Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
EU không nên áp đặt thuế NK thủy sản
24 | 06 | 2011
Ông Guus Pastor, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Thương mại Thủy sản EU (AIPCE-CEP) nói, nên dỡ bỏ thuế NK thủy sản nguyên liệu vào EU. Các biện pháp nhằm bảo vệ các thị trường EU trước sự cạnh tranh của các nước thứ ba đã lỗi thời và không còn là một phần trong chính sách của EU nữa.

Ông Pastor cho biết, hiện nay phần lớn thủy sản nguyên liệu NK vào EU để chế biến đều vấp phải các rào cản thương mại như thuế NK. Trừ cá tuyết từ biển Baren, phần lớn các mặt hàng thủy sản NK vẫn phải chịu các mức thuế cao. Do vậy, các nhà chế biến thủy sản EU sẽ gặp nhiều khó khăn và có thể lâm vào đường cùng. Nguyên nhân một phần do EU không chủ động được nguồn cung thủy sản, nhất là thủy sản bền vững.

Theo số liệu năm 2009 của Hội đồng Châu Âu (EC), khả năng tự cung cấp các sản phẩm thủy sản của EU đã giảm 36%. Một báo cáo khác cho biết EU phải NK 50% lượng thủy sản tiêu thụ trong năm 2007.

Do vậy, ngay cả khi thuế NK nhằm mục đích bảo vệ ngành khai thác thủy sản EU, thì đây cũng chỉ là một điều ảo tưởng vì EU không thể tự đáp ứng được nhu cầu của riêng mình và đôi khi các sản phẩm của EU còn không đáp ứng được thị trường do thiếu chứng nhận.

Ông Pastor phân tích tiếp, EU không thể và sẽ không bao giờ có thể tự cung cấp thủy sản, do vậy sẽ phải cần đến các sản phẩm thủy sản NK. Các nhà chế biến thủy sản ở EU nếu giải quyết hợp lý điều này sẽ chủ động được nguồn nguyên liệu bền vững. Các DN thủy sản Châu Âu sẽ có thể thu được lợi nhuận kinh tế bình thường và sẽ có thể trả một mức giá bình thường cho những ngư dân EU.

Mặt khác, nếu EU vẫn cố cản trở NK, ngành chế biến thủy sản EU sẽ rơi vào tình trạng khó khăn do thiếu nguyên liệu hoặc giá cao. Các DN chế biến có thể phải chuyển sang nước khác có chi phí thấp hơn hoặc có nhiều nhân công hơn. Nếu EU không đơn giản hóa được các rào cản thương mại, họ sẽ phải chịu cảnh “gậy ông đập lưng ông”. Họ sẽ thiếu nguồn cung thủy sản bền vững từ các tàu khai thác của EU trong khi thị trường đang có nhu cầu cao đối với các sản phẩm chứng nhận MSC.

Các sản phẩm thủy sản của EU không được coi là bền vững, không có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận MSC đến từ EU mà chủ yếu NK từ nước ngoài vào.

Ông Pastor nói rằng, thiếu nguồn thủy sản bền vững đã lấy đi cơ hội của nghề cá và các nhà chế biến thủy sản EU. Ví dụ, cá bơn sao Hà Lan đã mất nhiều thị trường trong những năm qua do không được chứng nhận MSC. Đây là một mối đe dọa lớn hơn việc NK các sản phẩm thủy sản từ nơi khác. Chúng ta đã mất thị trường vì mọi người không muốn sử dụng cá cá của chúng ta nữa. Nếu chứng minh được nguồn thủy sản bền vững, thị trường của chúng ta sẽ được khôi phục lại.

Lĩnh vực chế biến thủy sản của EU đã mang lại doanh thu 23 tỷ EUR năm 2007, cao gấp 3 lần so với lợi nhuận của lĩnh vực khai thác. Việc dỡ bỏ thuế NK sẽ không chỉ làm lợi cho các nhà chế biến thủy sản mà còn cải thiện được thu nhập của ngư dân EU và thay đổi được tình hình khó khăn hiện tại.

Ông Pastor đưa ra câu hỏi “Tại sao giá các sản phẩm thủy sản EU lại thấp?”. Đó không chỉ là vấn đề cạnh tranh mà còn là nhiều sản phẩm không được thị trường chấp nhận vì không được coi là bền vững. Do vậy cần hành động theo hướng này. Nếu sản phẩm bền vững, chúng tôi sẽ cạnh tranh được với các thị trường khác.

AICPE-CEP hy vọng thông điệp họ đưa ra sẽ có tác động tới Ủy ban EU khi tổ chức này chuẩn bị cải cách Chính sách Nghề cá chung (CFP).

Ông Pastor lưu ý rằng, nếu theo dõi quá trình cải cách CFP, phải nhìn vào bức tranh toàn cảnh và toàn bộ chuỗi nguồn cung. Đánh giá phiến diện khiến chúng ta bỏ qua các sản phẩm đang có lợi thế cạnh tranh.

Doanh thu trong lĩnh vực chế biến thủy sản của EU năm 2007 đạt trên 4 tỷ EUR từ Tây Ban Nha và hơn 3 tỷ EUR từ Anh, Pháp và Italia. Lĩnh vực chế biến có gần 4.000 công ty với 126.000 công nhân.

Theo Vasep



Báo cáo phân tích thị trường