Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Xé rào” cho tôm xuất khẩu
05 | 09 | 2008
Xuất khẩu tôm ở Việt Nam trong thời gian qua đã gặp nhiều khó khăn từ rào cản kỹ thuật.
Khi hàng rào thuế quan dần được loại bỏ, các thị trường “khó tính” như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... ngày càng đặt ra các quy định ngặt nghèo.

Cùng với tiêu chuẩn về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá là yêu cầu tiêu chuẩn các thị trường này đang đòi hỏi các doanh nghiệp phải vượt qua.

Để đáp ứng đòi hỏi này, tạo đường cho mặt hàng tôm của Việt Nam chinh phục những thị trường khó tính, Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ (Bộ khoa học và công nghệ) đã giới thiệu giải pháp “ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ RFID (nhận dạng bằng tần số vô tuyến) vào quá trình theo dõi, giám sát và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm tôm, những kinh nghiệm của Thái Lan và khả năng áp dụng tại Việt Nam”.

Với những thay đổi trong quy trình chăn nuôi trồng trọt như sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, những nguy cơ ô nhiễm môi trường và sự lây nhiễm các loại bệnh do thực phẩm gây ra làm cho người tiêu dùng lo lắng về chất lượng sản phẩm và đòi hỏi phải biết nguồn gốc thực phẩm mình sẽ sử dụng được sản xuất từ đâu, qua các quy trình công nghệ thế nào.

Từ đó đặt ra vấn đề cần giám sát chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn. Khái niệm truy nguyên nguồn gốc sản phẩm thực phẩm ra đời để theo dõi một sản phẩm từ bất kỳ điểm nào trong chuỗi cung ứng trở về nguồn gốc của nó hoặc giám sát một sản phẩm và tất cả đầu vào của nó trong tất cả các khâu của dây chuyền sản xuất cũng như ở tất cả các đại lý dọc theo dây chuyền cung cấp.

Con tôm gặp khó vì rào kỹ thuật

Hiện nay, Việt Nam đang nằm trong top 10 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Con số này giúp thủy sản tiếp tục duy trì ngôi vị thứ 4 trong những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu Việt Nam, đồng thời khẳng định, thủy sản là ngành kinh tế hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích xã hội. Sản phẩm tôm đông lạnh đang được coi là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, mũi nhọn, chiếm tới 40% tổng giá trị thuỷ sản xuất khẩu với doanh thu mỗi năm khoảng 3 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), những rào cản kỹ thuật, rào cản môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm từ các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga... đã làm cho các doanh nghiệp trong nước gánh chịu những thiệt hại nặng nề về tài chính và uy tín. Nguyên nhân chính gây nên tình trạng trên là do khâu nuôi trồng, sản xuất, chế biến nguyên liệu chưa được kiểm soát chặt chẽ và bài bản.

Mặc dù các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã áp dụng hệ thống quản lý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như hệ thống quản lý chất lượng theo GMP (quy phạm sản xuất tốt), SSOP (quy phạm vệ sinh tốt) và HACCP (phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn trong ngành chế biến thực phẩm), xây dựng hệ thống cảnh báo môi trường dịch bệnh thủy sản... nhưng các hệ thống quản lý này vẫn còn nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện và chưa có khả năng truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.

Điều này dẫn đến hậu quả khi một số lô hàng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam không đạt chất lượng. Không ít các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam phải vất vả, khó khăn trong việc xác định nguyên nhân để khắc phục.

Theo ông Lương Lê Phương, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, con tôm đang là mặt hàng chiến lược nên cần phải có những biện pháp nâng cao chất lượng hàng hoá, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Điểm quan trọng nhất là phải quản lý được theo chuỗi từ môi trường chăn nuôi, đến quá trình thu hoạch, chế biến đến bàn ăn một cách có hệ thống.

Hợp tác truy nguyên nguồn gốc

Như vậy, việc xây dựng một hệ thống theo dõi, giám sát bao gồm tất cả các quy trình trên và có khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm thuỷ sản là cần thiết và có tính cấp bách trong giai đoạn hiện nay đối với Việt Nam nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập WTO.

Theo Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ, trước đây, những khâu kiểm tra, truy xuất thường được thực hiện bằng các biện pháp thông thường nên khó có thể đảm bảo độ chính xác về các thông số kỹ thuật.

Tuy nhiên, với hệ thống theo dõi giám sát và truy nguyên (traceability system) sử dụng hệ thống quản lý phần mềm, hệ thống mạng cùng với công nghệ RFID (chíp điện tử RFID, máy đọc, ghi dữ liệu) và hệ thống mã hóa barcode cho phép nắm bắt và duy trì mọi thông tin về sản phẩm từ lúc bắt đầu nuôi cho đến khi đến tay người tiêu dùng (bao gồm tất cả các công đoạn: tạo giống, ươm, nuôi, chế biến, chuyên chở và phân phối).

Khi có bất kỳ vấn đề gì xảy ra đối với sản phẩm thì ngay lập tức doanh nghiệp có thể truy nguyên ngược lại để tìm ra nguyên nhân của vấn đề và đưa ra giải pháp xử lý. Người tiêu dùng có thể biết được mọi thông tin về sản phẩm mình sử dụng như: nuôi ở đâu, điều kiện môi trường như thế nào, dùng thức ăn gì...

Những kinh nghiệm này sẽ được Thái Lan chia sẻ với Việt Nam, bởi theo Thứ trưởng Bộ khoa học và công nghệ Trần Quốc Thắng, trong chương trình hợp tác về khoa học và công nghệ Việt Nam và Thái Lan, tháng 6/2007, Bộ trưởng Bộ khoa học và công nghệ hai nước đã ký thỏa thuận hợp tác.

Một trong những nội dung chính của thỏa thuận là Thái Lan sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ Việt Nam xây dựng hệ thống quản lý giám sát an toàn thực phẩm và bước đầu sẽ thực hiện trên sản phẩm tôm. Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ thực hiện chương trình này tại Việt Nam.




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường