Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mỹ và LiBăng - niềm lạc quan của cá ngừ Việt Nam tính đến nửa đầu tháng 7/2009
17 | 08 | 2009
Tính đến nửa đầu tháng 7/2009, xuất khẩu cá ngừ vẫn tiếp đà giảm sút. Các cơn bão liên tiếp xảy ra, thị trường tiêu thụ vẫn dừng chân tại chỗ. Nửa đầu tháng 7, chỉ Ixrael và Canada tạm thời đạt mức tăng trưởng ấn tượng cả về giá trị và khối lượng…

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam, từ ngày 1/1 - 15/7/2009, Việt Nam đã xuất khẩu (XK) được 26,83 nghìn tấn cá ngừ với tổng trị giá 89,4 triệu USD, giảm 8,7% về khối lượng (KL), 14,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2008. Tính riêng nửa đầu tháng 7/2009, cả nước XK 2.409 tấn cá ngừ tương đương 6,86 triệu USD, tăng 5,8% về KL nhưng giảm 17,9% về GT so với cùng kỳ năm 2008.

Nếu cuối tháng 4/2009, EU vẫn là thị trường nhập khẩu (NK) lớn và an toàn nhất của cá ngừ Việt Nam thì bước sang cuối tháng 5 - đầu tháng 6/2009, Mỹ đã nhanh chóng thay EU tại vị trí này. Tính đến 15/7/2009, Mỹ là bạn hàng lớn và ổn định nhất của cá ngừ Việt Nam với khối lượng 9.324 tấn và giá trị 33 triệu USD, tăng 17,9% về KL, 19,7% về GT so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà kinh tế cho rằng, kết thúc nửa đầu năm 2009, kinh tế Mỹ đã xuất hiện một số tín hiệu khởi sắc như: thu nhập của người dân tăng dần, nhiều ngân hàng có lợi nhuận tốt, lòng tin của người tiêu dùng vững vàng hơn, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp Mỹ cũng hết sức khả quan… Có lẽ, chính điều này đã tạo cơ hội cho các loại thực phẩm cao cấp bước chân vào thị trường này.

Tuy nhiên, cho đến nay, nền kinh tế Châu Âu mới bắt đầu có những tín hiệu tích cực, đặc biệt là Đức. Từ tháng 6/2009, tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia này đã có dấu hiệu chững lại, XNK và sản xuất công nghiệp đã ổn định trở lại. Do vậy, cho dù, tính đến nửa đầu tháng 7/2009, Đức tăng lượng cá ngừ từ Việt Nam lên 52,6% và 46,2% về GT so với cùng năm ngoái, nhưng nhiều “đại gia” nhập khẩu khác như: Italia, Hà Lan… vẫn chưa có dấu hiệu tăng nhập khẩu nên trong thời gian này, EU vẫn giảm 2,9% về KL, 16,3% về GT so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại Châu Á, “nhà nhập khẩu” khó tính Nhật Bản tiếp tục ở mức tăng trưởng âm khi giảm 36,6% về KL, 40,6% về GT so với cùng kỳ năm 2008.

Nếu chặng đường 7 tháng đầu năm xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang các thị trường lớn gặp rất nhiều sóng gió thì ngay từ đầu năm 2009, sự tăng trưởng đột biến liên tục tại thị trường LiBăng đã chứng tỏ bước chuyển hướng tích cực của các nhà XK cá ngừ Việt Nam. Đến nửa đầu tháng 7/2009, chưa vào tốp các trường NK lớn nhất của cá ngừ Việt Nam nhưng LiBăng tiếp tục giữ mức tăng trưởng ấn tượng: 193,1% về KL, 179% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng trong thời gian này, tại hầu hết các quốc gia NK cá ngừ lớn từ Việt Nam tiếp tục dừng ở mức tăng trưởng âm về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái như: Ixrael giảm 17,7%, Angiêri giảm 23,5%, Canađa giảm 26,1%, Croátia giảm 35,5%, các nước khác giảm 45,8%...

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, đến nay, tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn. Thương mại thế giới vẫn sụt giảm mạnh, các quốc gia đang hướng đến tiêu dùng trong nước bằng các chính sách kích cầu nội địa và dựng lên các hàng rào thương mại. Chính phủ các quốc gia mở rộng chính sách tài khóa bằng cách sử dụng các gói kích cầu để kích thích kinh tế, khiến cho thâm hụt ngân sách của hầu hết các nước tăng cao. Do vậy, trong thời gian tới, xuất khẩu cá ngừ sẽ còn gặp nhiều trở ngại, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng hải sản cao cấp này có thể sẽ giữ ở mức tăng trưởng âm cho đến cuối năm 2009.



TheoVasep
Báo cáo phân tích thị trường