Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bến Tre: Hướng đến thương hiệu ca cao VN
21 | 08 | 2009
Bên cạnh cây dừa, cây ca cao ở Bến Tre đang mang lại giá trị kinh tế rất cao. Cơ hội phát triển ngành công nghiệp ca cao tại xứ dừa giờ đây đang trở thành hiện thực.

Với cầu Rạch Miễu khánh thành tháng 1-2009 và tới đây là cầu Hàm Luông, Bến Tre đang xích lại gần hơn với TP.HCM và các tỉnh trong khu vực. Từ đây đặt ra vấn đề tỉnh chọn hướng đi nào để phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở thế mạnh kinh tế của địa phương?

Ngày 21-8 UBND tỉnh Bến Tre, Trường ĐH Tài chính - marketing, báo Tuổi Trẻ sẽ tổ chức hội thảo “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế Bến Tre đến năm 2020”.

Ông Trần Văn Lộc (trái) ở xã Thạnh Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc trao đổi kinh nghiệm thu hoạch, sơ chế hạt ca cao với nông dân huyện Châu Thành - Ảnh: V.Trường

Sáng 18-8, ông Lê Văn Hai (xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm) chở hai bao hạt ca cao vừa sơ chế xong tới bán cho trạm thu mua của Công ty Armajaro (Malaysia) đặt tại xã An Khánh, huyện Châu Thành. “Chỉ cần 40.000 đồng/kg là nông dân có lãi, nhưng hôm nay tui bán được 44.500 đồng/kg, đây là mức giá cao nhất từ đầu năm đến nay” - ông Hai hồ hởi.

Rũ bỏ điệp khúc “trồng, chặt”

Ông Hai bảo mình đã 75 tuổi nhưng vẫn đủ sức chăm sóc vườn dừa 1,5ha trồng xen 1.000 cây ca cao năm năm tuổi. Trước đây ông Hai mất khoảng 15 năm ròng trồng rồi chặt bỏ cây bưởi năm roi, táo, nhãn, sapôchê vì không có đầu ra. Câu chuyện làm kinh tế với cây ca cao rất rôm rả khi nhiều người đi bán hạt ca cao tập hợp thành “câu lạc bộ khuyến nông dã chiến” ngay trước sân trạm thu mua. Ông Trần Văn Lộc (xã Thạnh Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc) vui ra mặt: “Tôi trồng 1,2ha ca cao xen trong vườn dừa được ba năm rồi, cuối năm nay sẽ bắt đầu thu hoạch rộ vụ đầu tiên. Tôi chưa từng thấy loại cây trồng nào hấp dẫn như vậy”.

Sắp có nhà máy chế biến hạt ca cao

UBND tỉnh Bến Tre vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Vinacacao đầu tư 37 triệu USD xây dựng nhà máy chế biến hạt ca cao thành các sản phẩm giá trị gia tăng khác, nhu cầu tiêu thụ gần 11.000 tấn hạt/năm (giai đoạn 1). Dự kiến năm 2010 sẽ khởi công xây dựng và đi vào hoạt động năm 2012.

Bà Nguyễn Thị Kim Loan, trưởng trạm thu mua của Công ty Armajaro, cho hay nhu cầu tiêu thụ hạt ca cao hiện nay rất lớn nên nhiều doanh nghiệp cử nhân viên tới tận vườn nông dân để thu gom. Năm 2008 có đợt sốt hạt ca cao nên giá đã lên tới 50.000 đồng/kg nhưng không có để mua. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là cho đến nay hạt ca cao Bến Tre chỉ xuất khẩu thô chứ chưa chế biến tại chỗ.

Theo ông Nguyễn Trung Chương, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, sau năm năm trồng thử nghiệm cho thấy cây ca cao sống tốt ở mọi vùng đất, kể cả nước lợ. Hiện cây ca cao đã có mặt ở hầu hết các địa phương tại Bến Tre. Ngành nông nghiệp tỉnh này còn nhân giống và hướng dẫn nông dân các tỉnh lân cận trồng ca cao để góp phần tạo vùng nguyên liệu lớn phục vụ công nghiệp chế biến thời gian tới.

Thời cơ vàng cho cây ca cao

Kết quả nghiên cứu mới nhất của Công ty Cargill cho biết chất lượng hạt ca cao Bến Tre không thua kém các cường quốc trồng ca cao thế giới như: Bờ Biển Ngà, Ghana, Indonesia... Các nghiên cứu thị trường cho thấy sản lượng hạt ca cao sản xuất ra không đáp ứng đủ nhu cầu. Giá hạt ca cao suốt mười năm qua luôn ổn định. VN có chương trình trồng 80.000ha ca cao và nếu trồng đủ diện tích này cũng chỉ mới chiếm 5% thị phần thế giới. Những căn cứ trên cho thấy triển vọng đầu ra của cây ca cao ở VN rất sáng sủa.

Mặc dù mới có hơn 1.000ha ca cao cho thu hoạch rộ (trong số 4.000ha đã trồng), nhưng đã có nhiều tập đoàn lớn tìm đến đặt trạm thu mua hạt để xuất khẩu như: Masterfoods, Cargill (Mỹ), Mitsubishi (Nhật), Grand Place (Pháp), Armajaro (Malaysia)...

Theo điều tra của Sở NN&PTNT, lợi nhuận của nông dân trồng ca cao xen trong vườn dừa đạt 70 triệu đồng/ha/năm, trong đó lợi nhuận từ ca cao lên tới 50 triệu đồng/ha/năm. Cây ca cao có thể cho trái tới 40-50 năm, nên chắc chắn thu nhập của nông dân sẽ ổn định lâu dài chứ không phải trồng - chặt bỏ như các loại cây ăn trái khác. Sức hấp dẫn về thị trường tiêu thụ hạt ca cao không chỉ làm nông dân phấn khởi mà UBND tỉnh Bến Tre cũng bắt đầu tính tới chuyện mở rộng diện tích trồng ca cao lên tới 30.000ha đến năm 2020.

Theo tổng giám đốc Công ty cổ phần Ca cao VN Trần Văn Liêng, các nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy khu vực miền Nam VN có đầy đủ điều kiện cần thiết để phát triển ngành ca cao. Trước hết, đất đai, khí hậu ở đây thuận lợi hơn cả Ghana. Ông Liêng nói những gì Bến Tre đã làm được cho thấy VN hoàn toàn có khả năng trở thành nước có ngành công nghiệp ca cao mạnh. Tuy nhiên do đây là lĩnh vực mới mẻ nên rất cần Nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

VÂN TRƯỜNG


Chưa khai thác hết giá trị trái dừa

Hiện nay tỉnh Bến Tre có hơn 45.000ha dừa và sẽ còn tăng trong những năm tới. Đây là địa phương trồng nhiều dừa nhất VN nhưng ngành công nghiệp chế biến dừa còn yếu, nên thu nhập của người trồng dừa thấp. Ông Nguyễn Trúc Sơn - giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Bến Tre - cho biết kim ngạch xuất khẩu dừa Bến Tre năm 2008 đạt 76,5 triệu USD. Tuy nhiên, nếu khai thác hết giá trị gia tăng từ trái dừa thì kim ngạch xuất khẩu sẽ còn cao hơn nhiều.

Hiện các nước Thái Lan, Philippines, Sri Lanka, Trung Quốc có thể sản xuất được khoảng 100 sản phẩm từ quả dừa, nhưng ở VN chỉ vài ba chục sản phẩm. Do đó, thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến dừa và cây ăn trái đang là ưu tiên hàng đầu của tỉnh Bến Tre.

(Theo Tuổi Trẻ)



Báo cáo phân tích thị trường