Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, với mức tăng 17,5% về lượng và 13,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, chè đã trở thành một trong số ít mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm.
Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam Nguyễn Kim Phong cho biết để có được 50 triệu USD kim ngạch xuất khẩu chè trong thời gian này, khi mà cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đang hiện hữu ở hầu hết các lĩnh vực, ngành chè đã rất nỗ lực nâng cao chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Giá chè xuất khẩu hiện đạt khoảng 1.248 USD/tấn, giảm 10 triệu USD/tấn so với cùng kỳ 2008. Tuy thế, do hiện đại hóa công nghiệp chế biến, nâng cao năng suất và chất lượng, mở nhiều lớp đào tạo giúp người dân nâng cao kỹ thuật chăm sóc chè nên người trồng chè vẫn có lãi từ 100 - 200 USD/tấn.
Với mức dự kiến xuất khẩu 117.000 tấn, đạt kim ngạch khoảng 167 triệu USD, tăng 13,6% so với năm 2008, chè là một trong số ít mặt hàng của ngành nông nghiệp đặt chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong bối cảnh chung các mặt hàng khác đều đưa ra chỉ tiêu giảm so với năm trước. Tổng giá trị hàng nông nghiệp xuất khẩu năm 2009 chỉ được đặt ở mức 12,5 tỷ USD, giảm 3,7 tỷ USD so với năm ngoái.
Cũng theo thông tin từ Hiệp hội Chè Việt Nam, nhằm chủ động tháo gỡ những khó khăn cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu, Hiệp hội đang đẩy mạnh kế hoạch xây dựng sàn giao dịch chè, hoàn tất dự án xây dựng Trung tâm giao dịch và Bảo tàng Chè Việt Nam tại Hà Nội. Nhằm thêm cơ hội quảng bá thương hiệu cho sản phẩm chè, Việt Nam cũng sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Chè quốc tế năm 2009.
Được xác định là một trong 8 địa điểm cội nguồn của cây chè, Việt Nam có điều kiện địa hình, đất đai, khí hậu phù hợp cho loại cây trồng này và hiện đứng thứ 5 trên thế giới về sản lượng và xuất khẩu chè.
Sản phẩm chè của Việt Nam đã có mặt tại trên 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thương hiệu "CheViet" đã được đăng ký bảo hộ tại 70 thị trường.