Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu thủy sản tăng 11% so với cùng kỳ năm 2007 trong Quí I
04 | 04 | 2008
Tính đến hết tháng 3/2008, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 977 nghìn tấn, đạt 22% kế hoạch năm và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2007. Trong đó, sản lượng khai thác tăng 1,1%, đạt 561 nghìn tấn; sản lượng nuôi trồng đạt 416 nghìn tấn, tăng 26,1%. Ước giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 3/2008 đạt 300 triệu USD, tăng 11,5% so với kế hoạch, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Quí I năm 2008 lên 551 triệu USD, bằng 19% kế hoạch năm và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2007.
1. Khai thác thủy sản

Trong quý I/2008, tình hình thời tiết tháng 01 không thuận lợi cho khai thác thuỷ sản, mặt khác, trong tháng 2 và đầu tháng 3 giá xăng, giá dầu tăng nên nhiều tàu neo bờ, không đi khai thác. Tuy vậy, vào cuối tháng 2 do giá cả một số mặt hàng thủy hải sản tiếp tục tăng khoảng 30 - 40%, nên nhiều ngư dân đã đầu tư ra khơi đánh bắt thủy sản. Ngư dân các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận được mùa cá cơm, cá trích, cá hố và cá ngừ….

Ước sản lượng khai thác thuỷ sản tháng 3 là 186 ngàn tấn, trong đó sản lượng khai thác biển đạt 172 ngàn tấn, khai thác nội địa đạt 14 ngàn tấn. Đến hết quý I năm 2008 tổng sản lượng khai thác hải sản ước đạt 517 ngàn tấn, bằng 27 % so với kế hoạch, tăng 1 % so với cùng kỳ năm 2007.

Ước tỷ trọng trong tổng sản lượng hải sản khai thác trong Quý I/2008 như sau : Cá đạt 411 ngàn tấn (giá trị khoảng 2.396 tỷ đồng); Tôm đạt 23 ngàn tấn (giá trị khoảng 851 tỷ đồng) và thuỷ sản khác đạt 83,1 ngàn tấn (giá trị khoảng 605 tỷ đồng).

2.Nuôi trồng thuỷ sản

Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản tháng 3 ước đạt 146 ngàn tấn, đưa tổng sản lượng quí I đạt 416 ngàn tấn, bằng 17% so với kế hoạch, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2007. Trong đó, Cá đạt 313 ngàn tấn (giá trị khoảng 2.053 tỷ đồng); Tôm đạt 58.5 ngàn tấn (giá trị khoảng 2.556 tỷ đồng); và thuỷ sản khác đạt 44.5 ngàn tấn (giá trị khoảng 106 tỷ đồng).

2.1. Nuôi thuỷ sản nước ngọt

Nuôi thuỷ sản nước ngọt tiếp tục phát triển khá, đặc biệt là nuôi cá tra xuất khẩu. Do nhu cầu tiêu thụ cá tra nguyên liệu của các doanh nghiệp khá lớn, nên giá cá tra trong tháng 1 và đầu tháng 2 tăng khoảng 500 - 800 đồng/kg, (giá bán cá tra nguyên liệu tại ao ở mức 15.000 - 15.500 đồng/kg), đến cuối tháng 2 và đầu tháng 3, giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh (giảm 700 - 1200 đồng/kg). Tại Cần Thơ và An Giang, giá cá tra ao ở mức 13.200 - 14.500 đồng/kg và cá tra bè có giá 12.000 - 13.000 đồng/kg. Giá cá tra giảm trong khi các chi phí nhân công, nhiên liệu, thuốc, thức ăn đều tăng đã gây ra tâm lý bất an cho người nuôi.

2.2. Nuôi thủy sản nước mặn, lợ

- Nuôi tôm sú : Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tình hình nuôi tôm sú của người dân trong quýI/2008 gặp khó khăn do giá tôm sú giảm mạnh (giảm 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2007) và hiện ở mức thấp nhất trong trong 3 năm qua. Trong khi đó, chi phí sản xuất tăng cao khiến người dân e ngại đầu tư thêm và có xu hướng giảm diện tích thả nuôi khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2007. Mới bước vào đầu vụ, tính đến ngày 21/3/2008, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 44.000 ha nuôi tôm sú bị thiệt hại (Cà Mau: khoảng 33.850 ha tôm nuôi bị chết, chiếm 13% diện tích nuôi tôm, thiệt hại 60 – 70%; Bạc Liêu - hơn 200 ha nuôi tôm; Kiên Giang có gần 9.000 ha tôm mới thả nuôi bị thiệt hại). Nguyên nhân tôm sú chết là do người nuôi không tuân thủ lịch thả nuôi của ngành thủy sản và ảnh hưởng của thời tiết (ngày nóng, đêm lạnh, mưa trái mùa) gây sốc tôm giống khi thả. Phần lớn các diện tích bị thiệt hại do người nuôi mua thả tôm không rõ nguồn gốc; việc xử lý bệnh cũng không đúng qui trình làm bệnh lây lan ra vùng khác. Bộ NN&PTNT đã khuyến cáo ngành thủy sản các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang... tích cực vận động người nuôi tôm khoanh lại những vùng tôm bị thiệt hại, không xả nước ra môi trường để dịch bệnh không lây lan sang các vùng khác; cải tạo lại ao nuôi (nhất là các ao vừa bị dịch bệnh), tuân thủ nghiêm ngặt lịch thả nuôi, thả tôm với mật độ thưa... khuyến khích người dân đa dạng hóa các loại thủy sản nuôi.

- Nuôi nghêu : Tình hình nuôi nghêu tại đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 3 và 3 tháng đầu năm ổn định, nghêu nuôi phát triển tốt. Tại Tiền Giang, giá nghêu thịt ổn định ở mức 9.000 -10.000 đồng/kg (cỡ 40 con/kg).

2.3. Về sản xuất giống

- Cá giống : Hoạt động sản xuất giống trong quý ổn định, lượng giống sản xuất khá lớn. Tuy nhiên, đợt rét đậm, rét hại đầu năm đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển các đàn cá bố,mẹ và chất lượng các đàn cá giống tại tác tỉnh miền Bắc và miền Trung. Bộ NN&PTNT đã khuyến cáo người nuôi trước khi thả cá giống nên kiểm tra rõ nguồn gốc, chất lượng nhằm hạn chế dịch bệnh khi thả nuôi.

- Sản xuất giống tôm sú : Sản xuất giống tôm sú tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có tăng khá so với năm 2007 do các cơ sở đã chủ động tăng nguồn tôm bố mẹ.

3. Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản

Giá tôm sú ở ĐBSCL liên tục giảm trong những ngày qua, giá tôm sú 20 – 30 con/kg chỉ còn 95.000đ–150.000 đ/kg, giảm 5.000đ/kg. Giá tôm sú nguyên liệu giảm do bị tôm thẻ chân trắng cạnh tranh ở thị trường nước ngoài. Từ đầu năm 2008 đến nay, đồng USD giảm đã tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu. Các doanh nghiệp hạn chế thu mua cá nguyên liệu. Các nhà máy tại các tỉnh như Cà Mau, Bạc Liêu hay Sóc Trăng chỉ hoạt động cầm chừng (30-37% công suất).

Xuất khẩu cá tra, basa 2 tháng đầu năm đạt 70.216 tấn (159,439 triệu USD) và thị trường khá thuận lợi; tốc độ tăng trên 42% về số lượng so với cùng kỳ năm 2007. Ước xuất khẩu cá tra, basa đạt 250 triệu USD trong quí I.




Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường