Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giải pháp nào cho cá nguyên liệu lúc thừa lúc thiếu ?
08 | 09 | 2008
Cá tra, cá ba sa hiện nay là một mặt hàng chiến lược trong sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu của VN. Thế nhưng, cá nguyên liệu lại lúc thừa, lúc thiếu. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng chưa có bài thuốc nào thực sự hữu hiệu cho "căn bệnh" này?

Trả lời PV VietNamNet, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, vấn đề quan trọng hiện nay là doanh nghiệp và người nuôi phải có hợp đồng sản xuất cá tra, cá ba sa nguyên liệu và điều tiết sản xuất.

Thưa ông, thời gian qua con cá tra, ba sa thật lắm thăng trầm, theo ông, vì sao chúng ta không có biện pháp chấn chỉnh vấn đề này?

Cái khó là người nuôi cá tra, ba sa phát triển nghề nuôi một cách tự phát. Nếu cá tra, ba sa có giá thì người nuôi ào ạt đào ao nuôi cá, bất chấp mọi lời cảnh báo. Nhà nhà đào ao nuôi cá tra, người người đào ao nuôi cá tra. Cuối cùng khi cá tra nguyên liệu có số lượng quá lớn, quá tải công suất các nhà máy chế biến thì người nuôi lãnh đủ, bị thiệt hại đầu tiên. Điều này không chỉ xảy ra một lần. Trong quá trình phát triển mạnh con cá tra, ba sa trong vài năm qua đã lặp đi, lặp lại chuyện nay thừa cá tra nguyên liệu, mai lại thiếu cũng chính loại cá ấy.

Theo ông, trong lần cá tra quá lứa tồn đọng kéo dài từ tháng 4 đến hết tháng 8, bao nhiêu phần trăm người nuôi là nông dân bị thiệt hại nặng?

Theo ước tính có hơn 20% người nuôi là nông dân, số còn lại hơn gần 80% người nuôi cá tra, ba sa không phải là nông dân. Với số vốn đầu tư lớn, nuôi 1ha cá tra phải có 4-5 tỉ đồng, nuôi 3 ha phải có vốn 10 tỉ trở lên, số vốn này nông dân bình thường không thể có, tài sản thế chấp không đủ để lấy tiền nuôi cá. Chính vì vậy, số nông dân tham gia sản xuất cá tra chiếm số lượng không cao lắm. Số còn lại là những đại gia đổ vốn nuôi cá, không loại trừ một số cán bộ làm ở các địa phương, cán bộ ngân hàng có tham gia. Ngoài ra phải tính đến vùng nuôi của các doanh nghiệp. Vì hiện nay mỗi doanh nghiệp đều có vùng nuôi chiếm 20% đến 40% lượng cá cần để phục vụ sản xuất của doanh nghiệp mình, một phần đảm bảo nguyên liệu sản xuất.

Từ những vấn đề con cá tra, ba sa thăng trầm, ông đúc kết được những kinh nghiệm gì trong quản lý điều hành thị trường và người nuôi?

Bài học rút ra ở đây là sự cân đối cung cầu, phải tuân theo qui luật thị trường, điều tiết sản xuất, đó là vấn đề vô cùng quan trọng. Con cá tra, ba sa hiện nay có thị trường rất lớn, tiềm năng nuôi của nó ở ĐBSCL cũng lớn lắm. Hơn mười năm phát triển của con cá tra, ba sa, chế biến xuất khẩu, ta đã có gần 98 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu sản phẩm này. Kim ngạch xuất khẩu đã đạt hơn 1 tỉ USD/ năm. Tuy nhiên, nếu nuôi cá nguyên liệu ào ạt, không có kế hoạch thì sẽ dẫn đến khủng hoảng thừa cá nguyên liệu, thiệt hại cho người nuôi.

Vấn đề là làm sao có cơ chế, chính sách trong việc phát triển vùng nuôi, phát triển chế biến xuất khẩu theo nhu cầu thị trường. Muốn như vậy doanh nghiệp, người nuôi phải có hợp đồng. Trong đó ngoài việc phải có mức giá hợp lý, bao tiêu sản phẩm, đảm bảo quyền lợi doanh nghiệp và người nuôi hợp đồng phải có giá trị pháp lý để hai bên có trách nhiệm dân sự với nhau.

Để đảm bảo sản phẩm chất lượng, hợp đồng cũng phải có qui định vấn đề nuôi cá theo qui trình sản xuất cá sạch. Vì cá tra nguyên liệu sản xuất theo qui trình GAP thì sản phẩm được thị trường ưa chuộng. Về phía ngân hàng cũng nên phối hợp với doanh nghiệp và người nuôi để có sự liên kết cho vay theo hình thức người nuôi có hợp đồng. Cho vay theo những hộ nuôi có hợp đồng sẽ hạn chế sự phát triển tự phát tràn lan, nuôi rồi mới tìm doanh nghiệp bán khi cá tra tới lứa.

Nếu không có biện pháp điều tiết và cân đối cung cầu hiệu quả trong sản xuất cá tra nguyên liệu thì chuyện thiếu cá tra trong chế biến xuất khẩu có thể xảy ra không thưa ông?

Sau khi ngân hàng thắt chặt tiền tệ từ tháng 3/2008, cùng với cá tra quá lứa tồn đọng nhiều, giá cá xuống thấp, người nuôi cá tra thua lỗ, nghỉ nuôi sau thu hoạch đó là chuyện thật. Trong chuyến công tác các tỉnh có vùng nuôi cá tra ở các tỉnh ĐBSCL, tôi cũng đã nghe báo cáo về tình hình nhiều hộ nuôi cá tra nguyên liệu nghỉ nuôi, treo ao. Nếu trường hợp người nuôi nghỉ nuôi với số lượng lớn thật sự, thì cuối năm nay và đầu năm tới cá tra nguyên liệu thiếu cung cho các nhà máy chế biến là chuyện có thể. Điều này sẽ dẫn đến giá cá tra nguyên liệu sẽ tăng lên.

Qui trình giá cá tra nguyên liệu tăng, giảm thời gian qua chính là do thiếu cân đối trong cung cầu. Vì thế tôi cho rằng doanh nghiệp, người nuôi và ngân hàng phải có sự phối hợp để sản xuất và chế biến cá tra, ba sa. Có như vậy mới tránh những rủi ro, thiệt hại cho người nuôi, tránh tình trạng khi cá có giá người nuôi ngoảnh mặt với doanh nghiệp, khi cá rớt giá doanh nghiệp lại ngoảnh mặt với người nuôi.

Muốn phát triển con cá tra, ba sa nguyên liệu bền vững, doanh nghiệp, người nuôi và ngân hàng cần hợp tác chặc chẽ, chia sẻ rủi ro cũng như lợi nhuận.




Nguồn: chebien.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường