Nhiều vấn đề khó khăn trong ngành thủy sản được mổ xẻ tại hội nghị toàn thể Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN được tổ chức ngày 10- 6 tại TPHCM.
Bơm tạp chất lãi gần 100.000 đồng/kg tôm
Hiện nay, con tôm bị giới kinh doanh “xâu xé” nhau rất dữ, đó là nhận xét của ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Ủy ban Tôm (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN). Tại Cà Mau năm ngoái, chỉ có 10 doanh nghiệp (DN) làm mặt hàng này, nhưng hiện nay tăng lên 30 DN. Những đại lý thu mua tôm, gia công cắt đầu tôm cho các DN chế biến trước đây cũng tranh thủ sắm thiết bị làm lạnh để chuyển thành DN.
Gần đây, nhiều thương lái Trung Quốc (TQ) xuống tận Cà Mau kết hợp với các vựa để thu mua tôm. Họ đưa ra giá cao để tranh mua tôm, sau đó bơm tạp chất vào để tăng trọng lượng lên đến 20%. Chẳng hạn, tôm loại 20 con/kg với giá 140.000 đồng/kg, bơm tạp chất vào bán được 234.000 đồng (lãi đến 94.000 đồng). Những người này bán hàng sang TQ với giá rẻ hơn đến 34.000 đồng/kg so với hàng của các DN làm ăn chân chính.
Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Thuận Phước (Đà Nẵng), cho biết giá tôm thẻ chân trắng cách đây 2 tuần chỉ có 38.000 đồng- 40.000 đồng/kg, nay đã tăng lên 45.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do nhiều thương lái TQ tổ chức thu mua tôm với giá cao khắp các tỉnh miền Trung.
Theo các DN chế biến tôm, hiện nay, họ phải thu mua tôm nguyên liệu trong nước với giá cao, kể cả nhập khẩu tôm nguyên liệu để duy trì sản xuất với mức độ cầm chừng. Nếu làm ra hàng nhiều sẽ lỗ nặng, do phải cạnh tranh trong và ngoài nước.
Theo Ủy ban Tôm, tình trạng khan hiếm tôm nguyên liệu từ nay đến cuối năm là khó tránh khỏi. Các vùng có diện tích nuôi tôm lớn như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau cho đến nay vẫn chưa chịu xuống giống đồng loạt, diện tích nuôi bị thu hẹp. Chẳng hạn, tại Bạc Liêu có 10.000 ha nuôi tôm, nhưng hiện chỉ mới có 2.000 ha là có tôm trong ao. Sóc Trăng hiện cũng chỉ có 1.000 ha/5.000 ha là có thả tôm giống, Cà Mau cũng tương tự. Nguyên nhân giảm diện tích chăn nuôi là do thời tiết không thuận lợi, nguồn nước bị ô nhiễm và dịch bệnh. Con giống kém chất lượng dẫn đến tỉ lệ tôm chết cao, có vùng lên đến gần 100%. Người nuôi lỗ nặng, nên họ không dám đầu tư nuôi trở lại.
Nuôi cá cả năm mới đủ trọng lượng
Xuất khẩu thủy sản giảm 9,4% Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN, 5 tháng đầu năm, VN xuất khẩu gần 400.000 tấn thủy sản, trị giá hơn 1,3 tỉ USD (giảm 5,6% về lượng và giảm 9,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái). Xuất khẩu còn 138 thị trường, giảm 21 thị trường. Cá tra, basa giảm 4,1% về giá trị xuất khẩu. Tôm xuất khẩu trên 53.000 tấn, giảm 7,3%. |
Ông Ngô Phước Hậu, Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt, cho biết giá đầu vào cho chế biến thủy sản tăng cao từ 25%- 50% nên nhiều DN gặp khó khăn. Người nuôi cá bị “sốc” trong năm 2008, giá rẻ lỗ nặng nên năm nay họ không dám nuôi trở lại. Theo đánh giá số lượng “treo” ao trong dân từ 40%- 50%, sản lượng giảm trên 30%, khả năng dẫn đến thiếu nguyên liệu là khó tránh khỏi.
Người nuôi ngao ngán trước nạn thức ăn kém chất lượng, trước đây nuôi 7 tháng là đủ trọng lượng để bán, nhưng nay phải nuôi đến 12 tháng cũng chưa đủ. Ông Lê Việt Tiến, Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức, cho biết cho dù thiếu nguyên liệu nhưng giá cá tra, basa lại đang giảm, hiện chỉ còn 14.000 đồng/kg. Với giá này, người nuôi lỗ ít nhất 1.000 đồng/kg, trong khi giá thức ăn chỉ một tháng gần đây đã điều chỉnh tăng 5 lần. Chưa hết, nhiều DN chế biến xuất khẩu thủy sản cũng đã tự tổ chức nuôi cá để làm nguyên liệu.
Ông Ngô Phước Hậu cho biết thêm giá cá tra, basa giảm còn do tình trạng làm ăn gian dối trộn phi lê kém phẩm chất để làm hàng xuất khẩu. Cá bị bơm nước để làm tăng trọng lượng, thu mua cá phế phẩm, cá ngộp, cá chết để làm phi lê xuất khẩu với giá bán rẻ, dẫn đến cạnh tranh nhau chào giá thấp khi xuất bán ra nước ngoài. Giá cá tra, basa liên tục giảm ở nước ngoài, buộc các DN thu mua cá trong nước phải giảm theo.
Theo ông Dương Tấn Lộc, Chủ tịch Hội Thủy sản Cần Thơ, việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng thủy sản đang có vấn đề. Hàng kém chất lượng vẫn lọt lưới xuất ra nước ngoài làm mất uy tín cũng như bán giá thấp gây bất lợi cho người nuôi.