Những bước tiến khả quan
Gần đây, Việt Nam được xem là một trong những nước mới nổi về xuất khẩu cá ngừ. Dù nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn trong năm 2011, nhưng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam vẫn đạt 379,364 triệu USD, tăng 29,4% so với năm ngoái. Các loài cá ngừ xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam gồm cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to, cá ngừ vây dài, cá ngừ vây xanh miền Nam và cá ngừ sọc dưa...
Theo VASEP, trong năm 2011, cá ngừ Việt Nam đã xâm nhập và mở rộng ra nhiều thị trường, nâng tổng số thị trường nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam lên con số 87. Ba thị trường chính của xuất khẩu cá ngừ Việt Nam là Mỹ, EU và Nhật Bản. Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường chính với giá trị xuất khẩu đạt 171,37 triệu USD, tăng 31,8% so với cùng kỳ năm 2010, đứng thứ hai là EU.
Sản phẩm chính năm 2011 (GT)
Ngành cá ngừ Việt Nam cũng đã có những bước tiến mới đáng ghi nhận trong một vài năm qua. Sự ra đời của Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam với 36 thành viên vào năm 2010 không chỉ là nơi tập hợp, đoàn kết hội viên, phổ biến các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn là yếu tố quan trọng để tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm cá ngừ Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Trở thành thành viên đầy đủ của WCPFC
Sản lượng khai thác cá ngừ đại dương ở các tỉnh quan trọng như Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định đã có sự gia tăng đáng kể. Cụ thể, từ đầu năm 2011 đến nay, Phú Yên đã khai thác hơn 5.200 tấn cá ngừ đại dương. Khoảng 24 - 30% sản lượng được xuất khẩu sang các nước Âu, Mỹ và Đông Bắc Á, mang về kim ngạch trên 10 triệu USD/năm. Còn tại Bình Định, từ ngày 23 – 30/1/2012, đã có 45 tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân cập bến, sản lượng đạt 70 tấn. Bình quân mỗi chiếc đánh bắt được 1,4 tấn, lãi từ 40 - 80 triệu đồng/tàu...
Tuy nhiên, cá ngừ đại dương là đối tượng chịu sự chi phối, điều chỉnh của Hiệp định về đàn cá di cư quốc tế, nằm trong Công ước về Luật Biển quốc tế. Khi cá di cư đến vùng biển Việt Nam, việc đánh bắt sẽ chịu sự điều chỉnh của Ủy ban Nghề cá Trung và Tây Thái Bình Dương (WCPFC). Hiện, tất cả các vùng biển khai thác cá ngừ đã được các tổ chức quốc tế quản lý chặt chẽ, trong khi nước ta chỉ mới là thành viên không chính thức nhưng có hợp tác của WCPFC. Việt Nam chỉ có thể trao đổi thông tin, tham dự các cuộc họp của WCPFC, yêu cầu họ cung cấp thông tin nghề cá nhưng không được quyền đưa tàu ra vùng biển quốc tế đánh bắt hải sản. Do vậy, ngư dân và các doanh nghiệp Việt Nam đã, đang và sẽ vấp phải rào cản về đánh bắt và xuất khẩu sản phẩm đến một số thị trường quốc tế.
Vì vậy, việc sớm trở thành thành viên đầy đủ của WCPFC, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển thương hiệu cá ngừ đại dương của các tỉnh là điều rất cần thiết trong thời gian sắp tới.
Rào cản thủ tục
Do kỹ thuật bảo quản sau khai thác phần lớn còn thô sơ nên đa phần các nguồn nguyên liệu cá ngừ đạt tiêu chuẩn không đủ để đáp ứng cho nhu cầu chế biến của doanh nghiệp. Vì vậy, buộc các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu để giảm áp lực về nguồn cung trong nước. Tuy nhiên, thủ tục nhập khẩu nguyên liệu quá phức tạp và rắc rối. Các doanh nghiệp phải hoàn tất nhiều thủ tục và giấy tờ để gửi tới các cơ quan chức năng.
Tăng trưởng xuất khẩu thủy sản năm 2011
Trái lại, hiện nay một số nước xuất khẩu cá ngừ lớn trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan và Philippines lại đang được Chính phủ của họ tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu nhằm giảm sức ép cho nguồn nguyên liệu nội địa. Điều này đã làm cho nhiều nhà cung cấp chuyển sang hợp tác với các nhà nhập khẩu Thái Lan và Philippines. Do đó, nếu ngành cá ngừ Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường trên thế giới thì việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ Việt Nam là điều cần thiết nhất hiện nay.
WCPFC là tổ chức quản lý nghề cá khu vực có nhiệm vụ bảo vệ nguồn cá di cư cao ở khu vực Biển Tây và Trung Thái Bình Dương, nơi có 60% nguồn cá ngừ thế giới. Ủy ban có nhiệm vụ xác định sản lượng khai thác tối đa cho phép (TAC), phân bổ quota cho các nước thành viên và quy định về các phương pháp đánh bắt.