Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chật vật tìm nguyên liệu chế biến thuỷ sản xuất khẩu
07 | 08 | 2009
Chưa bao giờ ngành thuỷ sản vùng duyên hải Bắc Bộ lại có bước phát triển mạnh mẽ cả về diện tích, năng suất, sản lượng nuôi trồng, đánh bắt như những năm gần đây.

Lẽ ra với những lợi thế này, hoạt động chế biến thuỷ sản xuất khẩu phải sôi động. Thế nhưng, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này ngày càng trì trệ và có xu hướng đi xuống.

Tính đến tháng 8/2009, cả vùng duyên hải Bắc Bộ có tất cả 32 doanh nghiệp tham gia chế biến thuỷ sản xuất khẩu. Hầu hết các doanh nghiệp này thường xuyên bị thiếu nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến, hoạt động tối đa cũng chỉ đạt 50% công suất, thậm chí nhiều khi chỉ đạt 30%.

Hải Phòng được xác định là trung tâm thuỷ sản vùng duyên hải Bắc Bộ, hiện có 8 doanh nghiệp tham gia chế biến thuỷ sản xuất khẩu. Các doanh nghiệp này đều cho rằng, thực trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, đặc biệt nguồn nguyên liệu đạt tiêu chuẩn phục vụ cho chế biến xuất khẩu là phổ biến. Hiện nay, việc tìm được nguồn đầu vào ổn định, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng đang là bài toán vô cùng khó. Hải Phòng chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu. Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Ninh Bình cũng chung cảnh tương tự.

Thiếu nguyên liệu, luôn hoạt động cầm chừng nhưng để tồn tại buộc các doanh nghiệp chế biến phải chấp nhận gia công một số mặt hàng cho các đơn vị khác. Để tự cứu lấy mình, nhiều doanh nghiệp chủ động đầu tư mua sắm tàu trực tiếp ra các ngư trường lớn để thu mua nguyên liệu tại chỗ của ngư dân. Một số doanh nghiệp khác lại mạnh dạn đầu tư nuôi trồng thủy sản để chủ động nguồn nguyên liệu.

Thế nhưng do đặc thù nuôi trồng thủy sản ở khu vực miền Bắc chủ yếu tập trung vào vụ xuân hè, thời vụ thu hoạch dồn dập vào tháng 6, tháng 7. Đây là thời điểm duy nhất trong năm không khan hiếm nguyên liệu.

Nhiều năm qua, nghề khai thác thuỷ sản trong vùng phát triển quá mất cân đối giữa vùng ven bờ, xa bờ và chủ yếu tập trung vào khai thác nhóm cá nổi dẫn đến sự suy kiệt về tài nguyên. Đội tàu khai thác xa bờ phát triển chậm, hoạt động không hiệu quả, thời gian bám biển thấp, công tác dịch vụ hậu cần nghề cá lại không được tổ chức tốt nên sản lượng khai thác được đều rơi hết vào tay đầu nậu bán cho tàu thu mua Trung Quốc.

Hầu hết các cơ sở chế biến thuỷ sản trong vùng duyên hải Bắc Bộ được chia thành 2 nhóm: chế biến các sản phẩm xuất khẩu và sản phẩm tiêu thụ nội địa.

Những năm gần đây, các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản đã tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến các mặt hàng cao cấp xuất khẩu. Tuy nhiên, dây chuyền công nghệ chế biến vẫn rất lạc hậu, thiếu đồng bộ nên hiệu quả sản xuất thấp. Sản lượng chế biến đông lạnh hạn chế cả về số lượng và chủng loại, chỉ chiếm hơn 25% tổng sản lượng thuỷ sản đã xuất khảu. Tổng sản phẩm xuất khẩu quy ra nguyên liệu tươi đã sử dụng chế biến chỉ bằng 15% tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng của toàn vùng.

Các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản trong vùng còn thụ động, chưa làm tốt khâu thu mua. Thực tế trong nhiều năm qua cho thấy, các doanh nghiệp chỉ thu mua được khoảng 30% số nguyên liệu từ nuôi trồng và khai thác của toàn vùng. Phần lớn nguyên liệu còn lại được ngư dân bán trực tiếp sang Trung Quốc hoặc được các thương lái vào thu mua rồi bán cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu với giá cao.

Đa phần các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào kinh doanh các mặt hàng có lợi nhuận cao như mực khô, cá khô, các sản phẩm khô. Các cơ sở chế biến trong vùng phân bố không phù hợp với các tuyến sản xuất và vùng nguyên liệu, chủ yếu tập trung ở các trung tâm tỉnh, nên không đáp ứng được yêu cầu giải quyết đầu ra cho khai thác và nuôi trồng.

Đến năm 2009, thuỷ sản duyên hải Bắc Bộ đã cơ bản quy hoạch xong các vùng nuôi trồng tập trung. Nhiều địa phương đã đưa vào nuôi theo quy hoạch nhưng sản phẩm thu được đủ tiêu chuẩn chế biến và xuất khẩu rất ít. Hiện nay phần lớn nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu phụ thuộc vào sản lượng khai thác.

Công tác dịch vụ hậu cần nghề cá hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Toàn vùng chưa có cảng cá nào được đầu tư hoàn chỉnh, do đó rất khó khăn cho công tác bốc xếp và tiêu thụ sản phẩm, cung ứng vật tư hậu cần cho nghề khai thác. Hầu hết các tàu khai thác xa bờ đưa sản phẩm đi tiêu thụ trực tiếp hoặc bán ngay trên ngư trường cho tàu buôn của Trung Quốc.

Đã đến lúc mỗi doanh nghiệp, mỗi địa phương phải đổi mới cách làm, lập lại quy hoạch sản xuất, thu mua, khai thác và chế biến thuỷ sản cho phù hợp. Trước mắt, các doanh nghiệp chế biến cần chủ động gắn kết chế biến với vùng nguyên liệu bằng nhiều cách. Trong đó đẩy mạnh liên kết theo hợp đồng giữa các nhà máy với  người dân và các đơn vị khai thác thuỷ sản. Kế đó là liên kết với các chủ trang trại theo hướng đóng góp cổ phần.

Quan trọng hơn, các doanh nghiệp phải liên kết chặt chẽ với nhau, tạo vùng nguyên liệu rộng lớn trải rộng ra cả vùng biểnduyên hải Bắc Bộ chứ không nên mỗi doanh nghiệp làm một cách. Các doanh nghiệp chế biến cần phối hợp xây dựng nhiều đội tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Doanh nghiệp hãy ra khơi lấy dầu đổi cá nhằm giúp ngư dân giảm bớt chi phí vào đất liền.

Mặt khác, doanh nghiệp phải tăng cường đầu tư, nâng cấp dây chuyền sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời đẩy mạnh đào tạo tay nghề cho người lao động đủ năng lực vận hành những dây chuyền sản xuất hiện đại, chủ động áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường truyền thống Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, tích cực liên kết quảng bá, xúc tiến thương mại tại EU, Mỹ.

(Theo VnEconomy)



Báo cáo phân tích thị trường