Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngư dân còn “đói” thông tin dự báo ngư trường
04 | 08 | 2011
Trong bối cảnh giá dầu tăng mạnh, khí hậu biến đổi, ngư dân ngày càng khó khăn để gặp được luồng cá. Trong khi đó công tác đầu tư cho dự báo ngư trường lại chưa được quan tâm đúng mức, còn nhiều bất cập và hạn chế.

Ông Chu Tiến Vĩnh, phó tổng cục trưởng tổng cục Thuỷ sản, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, hàng năm kinh phí dành cho dự báo ngư trường của 130.000 tàu, thuyền, ở 28 tỉnh, thành ven biển, với 40 nghề chỉ có 250 triệu đồng. Thế nhưng, nguồn kinh phí này cũng đã bị cắt. “Nếu so sánh 250 triệu đồng cho ngư trường với hàng tỉ USD thu lại từ xuất khẩu thuỷ sản, thì tôi rất buồn”, ông Vĩnh nói.

Năm nay, các chủ tàu ở Nha Trang lại thêm gánh nặng vì chi phí đầu vào tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó, sản lượng ngày càng sụt giảm, đặc biệt là sản lượng cá ngừ đại dương. Lão ngư dân Nguyễn Tấn Lầu, phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang cho biết, năm ngoái chi phí cho chuyến đi biển từ 110 – 120 triệu đồng, năm nay đã tăng lên từ 160 – 170 triệu đồng, chi phí tăng chủ yếu do tiền dầu. Trong khi đó, việc đánh bắt cá càng ngày càng khó. Ngư dân vẫn đánh bắt theo kiểu, nghe ở đâu có cá thì chạy đến, đánh không đạt sản lượng, thì đi đến vùng khác.

Lão ngư dân Mai Thành Phúc, chủ tàu KH 91539 chuyên khai thác cá ngừ đại dương nói: “Hiện nay, thế giới có máy dò cá ngang dọc, còn mình quá lạc hậu. Do không biết luồng cá, ngư dân chạy đi kiếm làm tăng chi phí, dễ bị thua lỗ”. Biển cả mênh mông, ngư dân sử dụng kinh nghiệm để đi tìm cá và không phải ai cũng có kinh nghiệm. Theo ông Võ Thiên Lăng, phó chủ tịch hội Nghề cá Việt Nam, chủ tịch hội Nghề cá Khánh Hoà, với kinh nghiệm của ngư dân, nhưng do khí hậu biển đổi, những quy luật cũ đã không xuất hiện. “Công tác dự báo chỗ nào có cá và cá nào sẽ xuất hiện là một khâu còn yếu nên để giúp ngư dân, Nhà nước cần phải đặc biệt quan tâm công tác dự báo ngư trường”, ông Lăng nói.

Ông Chu Tiến Vĩnh cũng đồng tình với quan điểm của ông Lăng, bởi hiện khó khăn lớn nhất của ngư dân là giá xăng dầu tăng cao, giá sản phẩm tăng không nhiều, nên một số tàu cá nằm bờ. Việc dự báo ngư trường rất quan trọng, nó sẽ góp phần làm giảm chi phí đánh bắt hải sản.

Ông Vĩnh cho biết, hiện nay, việc dự báo ngư trường chưa được quan tâm lắm. Một năm, bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn chỉ giao cho viện Nghiên cứu hải sản 250 triệu đồng để ra một dự báo cho 130.000 tàu, thuyền ở 28 tỉnh của Việt Nam – đây là điều không thể tưởng tượng và không thể làm được. “Tôi rất lo về dự báo ngư trường sẽ không có cơ sở để dự báo, bởi vì dự báo phải thường xuyên nghiên cứu, cập nhật dữ liệu để dự báo. Bây giờ không có, ngư dân vẫn phải dự báo ngư trường theo kiểu “bốc thuốc”. Điều đó rất nguy hiểm cho ngư dân vì công tác này chưa được quan tâm đúng mức”.

Theo ông Vĩnh, hiện nay Việt Nam lại không có tàu nghiên cứu về nguồn lợi thuỷ sản. Trước đây, có một chiếc tàu của Na Uy cấp cho viện Nghiên cứu hải sản từ năm 1976, đến năm 2006 hết hạn sử dụng và được giao lại cho đại học Nha Trang để làm giáo cụ giảng dạy. “Việc đóng tàu nghiên cứu đã được đề xuất nhiều lần, nhưng vẫn chưa được giải quyết. Chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất với Chính phủ để bằng mọi giá phải có một con tàu nghiên cứu; sẽ đầu tư nhiều hơn nữa trong nghiên cứu ngư trường để kịp thời thông báo cho bà con ngư dân. Đây là giải pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả đánh bắt”, ông Vĩnh nói.

Theo SGTT



Báo cáo phân tích thị trường