Từ trái ớt, củ gừng, nhánh tỏi, hành tây... đến khoai tây, bắp cải nhập về từ TQ đều có giá rất rẻ so với hàng cùng loại của Đà Lạt, thậm chí chỉ bằng một nửa. Và một số người bán đã cố tình làm giả hoặc tìm cách giấu xuất xứ để hưởng chênh lệch giá cả giữa hai loại.
Món hàng lời nhất
Trong nhiều mặt hàng nông sản của TQ bán ở chợ Tam Bình (Q.Thủ Đức, TP.HCM) và chợ Bình Điền (Bình Chánh), khoai tây là mặt hàng có nhiều dấu hiệu bất thường nhất. Hiện giá các loại khoai tây TQ chỉ khoảng 5.500-6.000 đồng/kg, trong khi khoai tây Đà Lạt 12.000-13.000 đồng/kg.
Theo các tiểu thương, do khoai tây TQ rẻ nên lượng hàng về rất nhiều và luôn tiêu thụ hết trong ngày. Bà N., chủ sạp hàng TN tại chợ Bình Điền, cho biết lượng khoai mà sạp này bán ra ít nhất khoảng 20 tấn mỗi ngày. Cá biệt có ngày lượng khoai bán ra lên tới gần 2 container (khoảng 40 tấn).
Trong vai những người đi mua hàng về bán lẻ, chúng tôi được bà N. chỉ cho món hàng buôn có lời nhất. Theo bà N., sạp của bà chuyên về khoai tây và cà rốt TQ. Tuy nhiên, bà có bán loại khoai tây “Đà Lạt” được làm lại từ khoai TQ, với giá mua vào rẻ hơn rất nhiều so với khoai Đà Lạt nhưng khi bán là giá khoai Đà Lạt. Bà N. cho hay muốn mua loại hàng này phải đặt trước. “Nếu em đặt vài tấn tôi có thể đáp ứng được. Giá loại này từ 8.000-8.500 đồng/kg tùy kích cỡ, nhưng khi về chợ bán lẻ sẽ có giá 12.000-13.000 đồng/kg”, bà N. quảng cáo.
Vẫn theo bà N., loại khoai này do chính bà nhập về từ TQ, tuy nhiên trên đường vận chuyển xe chở khoai sẽ ghé vào một điểm tại Đà Lạt để xử lý thành khoai Đà Lạt. Sau khi xử lý, khoai TQ sẽ có đặc điểm giống khoai Đà Lạt về màu sắc, đặc biệt là có lớp đất được bọc ngoài nên hầu hết người mua đều không phát hiện. Cùng lấy hàng với chúng tôi còn có những vị khách đến từ Long An, Bình Dương, Đồng Nai...
|
Đất được phơi khô trước khi trộn |
Cận cảnh “công nghệ” làm giả
Tại chợ nông sản Đà Lạt (xã Trại Mát, TP Đà Lạt, Lâm Đồng), chúng tôi trực tiếp chứng kiến quy trình “đổi màu”, biến khoai tây TQ thành khoai Đà Lạt. Từ phơi đất cho đến rửa, phân loại, nhào trộn khoai đều diễn ra ngay trên khoảng đất trống trước vựa khoai, trừ trường hợp trời mưa hoạt động này mới được làm trong kho. Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi mua khoai tây TQ, quá trình “đổi tên” thành khoai Đà Lạt được phân ra các công đoạn cụ thể, thực hiện khá nhanh chóng và chuyên nghiệp.
Đầu tiên, các bao khoai được tháo ra, đổ vào chậu rửa sạch. Tại đây khoai sẽ được phân loại. Khoai có mầm được lặt sạch, những củ dài, bẹt, sần sùi bị loại ra vì khoai Đà Lạt có hình dáng tròn, nhẵn. Đất dùng để trộn khoai là đất vườn Đà Lạt màu nâu đỏ. Sau khi phơi khô, đất được tán mịn để dễ dàng bám khoai. Sau những thao tác trên, khoai sẽ được chuyển qua công đoạn lăn, nhào trộn. Để việc “biến hóa” hoàn thiện, sau khi lăn, nhào trộn, những người làm còn không quên rắc một lớp đất mịn cuối cùng lên đống khoai.
Trong vai thương lái mua khoai với số lượng lớn về TP.HCM, chúng tôi đến tìm gặp bà Y., chủ một vựa khoai lớn tại đây. Khi được hỏi mua khoai Đà Lạt với khoảng 1 tấn/ngày, bà Y. phẩy tay: “Mùa này đào đâu ra khoai Đà Lạt! Nếu có cũng ít lắm nên chị không dám nhận. Khoai Đà Lạt mùa này nhỏ xíu, mưa nhiều nên có mầm, không để được lâu. Chú lấy khoai TQ mới lời nhiều!”.
Bà Y. khẳng định khoai TQ đã trộn đất, “đổi tên”, cần bao nhiêu cũng có. Hiện nay, theo bà Y., mặt hàng này không chỉ về TP.HCM mà còn đi Nha Trang, Bà Rịa - Vũng Tàu... với khoảng 4-5 tấn/ngày... Tại đây, khoai TQ sau khi trộn đất được bán 7.000-7.200 đồng/kg. Sau đó qua tay các thương lái, giá bán đến tay người tiêu dùng bằng với giá khoai tây Đà Lạt 12.000-13.000 đồng/kg.
|
Khoai tây TQ được “biến hóa” để gắn mác khoai Đà Lạt - Ảnh: LÊ SƠN |
Nhập nhèm
Hiện tại chợ đầu mối Bình Điền (huyện Bình Chánh, TP.HCM), hàng nông sản TQ đang tràn ngập. Sở dĩ hàng hóa nước này chiếm lĩnh thị trường là nhờ ưu thế giá rẻ và hình thức bắt mắt. Ví dụ, cà rốt của TQ giá rẻ hơn hàng VN khoảng 2.000 đồng/kg tùy loại. Tất cả các loại cà rốt nhập về từ TQ (phân loại theo kích cỡ) đều có màu sắc đẹp, luôn tươi và bên ngoài nhẵn nhụi, được xử lý cẩn thận.
Anh Thắng, một người bán mặt hàng này ở chợ Bình Điền, cho hay đa số người đi buôn đều lấy cà rốt TQ về bán, vừa có lời lại bảo quản được lâu. “Ở đây (chợ đầu mối - PV) mặt hàng nào của TQ cũng có giá rẻ hơn. Nhưng khi bán lẻ ra các chợ ở TP, giá hàng TQ và Đà Lạt đều ngang nhau. Rất ít người đi chợ phân biệt được đâu là hàng Đà Lạt, đâu là hàng TQ!”, anh Thắng nói.
Không chỉ khoai tây, một số mặt hàng khác cũng được những người bán tìm cách giấu xuất xứ. Tại các chợ bán lẻ, đa số người tiêu dùng mua gừng, riềng, bắp cải, tỏi, hành tây... đều tưởng mình đang mua hàng VN vì giá không có sự chênh lệch. Tại các chợ đầu mối, khi hàng còn đóng nguyên bao nguyên kiện, chỉ có người mua buôn mới biết đó là hàng TQ và đa số hàng này có giá rẻ hơn. Tất cả mặt hàng đều có thời gian bảo quản rất lâu. Có loại được người bán hàng giới thiệu để được sáu tháng đến một năm. Hầu hết người bán hàng đều cho biết một số mặt hàng để được lâu là do đã được xử lý qua một lớp hóa chất chống mọc mầm.
Hàng trăm tấn rau củ ngoại nhập về chợ mỗi ngày Theo ban quản lý các chợ đầu mối hàng nông sản, thực phẩm ở TP.HCM, chỉ tính riêng các mặt hàng rau củ có nguồn gốc xuất xứ từ TQ nhập về các chợ mỗi ngày lên tới hàng trăm tấn. Tại chợ Tam Bình (Q.Thủ Đức), hiện nay lượng hàng nông sản ngoại nhập về chợ dao động khoảng 100-150 tấn, trong đó hầu hết là hàng TQ, hàng nông sản nhập từ các nước khác chiếm số lượng rất nhỏ, hầu như không đáng kể. Những ngày về nhiều số lượng lên tới khoảng 200 tấn. Ban quản lý chợ Hóc Môn (huyện Hóc Môn) cũng cho biết trong vòng bảy tháng đầu năm nay, các tiểu thương trong chợ đã nhập về khoảng 6.000 tấn rau củ TQ. Hiện lượng hàng TQ về chợ mỗi ngày khoảng 200 tấn. |