Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường cá tra ở ĐBSCL: Hết chỗ cho ngư dân lùi...
25 | 03 | 2008
Mấy ngày qua, nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL như ngồi trên lửa trước sự kiện phát triển "lệch pha" giữa đồng USD và đồng Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhiều ngư dân, doanh nghiệp chỉ "khó" 1, họ "khó" đến 10.
DN chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL đang gặp phải nhiều khó khăn.

Hiện hàng ngàn người nuôi cá tra ở ĐBSCL đang đứng trước bờ vực phá sản, bởi sau lưng không còn chỗ để lùi...

Nhà giàu cũng... khóc

Đó là thực trạng chung mà nhiều DN chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL đang gặp phải. Trong lúc giá xuất khẩu cá tra trên thị trường thế giới đang manh nha đi xuống, thì trong nước các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất khiến nhiều DN chế biến rơi vào nghịch cảnh: Sợ vay vốn. Không chỉ có vậy, DN còn phải đối mặt với tỉ suất đồng USD sụt giảm so với VND.

Hiện các ngân hàng chỉ mua với giá 15.700đ/USD, nhưng theo dự báo nhiều khả năng trong những ngày tới sẽ tiếp tục giảm. Tuy nhiên chỉ tính ở mức này, mỗi USD, DN đã tự mất 300đ so với thời điểm ký hợp đồng. Trong khi đó, các DN lại gặp không ít khó khăn trong khâu "hậu xuất khẩu", bởi hầu hết các ngân hàng chỉ cho chuyển đổi theo kiểu nhỏ giọt dẫn đến hệ lụy DN thiếu vốn thu mua cá nguyên liệu.

Là DN "lão làng" trên lĩnh vực xuất khẩu cá tra, nên Cty CP XNK thuỷ sản An Giang (Agifish) vẫn còn được một số ngân hàng "ruột" mua USD của Cty, nhưng mấy ngày qua, Agifish cũng thực hiện việc cắt giảm công suất. Ông Võ Phước Hưng - Thư ký Tổng GĐ Cty CP XNK Agifish: "Do thị trường thế giới giảm mua, nhưng chủ yếu là do DN sợ gặp khó với đồng USD. Vì vậy, Cty chủ trương hoạt động cầm chừng để tính đến phương án nhập khẩu".

Bên bờ vực phá sản

Đến ngày 20.3, giá cá tra dao động từ 12.500- 13.200đ/kg tuỳ chất lượng thịt vàng, trắng. Theo đánh giá của các nhà xuất khẩu, nhiều khả năng mức giá này sẽ tiếp tục giảm thêm trong những ngày tới. Tuy nhiên, ngay trong lúc này, người nuôi cá tra ở ĐBSCL đã gần kề trên bờ vực phá sản khi giá thức ăn, giá thuốc điều trị đang ngất ngưỡng trên đỉnh cao. Thật ra chuyện lên - xuống, trồi - sụt của thị trường con cá tra đã trở hành điệp khúc từ hàng chục năm qua.

Duy chỉ có điều lần này nhiều ngư dân đã không còn chỗ để lùi và khả năng hồi phục trong thời gian ngắn là rất thấp. Ông Tư Hưng, ngư dân xã Hoà Bình (Chợ Mới-An Giang) cho biết, mỗi kilôgram coi như lỗ đứt 2.000đ, với đàn cá ước đạt sản lượng 1.000 tấn của anh, số tiền lỗ đến đến bạc tỉ. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là chốt cuối cùng, bởi đằng sau đó là cả một thảm kịch. "Ngày gọi điện vài ba lần, nhưng cá đã quá lứa rồi mà không tìm được nơi bán.

Trong khi đó, các ngân hàng siết lại khâu cho vay và các chủ đại lý thức ăn cũng ngưng không cho ký nợ nữa", ông Tư Hưng bần thần: "Trước đây khi cá sụt giá, khó tiêu thụ, ngư dân tụi tui còn được ngân hàng, các đại lý chia sẻ, còn bây giờ không còn nơi nương tựa". Tận dụng khó khăn này, một DN gia tăng sức o ép cả về giá mua lẫn phương thức thanh toán...




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường