Cuối tháng Sáu, chúng tôi có mặt tại tỉnh Yên Bái - một trong những vựa chè của miền Bắc. Tại các huyện Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên, Văn Chấn, hàng chục hécta chè vốn được quy hoạch bài bản nay trơ cành, cỏ mọc um tùm.
Chị Hà Thị Thanh, một hộ dân có thâm niên trồng chè hàng chục năm, than thở: “Thời tiết bất thường, giá thu mua bấp bênh nên gia đình tôi không dám đầu tư cho cây chè”.
Hàng trăm hộ dân trồng chè khác tại Yên Bình cũng trong tình cảnh tương tự. Điều đó khiến tình trạng thiếu nguyên liệu chè càng thêm trầm trọng. Tại Cty TNHH Chè Thảo Nhung, hai dây chuyền hiện đại sản xuất chè đen và chè xanh đang đắp chiếu vì thiếu nguyên liệu. Hơn hai tháng nay, hàng chục công nhân tại đây phải nghỉ việc, không lương.
Anh Nguyễn Ngọc Quang - Giám đốc Cty Chè Thảo Nhung, cho biết, từ đầu năm đến nay, nhà máy mới chạy được mấy mẻ, sản xuất được hơn 30 tấn chè, bằng 20 phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Theo báo cáo của UBND tỉnh Yên Bái, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh mới sản xuất được hơn 20.000 tấn búp nguyên liệu, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, dù có tới gần 13.000 ha chè.
Lý giải nguyên nhân thiếu nguyên liệu chè, một số nhà quản lý sở tại cho rằng, thời tiết khắc nghiệt; giá thu mua lại thấp, trong khi chi phí đầu vào cao khiến dân không mặn mà trồng chè.
Tại Bắc Kạn, trong số hơn 600 ha chè Shan tuyết của huyện Chợ Mới thì có đến quá nửa cho năng suất rất thấp, phẩm cấp chè cũng không đạt yêu cầu cho xuất khẩu. Nhiều hộ dân tại đây trong diện trồng chè theo chương trình hỗ trợ của nhà nước nhưng không trồng hết số giống chè nhận mà chỉ trồng đối phó; số khác thì bỏ mặc cây chè chết. |
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, vài năm nay, một số tư thương Trung Quốc đã đến nhiều vùng chè phía Bắc thu mua cả cọng chè tươi với giá cao. Bà con nhiều nơi vì lợi ích trước mắt, chặt cả ngọn chè bán khiến cây chè bị tổn thương, không thể phát triển. Dù chính quyền các tỉnh như Sơn La, Hà Giang… khuyến cáo bà con không nên chặt cọng chè bán nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.Tại các vựa chè khác như Thái Nguyên, Phú Thọ…, tình trạng thiếu nguyên liệu khiến hàng trăm nhà máy phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng cũng diễn ra tương tự. Nhiều nhà máy, cơ sở chế biến chè của huyện Thanh Ba (Phú Thọ) cũng đang gặp khó, vì thiếu nguyên liệu. Để có công ăn việc làm, một số cơ sở chế biến nhỏ đành nhận làm gia công theo đơn hàng của các ông chủ lớn.
Theo bà Ngô Thị Bình - Chủ cơ sở sản xuất Chè Thanh Bình (Thanh Ba - Phú Thọ), dù giá chè tươi hiện đã 3.200 - 3.500 đồng/kg (để sản xuất chè đen), 4.000-4.500 đồng/kg (để làm chè xanh), cao hơn nhiều so với năm ngoái, nhưng cơ sở của bà vẫn không có nguyên liệu để thu mua.
Doanh nghiệp ba cùng với dân
Theo Tiến sỹ Nguyễn Kim Phong - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas), mục tiêu trong năm 2009 Việt Nam xuất khẩu 117.000 tấn tổng kim ngạch 167 triệu USD, khó cán đích, do sản lượng chè giảm, dù đầu ra đang hồi phục.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho rằng, để đạt mục tiêu xuất khẩu như kế hoạch, ngành chè cần giữ diện tích, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm…
Bản thân các doanh nghiệp cần nhanh chóng đổi mới công nghệ, nỗ lực tìm kiếm thị trường, ba cùng với người trồng chè để phát triển bền vững. Nhờ chú trọng phát triển sản phẩm chè đen, chè an toàn, thay công nghệ đốt truyền thống sang sao chè bằng hơi nóng, cải tiến máy vò, sàng... một số doanh nghiệp như Cty Cổ phần Chè Hùng An (Hà Giang), Cty TNHH Chè Hoài Trung (Phú Thọ)… đã sớm vượt qua khó khăn nhờ tài tổ chức sản xuất, trong lúc hàng trăm doanh nghiệp khác đang loay hoay tìm lối thoát.