Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá cá tra giảm mạnh khiến người nuôi chới với
21 | 03 | 2008
Những thay đổi về chính sách tài chính, nhất là cơn biến động tỷ giá USD/VND ngay lập tức tác động mạnh tới ngành thủy sản. Mấy ngày qua, người nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long đứng ngồi không yên vì giá cá bất ngờ tụt xuống.
Người nuôi nín thở... ngóng giá!

Hơn một năm trước, thời điểm giá cá da trơn xuất khẩu đạt đỉnh điểm 17-18 ngàn đồng/kg, không ai nghĩ sẽ có ngày những tỷ phú nuôi cá sẽ ôm cục nợ, vỡ tan giấc mộng làm giàu. Nghề nuôi cá cũng lắm thăng trầm, trải qua khá nhiều lần giá cả trồi sụt nhưng lần này biến động giá cả và hậu quả của nó sẽ khó lòng khắc phục trong một thời gian ngắn.

Vụ này, anh Nguyễn Văn Nhân, xã Thuận Hưng, Thốt Nốt (Cần Thơ) thả một triệu con giống. Anh Nhân ước tính sản lượng 1.000 tấn cá dưới ao, giá thành hơn 15 tỷ đồng.
Thế nhưng cá tra đã quá lứa thu hoạch gần một tháng mà doanh nghiệp thu mua vẫn biệt tăm. Ròng rã hơn bảy tháng trời bỏ công, gom góp hết vốn liếng đổ vào để rồi khi giá cá tra giảm mạnh còn 13 ngàn đồng/kg, anh Nhân đã cầm chắc khoản lỗ hơn một tỷ đồng, chưa kể lãi suất của ngân hàng.

Anh Nhân cùng với những người nuôi cá đang rầu vì ngân hàng xiết nợ, không tiếp tục cho vay. Chủ đại lý cung cấp thức ăn cũng ngưng không cho ký nợ nữa.

Chưa hết, các doanh nghiệp thu mua lại giở chiêu “ngâm nợ” cả tháng trời. Không còn cách nào khác, những người nông dân nuôi cá đành phải ngưng cho cá ăn hoặc chỉ cho ăn cầm hơi, sốt ruột nhìn đàn cá teo tóp và nín thở ngóng giá mỗi ngày.

Theo tính toán, nếu bán được giá trên 15 ngàn đồng/kg thì người nông dân sẽ huề vốn. Thế nhưng hiện nay giá cá tra tiếp tục tuột dốc không phanh cùng với giá thức ăn tăng 15%-20% thì đúng là người nông dân đang ngồi trên đống lửa.

Trước tình hình không mấy sáng sủa, hiện doanh nghiệp chỉ thu mua 50%-70% tổng sản lượng cá. Thừa cơ, một số doanh nghiệp thu mua tha hồ ép giá, bắt chẹt người nuôi.

Doanh nghiệp chế biến cũng chết

Ông Nguyễn Văn Kịch - Giám đốc doanh nghiệp Cafatex (Hậu Giang) cho rằng việc các ngân hàng tăng lãi suất 1,3%-1,8%/tháng, thậm chí tới 2%/tháng tùy theo đối tượng cho vay khiến nhiều doanh nghiệp bị thiếu vốn trầm trọng và khó thực hiện được kế hoạch thu mua, chế biến xuất khẩu đã vạch ra.

Theo ông Kịch, ngoài khó khăn về vốn, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với tỷ suất đồng USD sụt giảm so với đồng VND. Số ngoại tệ từ xuất khẩu thu về vừa mất giá vừa bán ra không được, ngân hàng chỉ cho chuyển đổi USD nhỏ giọt nên doanh nghiệp muốn mua cũng không có tiền.

Chưa hết, cơn bão giá gần đây đã đẩy hàng loạt chi phí nguyên liệu đầu vào lên cao khiến giá thành sản phẩm tăng cao. Đó là chưa kể tình hình dịch bệnh bùng phát khiến nhiều vùng nuôi cá chết hàng loạt.

Bến Tre là một trong những tỉnh ảnh hưởng nặng nề bởi giá cá tra giảm. Trong năm 2007, Bến Tre xuất khẩu khoảng 90 ngàn tấn cá tra. Năm 2008, với việc mở rộng diện tích nuôi trồng, dự kiến Bến Tre sẽ xuất khoảng 150 ngàn tấn cá tra nguyên liệu.

Tuy nhiên, bà Trần Thị Thu Nga - Phó Giám đốc Sở Thủy sản Bến Tre cho biết nếu tình hình này kéo dài, gần 1/3 sản lượng làm ra sẽ không biết tiêu thụ ở đâu vì các nhà máy chế biến đang làm ăn thua lỗ.

Nhiều năm qua, người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã thu về nguồn thu ngoại tệ không phải nhỏ. Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu cá tra, basa vượt mức một tỷ USD. Nhưng năm nay, để đạt kim ngạch như vậy không phải dễ.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP):

Cần ưu tiên mua USD cho doanh nghiệp thủy sản

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn gửi Thủ tướng đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nông, ngư dân.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị nhà nước nên ưu tiên mua ngoại tệ của các doanh nghiệp nông lâm thủy sản nhằm giảm thiệt hại do chênh lệch tỷ giá ngoại tệ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có tiền VND để thu mua sản phẩm của nông, ngư dân.

Ngoài ra, do chi phí đầu vào của sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng, đề nghị ngân hàng tăng hạn mức cho vay để hỗ trợ cho doanh nghiệp có đủ vốn để thu mua sản phẩm của nông, ngư dân.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam:

Việc bán đổ bán tháo sẽ làm rối loạn thị trường

Với khó khăn như hiện nay, khi không thể cầm cự được, người nông dân sẽ bán đổ bán tháo. Doanh nghiệp nhân cơ hội sẽ mua rẻ và xuất ra thị trường, gây biến động. Ngoài ra, để tránh thua lỗ, nhiều nhà máy phải giảm công suất dẫn tới thị trường thu hẹp, công nhân sẽ mất việc.



Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường