Giá cá ngừ Việt Nam tăng khá tốt: cùng kỳ năm ngoái, Canada mua chỉ 4,13 USD/kg, nay mua giá cao nhất là 7,82 USD; Nhật Bản mua 7,81 USD/kg và Mỹ mua 6,78 USD/kg.
Lãng phí đến 60%
Với giá xuất khẩu tăng, các doanh nghiệp cũng thu mua cá của ngư dân với giá cao, khoảng 130.000 – 140.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do tàu khai thác cá ngừ của ngư dân các tỉnh trang bị không đúng mức, cá sau khi đánh bắt chỉ được bảo quản bằng cách ướp nước đá xay nên cá không giữ 100% tươi nguyên lúc đưa vào bờ. Theo bà Trịnh Thị Ngọc Sâm, giám đốc công ty TNHH xuất nhập khẩu Vinh Sâm, chỉ khoảng 40 – 50% cá ngừ tươi do ngư dân đánh bắt đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, tàu nào bảo quản tốt lắm cũng chỉ đạt 70%. Ngư dân không chỉ mất thu nhập vì khâu bảo quản cá kém, thời gian một chuyến biển ngắn do phải lo đưa cá vào bờ sớm dẫn đến chi phí cao trên mỗi chuyến đi.
Năm nay, ngư dân được mùa cá ngừ, chỉ riêng Phú Yên đánh bắt trong năm tháng đầu năm đã đạt 5.200 tấn, gần bằng sản lượng cả năm 2010. Tuy nhiên, theo hiệp hội Cá ngừ Phú Yên, chi phí mỗi chuyến biển tăng 30% do các loại chi phí đều tăng cao, nhất là nhiên liệu, nên dù giá bán cá cao hơn vẫn có nhiều chuyến biển ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương bị lỗ.
Cần đầu tư cho ngư dân
Hiệp hội Cá ngừ Phú Yên cho rằng đã đến lúc quảng bá thương hiệu “cá ngừ Việt Nam” để phát triển thị trường. Song song đó, không thể kéo dài tình trạng ngư dân tự lo bám biển, trang bị thủ công như hiện nay.
Một nỗi niềm khác của ngư dân là không biết khi nào Việt Nam mới có thể chính thức là thành viên WCPFC (uỷ ban Nghề cá di cư xa Trung và Tây Thái Bình Dương) để có thể mở rộng ngư trường khai thác cá ngừ. Ông Chu Tiến Vĩnh, phó tổng cục trưởng tổng cục Thuỷ sản cho biết, WCPFC có hai quy chế đối với các nước có hoạt động đánh bắt cá di cư xa (cá ngừ, cá kiếm) trong khu vực Trung và Tây Thái Bình Dương, gồm: quy chế cho thành viên chính thức và quy chế cho nước chưa là thành viên chính thức nhưng có sự hợp tác. Để các tàu câu cá ngừ của một nước được ra khu vực này thì bắt buộc phải là thành viên. Còn nước chưa là thành viên chính thức nhưng có sự hợp tác chỉ được khai thác ở vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia mình. Để được là thành viên chính thức của WCPFC phải đạt các yêu cầu tiêu chuẩn về tàu thuyền đánh bắt ở đại dương và phải được sự đồng thuận của tất cả thành viên trong WCPFC. Theo ông Vĩnh, trong hai, ba năm tới Việt Nam có thể vẫn theo quy chế chưa là thành viên chính thức nhưng có sự hợp tác vì khó nhận được sự đồng thuận của vài nước lân cận.
Theo thống kê của tổng cục Hải quan, bốn tháng đầu năm 2011, Việt Nam xuất khẩu gần 18.000 tấn cá ngừ nguyên liệu, đạt kim ngạch trên 110 triệu USD, tăng gần 50% cả về khối lượng và giá trị so cùng kỳ năm 2010. Mỹ, EU, Nhật Bản là những thị trường lớn tiêu thụ cá ngừ Việt Nam.
|
Ông Vĩnh cho rằng, điều quan trọng cần làm nhất hiện nay là giúp ngư dân cải tạo tàu thuyền để đánh bắt dài ngày, đạt chất lượng bảo quản, thu hoạch cá tốt 90 – 100%. Làm được vậy thì dù chỉ đánh bắt trong vùng biển thuộc chủ quyền nước mình, ngư dân lẫn doanh nghiệp vẫn có thể tăng doanh thu và lợi nhuận. Thế nhưng, việc khó vay vốn ngân hàng đang cản trở việc đầu tư của ngư dân, trong khi dịch vụ hậu cần nghề cá ngừ hầu như chưa có gì.
Hiện nay, đã có bốn công ty của Nhật Bản cùng liên doanh với hai công ty TNHH ở Phú Yên là Bá Hải và Vinh Sâm để thu mua, chế biến, xuất khẩu cá ngừ, xây dựng thương hiệu cá ngừ đại dương Phú Yên. Liên doanh này dự kiến vốn điều lệ là hai triệu USD, sẽ hoạt động vào cuối năm nay. Bà Ngọc Sâm cho biết, trước mắt phía các công ty Nhật sẽ đưa sang Việt Nam hai tàu đông lạnh với công suất trung bình 100 – 200 tấn để phục vụ sơ chế, bảo quản cá ngừ đánh bắt ngay trên biển, trữ cấp đông ngay ở điều kiện nhiệt độ âm 60 độ C, đảm bảo chất lượng cá ngừ tươi hơn so với cách trữ lạnh hiện nay của ngư dân. Đồng thời, các tàu dịch vụ hậu cần này sẽ cung cấp lương thực, xăng dầu, nhu yếu phẩm cần thiết cho ngư dân đánh bắt dài ngày trên biển. Nếu liên doanh thực hiện thành công cho gần 700 tàu đánh bắt xa bờ câu cá ngừ đại dương của Phú Yên, sẽ là sự mở đầu tốt giúp ngư dân.
Theo SGTT