Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngư dân khó vay vốn làm ăn
09 | 08 | 2011
Mấy tháng qua, ngư dân Lý Văn Vương (ở thôn Ca Công, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) liên tục đi gõ cửa các cơ quan chức năng để xin vay vốn đóng mới một con tàu, nhưng không nơi nào hồi âm

Đầu năm 2010, vợ chồng anh Vương vay mượn hơn 800 triệu đồng mua lại chiếc tàu BĐ-95003 có công suất 165CV. Chưa thu hồi vốn được bao nhiêu, tháng 5.2011, khi đang đánh bắt ở phía nam đảo Phú Quý, chiếc tàu của anh Vương bị một chiếc tàu nước ngoài tông chìm rồi bỏ chạy, làm cho toàn bộ tài sản của anh Vương bị mất. Nghe người khác chỉ bảo, anh Vương làm đơn xin vay vốn ngân hàng, nhưng không nơi nào hồi âm. “Khát khao nhất của tôi là sắm lại được chiếc tàu để ra biển. Nếu được vay vốn, tôi đánh bắt chỉ trong ba năm là có thể trả hết nợ cho ngân hàng. Nhưng hình như không nơi nào tin mình”, anh Vương nói.

Không dễ vay vốn

Ông Trần Tấn Thuận, chủ tịch UBND xã Hoài Hương – xã có số lượng tàu thuyền nhiều nhất tỉnh Bình Định với 650 chiếc – cho biết hơn 50% ngư dân địa phương này có nhu cầu vay vốn để đầu tư cho đánh bắt, trong đó hơn 30% ngư dân có nhu cầu rất bức bách để đóng mới, cải hoán tàu thuyền. Những trường hợp như anh Lý Văn Vương nhiều vô kể. Tuy nhiên, hầu hết ngư dân đều rất khó tiếp cận với các nguồn vốn vay. Riêng nguồn vốn vay theo nghị định 41 của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn, đến nay, ở xã Hoài Hương chưa có trường hợp nào được vay.

“Thật sự chúng tôi không hề biết có chính sách này. Nhiều tháng qua, tôi đi hết nơi này đến nơi khác xin vay vốn, nhưng đâu có nghe ai nhắc đến nghị định này”, ông La Hùng Vin, chủ tàu
BĐ-1174TS, ở thôn Ca Công, nói. Ông Vin là người có đến ba lần tàu bị nạn trên biển với tổng thiệt hại hơn 2 tỉ đồng. Gần năm nay, vợ chồng ông Vin cũng cầm đơn xin vay vốn khắp nơi, nhưng không nơi nào giải quyết. Ông Nguyễn A, ở thôn Thạnh Xuân, xã Hoài Hương, người có hai chiếc tàu bị chìm trên biển hồi năm 2009 và tháng 5 vừa qua, cũng chạy khắp nơi xin vay vốn đóng lại tàu thuyền, nhưng không có kết quả.

“Thấy chúng tôi có nhu cầu thực sự và có khả năng trả nợ, ngân hàng chính sách cũng cho vay, nhưng số tiền quá ít, không làm được gì. Quỹ tín dụng của xã cũng hứa cho vay vài chục triệu đồng, nhưng phải trả nợ trong thời gian quá ngắn. Bây giờ mới nghe nhà báo nhắc đến nguồn vốn vay ưu đãi từ nghị định 41/2010, chứ lâu nay, chúng tôi có biết gì đâu”, ông A chia sẻ. Thậm chí, đến nay ông Nguyễn Văn Nam, cán bộ phụ trách thuỷ sản xã Hoài Hương cũng chưa biết có chính sách này dù nghị định 41 đã ban hành từ tháng 4.2010.

Tại Quảng Ngãi, ông Nguyễn Văn Mạng, chủ tàu ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ đã nói không biết khi chúng tôi hỏi gia đình vay được tiền từ nghị định 41 chưa. Ông Nguyễn Duy Trinh, phó chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh cho biết, địa phương đã triển khai nghị định này về các thôn, xóm, tổ và thành lập các tổ vay vốn. Tuy nhiên, khi làm thủ tục vay, thì bà con sản xuất nông nghiệp vay được, nhưng bà con ngư dân vay ít, bởi vì, ngân hàng đòi phải có “phiếu đỏ” để thế chấp mới cho vay. Do đó, ngư dân không mặn mà lắm với nguồn vay này.

Ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, ngư dân Võ Đào, từng bị nước ngoài trấn lột tài sản vào cuối tháng 5.2011 ở vùng biển Hoàng Sa, nói: “Tôi không biết về khoản vốn vay này. Có khi xã đã triển khai, nhưng do tôi đi biển, nên không nghe nói lại”. Còn Ông Nguyễn Hùng, phó chủ tịch UBND xã Bình Châu, huyện Bình Sơn giải thích: “Bà con nông dân trong xã thì đã vay hàng chục tỉ đồng từ nguồn vay này, nhưng ngư dân thì chỉ có một vài người vay. Nguyên nhân là do ngư dân ngại làm thủ tục rườm rà, bởi theo họ làm ăn với các chủ nậu sướng hơn, khỏi cần thủ tục giấy tờ; chỉ cần nói tiếng trước, tiếng sau là đầu nậu cho mượn tiền liền”.

Bất cập

Ông Nguyễn Hữu Hào, phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Định cho biết: “Nhu cầu vốn của ngư dân Bình Định ngày càng cao vì đa số bà con đều muốn nâng cấp máy, sắm ngư cụ hiện đại để vươn ra khơi xa đánh bắt mới có hiệu quả. Tuy nhiên, nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu của ngư dân còn rất hạn chế, nhất là các nguồn vốn ưu đãi”.

Trong khi đó, theo một cán bộ hội Nông dân tỉnh Bình Định, sau khi có nghị định 41, cơ quan này và chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Định đã có nghị quyết liên tịch để triển khai thực hiện, trong đó hội Nông dân đứng ra tín chấp cho ngư dân vay vốn. Tuy nhiên, vị cán bộ này thừa nhận: Đến nay, số hộ ngư dân được tín chấp cho vay từ nguồn vốn này rất hạn chế.

Ông Trần Tấn Thuận, bức xúc: “Nói là nguồn vốn ưu đãi, nhưng thủ tục cho vay vẫn còn phức tạp, khiến ngư dân khó tiếp cận, trong đó nhiều quy định, ngư dân khó đáp ứng”. Ông Nguyễn Văn Ái (ở thôn Xuân Bình, xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, Bình Định), than: “Qua tìm hiểu, tôi thấy chính sách này vẫn còn nhiều bất cập như: hộ sản xuất chỉ được vay tối đa 50 triệu đồng. Với số vốn này, ngư dân không thể đủ để đầu tư cho tàu thuyền, ngư cụ”. Ông Văn Công Việt, chủ tàu BĐ-91189TS (ở phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn, Bình Định) bức xúc: “Chính sách trên chỉ dành ngư dân ở vùng nông thôn, tức ở xã mới được vay, trong khi đó, ngư dân ở phường, ở thành phố Quy Nhơn như chúng tôi, dù nhu cầu rất lớn, nhưng không được vay”.

Theo SGTT



Báo cáo phân tích thị trường