt tạo điều kiện giúp đỡ khâu tư vấn kỹ thuật trồng khoai, đồng thời bao tiêu luôn sản phẩm. Mừng vui khôn xiết, những người nông dân nghèo ở Tuy Đức háo hức về bắt tay trồng thử. Ban đầu chỉ trồng vài sào, nhưng nhận thấy củ khoai lang phát triển khá tốt ở từng thớ đất Tuy Đức, họ đã mạnh dạn vận động những nông dân khác cùng trồng.
Ông Nguyễn Văn Bình nhớ lại: “Những ngày đầu mới trồng, nông dân như người lội sông sâu vì khoai cho năng suất cao nhưng đầu ra thì mông lung, có thời điểm khoai phơi trắng đồng vì chưa lần được đầu ra”. Đó cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất của hành trình tìm chỗ đứng cho khoai lang Tuy Đức. Tuy Công ty Rau quả Đà Lạt nhận bao tiêu sản phẩm nhưng để đến được Đà Lạt, củ khoai lang Tuy Đức phải nằm ôtô vượt đường xa hàng trăm cây số. Khoai ngày càng nhiều mà xe thì có hạn, nhiều hôm xe đến không kịp cộng với thời tiết thất thường, mưa liên miên khiến hàng tấn khoai nằm chờ thối. Mặt khác, thời gian đó đầu ra hạn chế nên nông dân chỉ bán được với giá 1.000-1.500 đồng/kg.
Dần dần chính chất lượng của khoai đã khiến thương lái khắp nơi biết đến và đổ xô tìm về, nông dân Tuy Đức bắt đầu phá bắp trồng khoai. Chị Trịnh Thị Thủy cho biết cùng một loại giống được trồng thí điểm ở nhiều nơi nhưng khoai lang trồng ở Tuy Đức đạt năng suất cao và được thị trường đón nhận nồng nhiệt vì lượng củ sai và đều, lượng tinh bột và độ đường cao. Các công ty bắt đầu đặt đại lý vệ tinh ngay tại huyện Tuy Đức để mua khoai. Hiện có đến chín đại lý vệ tinh của Công ty TNHH Kim Oanh (Lâm Đồng), Công ty D.J.F (Nhật Bản) và một số đại lý khác của các công ty Đài Loan đặt tại Tuy Đức. Khoai sau khi thu mua được vận chuyển về các nhà máy tại các thành phố lớn, từ đây sẽ chế biến ra thành phẩm và xuất qua các công ty mẹ để làm ra các sản phẩm như bánh, kẹo, mứt... Từ đó khoai lang Tuy Đức được đưa vào các siêu thị lớn trong cả nước và xuất sang thị trường Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Singapore...
Tuy nhiên theo ông Phạm Văn Số, với giá bán xô như hiện tại, nông dân vẫn còn thiệt thòi. Giá trị thu lại từ khoai lang của Tuy Đức lẽ ra lớn gấp hàng chục lần như thế nhưng do chưa có công ty đứng ra thu mua và chế biến ngay tại địa phương, gắn thương hiệu rõ ràng cho “khoai lang Tuy Đức” nên nông dân vẫn còn phải chịu cảnh bán khoai xô. “Nông dân cứ thấy thu nhập vài ba trăm triệu đồng từ mỗi vụ khoai là lớn nhưng thật ra họ có thể giàu hơn gấp nhiều lần như thế”.
|
Ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Lành (thôn 7, xã Đắk Búk So) vừa mới xây trị giá 800 triệu đồng - Ảnh: T.B.D. |