Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chè là nông sản hiếm hoi đạt tăng trưởng xuất khẩu
14 | 08 | 2009
Chè là một trong số ít mặt hàng của ngành nông nghiệp đặt chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong bối cảnh chung các mặt hàng khác đều đưa ra chỉ tiêu giảm so với năm trước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, với mức tăng 17,5% về lượng và 13,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, chè đã trở thành một trong số ít mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm.

Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam Nguyễn Kim Phong cho biết để có được 50 triệu USD kim ngạch xuất khẩu chè trong thời gian này, khi mà cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đang hiện hữu ở hầu hết các lĩnh vực, ngành chè đã rất nỗ lực nâng cao chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Giá chè xuất khẩu hiện đạt khoảng 1.248 USD/tấn, giảm 10 triệu USD/tấn so với cùng kỳ 2008. Tuy thế, do hiện đại hóa công nghiệp chế biến, nâng cao năng suất và chất lượng, mở nhiều lớp đào tạo giúp người dân nâng cao kỹ thuật chăm sóc chè nên người trồng chè vẫn có lãi từ 100 - 200 USD/tấn.

Với mức dự kiến xuất khẩu 117.000 tấn, đạt kim ngạch khoảng 167 triệu USD, tăng 13,6% so với năm 2008, chè là một trong số ít mặt hàng của ngành nông nghiệp đặt chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong bối cảnh chung các mặt hàng khác đều đưa ra chỉ tiêu giảm so với năm trước. Tổng giá trị hàng nông nghiệp xuất khẩu năm 2009 chỉ được đặt ở mức 12,5 tỷ USD, giảm 3,7 tỷ USD so với năm ngoái.

Cũng theo thông tin từ Hiệp hội Chè Việt Nam, nhằm chủ động tháo gỡ những khó khăn cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu, Hiệp hội đang đẩy mạnh kế hoạch xây dựng sàn giao dịch chè, hoàn tất dự án xây dựng Trung tâm giao dịch và Bảo tàng Chè Việt Nam tại Hà Nội. Nhằm thêm cơ hội quảng bá thương hiệu cho sản phẩm chè, Việt Nam cũng sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Chè quốc tế năm 2009.

Được xác định là một trong 8 địa điểm cội nguồn của cây chè, Việt Nam có điều kiện địa hình, đất đai, khí hậu phù hợp cho loại cây trồng này và hiện đứng thứ 5 trên thế giới về sản lượng và xuất khẩu chè.

Sản phẩm chè của Việt Nam đã có mặt tại trên 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thương hiệu "CheViet" đã được đăng ký bảo hộ tại 70 thị trường.
Hà Giang: Người trồng chè vui mừng vì chè được giá cao

Nông dân các dân tộc vùng chè Hà Giang năm nay phấn khởi vì chè búp tươi được giá cao. Các doanh nghiệp cũng vui vì có đủ nguồn nguyên liệu tốt cho chế biến, và chè qua chế biến sản xuất ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó với giá cao.

Hà Giang có diện tích chè gần 14.000/19.000 ha đang cho thu hoạch, trong đó có 2/3 diện tích là chè đặc sản Shan tuyết. Chè Shan tuyết búp tươi được thu hái ở vùng cao là được giá nhất, bình quân mỗi 1 kg được các nhà sản xuất thu mua với giá loại A là 8.000đ/kg, loại B từ 6.500 đến 7.000 đồng/kg và loại C là 5.000 đồng/kg và giá thu mua này cao gấp rưỡi vụ chè năm trước. Đặc biệt, chè đặc sản Shan tuyết quí hiếm như chè Lũng Phìn (Đồng Văn), Quảng Nguyên (Xín Mần), Thông Nguyên, Túng Sán (Hoàng Su Phì) là loại chè búp được hái trên các cây chè cổ thụ, với búp tiêu chuẩn 1 tôm 2 lá và búp phủ tuyết trắng được các nhà chế biến mua với giá tới trên 15.000 đồng/kg. Điều làm bà con vùng chè năm nay vui mừng hơn nữa là các cơ sở sản xuất đã triển khai mạng lưới nuôi dưỡng nguồn thu nguyên liệu đến tận các thôn, bản như: tổ chức các điểm thu mua ngay tại trung tâm bản, hoặc cho xe đến tận nương chè để thu mua nên giảm bớt khó khăn trong khâu vận chuyển cho người bán chè. Theo đó, các điểm thu mua nguyên liệu này còn tổ chức cung ứng hàng hoá đến điểm thu mua chè như: gạo muối, dầu... Nhờ đó người trồng chè không phải bỏ công sức đi xa mua hàng và tập trung nhân lực cho thu hái chè.

Đến thời điểm này, vùng chè Hà Giang đã bán được trên 20.000 tấn chè búp tươi, tăng 5.000 tấn so cùng kỳ. Nhờ có nguồn nguyên liệu tốt, các nhà sản xuất đã chế biến ra các loại chè chất lượng cao như chè túi lọc, chè phổ nhĩ, chè nhúng và các loại chè đen, chè vàng cho xuất khẩu; chè xanh A, xanh B cho nội tiêu. Các cơ sở sản xuất, chế biến chè lớn ở Hà Giang như Hùng Cường, Hùng An, Thành Sơn năm nay không còn lo hàng tồn kho, bởi chè họ sản xuất ra đến đâu đều được tiệu thụ hết đến đấy. Công ty TNHH chè Hùng Cường đến đầu tháng 6/2009 này đã xuất bán được gần 800 tấn chè các loại sang thị trường các nước châu Âu và các thị trường truyền thống như Ấn Độ, Nhật...

Theo các nhà sản xuất chè cho biết, chè qua chế biến năm nay được giá hơn mọi năm. Ngay như loại chè xanh A bán nội tiêu mọi năm được bán với giá 60.000 đ/kg thì năm nay bán được 90.000 đ/kg. Các biệt có loại chè xanh được bán đến trên 300.000 đ/kg như chè được chế biến từ nguyên liệu chè búp tươi Lũng Phìn, Quảng Nguyên... Trong hai năm 2007 và 2008, tỉnh Phú Thọ trồng mới 1.974 ha chè các loại, nâng diện tích chè toàn tỉnh lên hơn 14.906 ha, đứng thứ ba toàn quốc sau Lâm Ðồng và Thái Nguyên.

Nhờ tăng diện tích, sản lượng chè toàn tỉnh đạt hơn 102 nghìn tấn, tăng gần 14 nghìn tấn so với năm 2007, vượt hơn 12% so kế hoạch năm. So với mục tiêu đề ra đến năm 2010, diện tích chè vượt kế hoạch trước hai năm, năng suất đạt hơn 87%, sản lượng đạt hơn 98%, tỷ lệ diện tích một số giống chè mới tăng lên 42% (cao hơn mức bình quân chung của cả nước).

Tỉnh Phú Thọ chủ trương trong hai năm 2009 và 2010 không mở rộng diện tích chè trồng mới, tập trung chỉ đạo, khuyến khích đẩy mạnh cải tạo, trồng lại những diện tích chè cằn xấu, giống cũ, năng suất thấp bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao. Các hộ nông dân trong vùng quy hoạch phát triển chè của tỉnh, sử dụng bầu chè giống mới trồng lại diện tích chè giống cũ, cằn xấu được tỉnh hỗ trợ giá bầu chè giống là 200 đồng/bầu, tương đương 4 triệu đồng/ha; hỗ trợ mua phân bón là 3 triệu đồng/ha.



Theo Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường