Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cá tra sụt giá: Cơ hội nào cho ngư dân?
23 | 05 | 2008
Sau một thời gian ngắn tăng giá trở lại, người nuôi cá tra vùng ĐBSCL chưa kịp mừng đã vội buồn khi các doanh nghiệp chế biến đồng loạt hạ giá mua từ 500-900đ/kg so với trung tuần tháng 4. Hiện giá cá loại 1 chỉ còn 14.500-14.800đ/kg. Tương tự cá loại 2 là 14.200đ/kg, tức dưới giá thành chăn nuôi của ngư dân. Theo đánh giá của các Hiệp hội Thủy sản ĐBSCL thì khả năng giá cá tăng trở lại là rất thấp.
*Tăng do yếu tố ngoại lai:

Sau một thời gian dài duy trì ở mức dưới giá thành chăn nuôi, vào trung tuần tháng 4 giá thu mua cá tra ở ĐBSCL có dấu hiệu tăng trở lại. Một số doanh nghiệp đã mua 15.500đ/kg. Với giá này, một số người nuôi đã có thể đạt mức hòa vốn. Theo ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA) sự kiện tăng giá này do yếu tố ngoại lai tác động như cá rô phi của Trung Quốc bị ảnh hưởng bão, sản lượng đánh bắt cá tuyết giảm 30% rồi dịch cúm gia cầm bùng phát tại nhiều quốc gia… đã tạo ra động thái chuyển đổi thực phẩm, trong đó xu hướng chọn cá tra là khá lớn… nên đã phần nào tự mở rộng thị trường cho sản phẩm cá tra". Tuy nhiên đây chỉ là yếu tố nhất thời.

Theo các nhà chuyên môn, nhiều khả năng diễn biến thị trường cá tra năm nay sẽ "trượt" khỏi quy luật lâu nay: Sau thời gian "khủng hoảng thừa nguyên liệu", là đến thời điểm "khủng hoảng thiếu nguyên liệu". Bởi tuy từ nay đến cuối năm, khả năng thiếu cá nguyên liệu là rất lớn, do tốc độ tăng trưởng của vùng nguyên liệu thấp hơn rất nhiều so với tốc độ ra đời của các doanh nghiệp. Chỉ tính riêng tại An Giang, từ nay đến cuối năm sẽ có thêm 07 doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu có công suất gấp đôi 10 doanh nghiệp trước đó, nhưng tốc độ phát triển của vùng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy lại rất chậm và nhiều khả năng việc mở rộng thêm 1.000ha chăn nuôi cá tra theo kế hoạch năm 2008 sẽ đạt rất thấp. Thế nhưng, cơ hội để người nuôi "làm giá" doanh nghiệp là rất thấp khi mà dự báo giá thành chăn nuôi sẽ lên đến 16.000đ/kg, còn giá thu mua thì hoàn toàn lệ thuộc vào sự ngẫu hứng của các doanh nghiệp trong nước đang trên đà hạ giá thu mua.

*Cá nằm trên thớt đến bao giờ ?

Ông Bình phân tích: Giá cá tra phần lớn được quy định bởi giá xuất khẩu. Về mặt lý thuyết, khi có nhiều nhà máy ra đời sẽ xuất hiện tình trạng tranh mua cá nguyên liệu chế biến, tình thế hoàn toàn có lợi cho người nuôi. Thế nhưng, do phần lớn nhà máy của chúng ta hiện hoạt động theo phương thức riêng lẻ, thậm chí vì quyền lợi của đơn vị mình mà sẵn sàng "xé hợp đồng" của nhau trên trường quốc tế bằng chiêu hạ giá bán… Trong khi đó, các doanh nghiệp mới ra đời một phần do khấu hao tài sản mới đầu tư quá lớn, một phần do phải tìm chỗ đứng trên thị trường nên chào bán giá thấp vì vậy sẽ tác động "tiêu cực" đến giá mua cá nguyên liệu. Trong khi đó, các đại gia, vì cái danh của bậc đi trước nên cũng không chịu kém chị, kém em… trong việc hạ giá bán… Do đó, trong bối cảnh này, càng nhiều doanh nghiệp, sự cạnh tranh không lành mạnh càng lớn và tất cả đều "đè" lên lợi nhuận người nuôi càng lớn. "Do đó, thay vì với vị thế của "cường quốc cá da trơn", chúng ta hoàn toàn có khả năng làm giá trên trường quốc tế, nhưng ngược lại suốt gần 5 năm qua, giá cá tra chẳng những không tăng mà từng thời điểm còn sụt thảm hại. Trong khi đó, 5 năm qua, cứ sau mỗi vụ nuôi, giá thức ăn, giá thuốc điều trị bệnh cá không ngừng nhích lên, vì vậy nếu không có giải pháp can thiệp, người nuôi sẽ luôn đối mặt với thua thiệt", ông Phan Văn Danh, Chủ tịch AFA nhấn mạnh.

"Giá cá tra hoàn toàn có khả năng ổn định ở mức 17.000-18.000đ/kg, thậm chí cao hơn nữa, nếu doanh nghiệp đoàn kết lại, tìm tiếng nói chung", ông Bình nhấn mạnh: Trước đây, khi nối chân cá ba sa vào thị trường quốc tế, giá bán 01kg phi-lê cá tra xấp xỉ 4 USD. Với mức bán này, rất dễ cho doanh nghiệp mua cá nguyên liệu ở mức 17.000-18.000đ/kg. Thế nhưng, nhiều năm qua, người nuôi cá tra ở ĐBSCL đã không được các doanh nghiệp cho hưởng lợi thế này. Bởi, để giành lấy thị phần, các doanh nghiệp đã chủ động hạ xuống còn 3-3,5 USD, thậm chí có lúc xuống dưới 3 USD". Theo ông Bình, dù hạ đến đâu, doanh nghiệp cũng không lỗ, bởi tất cả đều được họ "dồn nén" vào giá thu mua nguyên liệu. Vì vậy, một khi các doanh nghiệp trong nước dồn sức "đánh nhau" thì đến bao giờ ngư dân mới tìm được cơ hội lấy lại công bằng ?




Nguồn: agroviet.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường