Xuất khẩu thuỷ sản nửa đầu năm 2011 mang về hơn 2,5 tỉ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Yếu tố góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản sáu tháng qua không đến từ lượng (chỉ tăng khoảng 6% với trên 600.000 tấn) mà do giá bán tăng tới 27,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đổ tiền vào vùng nguyên liệu
Ông Nguyễn Văn Ký, tổng giám đốc công ty cổ phần xuất nhập khẩu thuỷ sản An Giang (Agifish) tính toán: “Nếu để dân nuôi, giá thành hiện nay khoảng 21.000 – 23.000 đồng/kg cá tra. Còn doanh nghiệp tự quản lý, rẻ hơn 1.500 – 2.000 đồng”.
Theo kế hoạch, ngoài diện tích tự có, Agifish liên kết thêm khoảng 20 hộ nuôi để có 70.000 tấn nguyên liệu, đáp ứng đủ công suất chế biến cho Agifish. “Chúng tôi sẽ chi 200 tỉ đồng vào con giống, thức ăn, thuốc chữa bệnh, quy trình kỹ thuật…”, ông Ký nói thêm.
Diễn biến thị trường xuất khẩu thuận lợi, giá bán cao, làm tăng giá trị sản phẩm lên đáng kể. Đại diện công ty Hùng Cá (Đồng Tháp) cho rằng, so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị xuất khẩu trên mỗi đơn vị cá tra sáu tháng đầu năm nay tăng ít nhất gần 30% là động lực lớn để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào vùng nguyên liệu.
“Trước đây chúng tôi còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu bên ngoài, nhưng nay, với diện tích khoảng 400ha, công ty hoàn toàn có thể chủ động được”, đại diện công ty này nói.
Ông Dương Ngọc Minh, phó chủ tịch Vasep, đồng thời là tổng giám đốc công ty Hùng Vương, đơn vị bỏ tiền đầu tư và hiện nay chủ động phần lớn về nguyên liệu, cho biết hầu hết các doanh nghiệp trong ngành thuỷ sản đã ý thức đến việc đầu tư, chủ động nguồn nguyên liệu riêng cho mình.
“Nếu công ty nào trường vốn thì nên đầu tư khép kín, từ nhà máy thức ăn, con giống và tự đứng ra tổ chức nuôi là tốt nhất”, ông Minh nhận xét. Cũng với cách làm này, ông Minh nói rằng ở Hùng Vương, tỷ lệ tiêu tốn thức ăn/kg cá tra nguyên liệu chỉ là 1,6kg, thấp hơn so với bên ngoài 0,2kg. Và điều quan trọng là chất lượng cá tốt hơn hẳn, chỉ cần 2,7 – 2,8kg nguyên liệu chế biến ra 1kg philê, trong khi mức trung bình hiện nay là 3,1kg.
Tăng giá trị
Ông Trương Đình Hoè, tổng thư ký Vasep cho rằng, ngoài đầu tư nhà máy, chăm lo khâu chế biến như trước đây, nay doanh nghiệp phải bỏ thêm tiền vào vùng nguyên liệu là hướng đi phản ánh xu hướng phát triển bền vững do hiện nay, người tiêu dùng thế giới đang đòi hỏi sản phẩm thuỷ sản phải có tính an toàn sức khoẻ, thân thiện môi trường. Và, doanh nghiệp sẽ làm việc này tốt hơn là người dân tự tổ chức nuôi nhỏ lẻ, tự phát.
“Sáu tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra tăng gần 30% so với cùng kỳ, đạt gần 800 triệu USD. Một phần là do chất lượng sản phẩm cải thiện đáng kể nhờ doanh nghiệp kiểm soát tốt vấn đề nuôi trồng”, ông Hoè nói.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, phó chủ tịch Vasep cho rằng, doanh nghiệp chịu đầu tư vùng nuôi, có cơ hội đạt được các chứng nhận uy tín thế giới sẽ giúp củng cố hình ảnh, giá trị sản phẩm cá tra. Do đó, ngoài Global GAP, theo ông Dũng, nhiều vùng nuôi cá của doanh nghiệp còn đạt được các chứng nhận khác như AquaGAP (88,796ha), SQF-1000 (209,5ha), BAP (102ha), FOS (60ha)…
“Trung bình mỗi năm công ty có khoảng 10.000 tấn nguyên liệu được cấp chứng nhận Global GAP. Giá bán cao hơn khoảng 20 cen/kg philê so với sản phẩm không được cấp chứng nhận”, đại diện công ty Hùng Cá cho biết.
Theo Hoàng Bảy
SGTT