Gấp đôi RAT và gấp 10 lần cấy lúa
Tháng 6/2008, “Dự án trồng rau hữu cơ nhằm xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường” do Trung tâm hành động vì sự phát triển đô thị (một tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam) phối hợp với Hội nông dân xã Thanh Xuân được triển khai thí điểm tại thôn Bái Thượng. Mô hình được triển khai trên diện tích 7.500m² (tương đương 2,1 mẫu) của 10 hộ gia đình. Anh Hoàng Văn Hưng, Trưởng nhóm trồng rau cho biết: 10 hộ này trước kia nằm trong nhóm sản xuất RAT của thôn, có kinh nghiệm làm rau đã 9 năm nay. Tất cả thành viên được hướng dẫn trong 3 tháng vừa học vừa làm, ứng dụng trên 3 loại rau: đậu đũa, cà chua, bắp cải.
Nét nổi bật nhất của trồng rau hữu cơ là không sử dụng bất kỳ loại thuốc hay phân bón hóa học nào mà được xử lý bằng các biện pháp sinh học. Theo đó, mỗi ruộng rau sẽ được trồng xen kẽ các loại cây hoa như cúc vạn thọ, hướng dương làm chất “dẫn dụ” bướm, côn trùng bay đến đẻ trứng sâu vào. Dưới mỗi lá hướng dương có thể có hàng nghìn trứng sâu. Đối với các loại rau cho quả thì người dân áp dụng đèn dẫn dụ, là những bình nhựa bên trong có hợp chất sinh học để thu hút ong, ruồi vàng... vào trong đó. Những chất này sẽ tiêu diệt chúng nhưng an toàn tuyệt đối với con người và rau. Phân bón dùng cho cây rau cũng khá cầu kỳ. Phân được ủ theo quy trình: một lớp phân chuồng sau đó đến một lớp rơm rồi một lớp cỏ. Phân phải ủ đủ 3 tháng để tiêu diệt hết mầm bệnh, vi khuẩn hại rau. Và cứ 45 ngày lại phải đảo phân lại từ đầu để cho phân mục đều. Anh Hưng cho biết: “Nhiệt độ cao nhất trong đống phân có thể đạt tới 200ºC. Do đó sẽ diệt được toàn bộ mầm bệnh”.
Việc trồng rau phải được tuân thủ theo một quy trình bắt buộc để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm. Kế hoạch trồng rau được lên khung cho cả 12 tháng trong năm, phù hợp với đặc điểm khí hậu của từng mùa. Mô hình này cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với cấy lúa và trồng rau thông thường. Theo ước tính, có thể gấp đôi so với RAT và gấp 10 lần so với cấy lúa. Theo giá cả thị trường thời điểm này, rau bình thường bán ra trung bình 7.000-8.000 đồng/kg thì rau hữu cơ có giá 15.000 đồng/kg. Trung bình mỗi sào rau hữu cơ cho thu hoạch khoảng 30 triệu đồng/năm.
Chị Nguyễn Thị Nhung, 43 tuổi, một thành viên trong nhóm cho biết với 2 sào ruộng, mỗi tháng nhà chị thu được 5 triệu đồng từ rau. Chị Nhung cũng cho biết thêm, chi phí để trồng rau hữu cơ không cao lắm. Một năm chị chỉ phải bỏ ra khoảng 5 triệu đồng mua phân gà về ủ và khoảng 1 triệu đồng tiền giống. Còn nếu hộ nào kết hợp chăn nuôi được thì không phải mất tiền mua phân. Bên cạnh đó, toàn bộ cỏ, cây xanh từ nông nghiệp như cây bí hỏng, cây đậu tương, lạc... đều được tận dụng để ủ phân. Hộ gia đình chị Trần Thị Thơ chỉ trồng 1 sào rưỡi nhưng cũng cho thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng.
Lễ hội trẩy rau – phương thức quảng bá đặc biệt
Được sự giúp đỡ của Trung tâm hành động vì sự phát triển đô thị, sản phẩm rau hữu cơ của Bái Thượng được rất nhiều cơ quan biết đến, trước hết là các khách hàng nước ngoài. Rau Bái Thượng được bán theo túi. Có 3 loại túi: 1kg (gồm 2 loại rau) giá 16.000 đồng/túi; 2kg (từ 3-4 loại rau) giá 30.000 đồng/túi; 3 kg (4-6 loại rau) giá 45.000 đồng/túi. Và nếu mua từ 15 kg rau trở lên thì khách hàng có thể được giao đến tận nhà. Nhóm đã cử ra 3 người làm nhiệm vụ giao hàng, mỗi tuần giao hai lần vào thứ 3 và thứ 6. Khách hàng có thể đặt mua bằng cách gọi điện đến hoặc qua website (http://www.rauthanhxuan.com). Tiền thanh toán theo phương thức trả trước, thu vào đầu tháng. Anh Hưng cho biết: “Hiện tại chúng tôi có tên 30 khách thường xuyên đặt hàng. Vì theo dõi từng lần giao hàng nên chúng tôi sẽ thay đổi các loại rau trong túi vừa để thay đổi khẩu vị cho khách, vừa tạo sự bất ngờ. Nhiều khách hàng gọi điện đến thông báo họ rất hài lòng vì sự sắp xếp của chúng tôi”. Khách hàng của rau Bái Thượng hiện nay có cả nội địa và nước ngoài (nhân viên đại sứ quán, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam).
Một phương thức quảng bá sản phẩm rất hiệu quả ở đây là tổ chức “Lễ hội trẩy rau”. Tham dự lễ hội này, mọi người được tham quan đồng ruộng, ca hát, vẽ tranh về rau... Ngoài ra, mỗi người có thể tự tay xuống ruộng lựa chọn cho mình các loại rau ưa thích, những cây rau ưng ý nhất. Sau đó nhân viên nhà hàng Âu – Á KOTO sẽ giúp khách chế biến món ăn. Từ đầu năm đến nay, Bái Thượng tổ chức được 2 Lễ hội trẩy rau. Lần 1 vào ngày 17/1/2009 với hơn 100 khách tham gia, lần hai tổ chức vào 16/5/2009 thu hút hơn 150 khách tham dự, trong đó 70 % là khách nước ngoài. Với những loại rau như: cà chua, dưa chuột... khách tham quan có thể hái ăn ngay tại ruộng mà không phải lo lắng.
Từ thành công của mô hình thí điểm rau hữu cơ ở Bái Thượng, đến nay xã Thanh Xuân đang bắt đầu triển khai nhân rộng ra nhiều thôn khác. Tuy mới chỉ là mô hình nhỏ đầu tiên nhưng rau hữu cơ đã cho thấy hiệu quả nhanh chóng, đặc biệt là về độ an toàn cho người tiêu dùng. Cách làm khá chuyên nghiệp của xã Thanh Xuân rất đáng để các địa phương khác học tập.