Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ba vấn đề đặt ra để tiêu thụ cá tra, cá ba sa
26 | 03 | 2009
Dự báo tình hình kinh tế thế giới năm 2009 rất ảm đạm, suy thoái kinh tế kéo theo đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, xu hướng tiết kiệm chi tiêu đang là lựa chọn tối ưu của người dân các nước.

Khủng hoảng kinh tế tài chính  khiến các nhà nhập khẩu cá tra, cá ba sa trên thế giới cũng rơi vào tình trạng khó khăn về năng lực tài chính... Tất cả những điều này ảnh hưởng việc xuất khẩu sản phẩm cá tra Việt Nam. Vấn đề đặt ra là người nuôi cá tra phải tự cứu mình bằng cách hạch toán chặt chẽ chi phí sản xuất, nhằm hạ giá thành con cá tra nguyên liệu đến mức thấp nhất và nâng cao chất lượng sản phẩm để hạn chế những rủi ro về giá và   khả năng tiêu thụ.


Do đó, ba vấn đề đặt ra để tiêu   thụ cá tra, cá ba sa là: Hạch toán giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.


Một là, việc hạch toán chi phí sản xuất cá tra nguyên liệu năm 2009 có nhiều thuận lợi: Ðó là giá nguyên liệu đầu vào nuôi cá hiện nay giảm mạnh như thức ăn, thuốc trị bệnh và những chi phí khác... nhất là lãi suất ngân hàng giảm... nên giá thành nuôi hiện nay chỉ từ 12.400 đến 12.600 đồng/kg cá tra nguyên liệu, giảm từ 3.400 đến 3.600 đồng/kg so năm 2008.    Công ty TNHH An  Xuyên (An Giang) phối hợp nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản cung  cấp thức ăn thủy sản cho nông dân nuôi, khi thu hoạch bán cá xong, Công ty An Xuyên đứng ra thu hồi tiền thức ăn cho nhà máy, cách này giúp công ty chủ động và kiểm soát nguồn nguyên liệu.


Hiện nay, cả nước xuất khẩu sản phẩm cá tra sang 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ðầu năm 2009, có thêm nhiều thị trường mới và tiềm năng cho cá tra, cá ba sa Việt Nam như thị trường Ðông Âu, Nam Mỹ và một số thị trường châu Á... Thêm vào đó là nhiều tín hiệu vui từ các thị trường Anh, Cô-lôm-bi-a, sau khi Bộ Y tế Tây  Ban Nha khẳng định, sản phẩm cá tra, cá ba sa Việt Nam đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm của EU, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cá tra, cá ba sa Việt Nam tại EU tăng nhanh. Tây Ban Nha được đánh giá là thị trường có sức tiêu thụ cá tra rất lớn. Hiện Ai Cập cũng được xem là thị trường bán lẻ mới đầy tiềm năng cho mặt hàng cá tra Việt Nam. Cho nên, các chuyên gia FAO gọi 2009 là "năm của cơ hội" cho mặt hàng cá  tra Việt Nam.


Hai là, để nâng cao hiệu quả và chất lượng cá tra nguyên liệu, các nhà chăn nuôi phải vận hành việc chăn nuôi theo đúng quy trình nuôi cá sạch, nguyên nhân gây chất lượng cá nguyên liệu kém là do việc sử dụng nguyên liệu đầu vào tùy tiện, mua hàng trôi nổi, nhất là thuốc thủy sản (cuối năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định về quản lý chất Medanime trong nuôi trồng thủy sản). Yếu tố môi trường nước chăn nuôi bị ô nhiễm cũng làm cho cá nguyên liệu kém chất lượng, người chăn nuôi phải cẩn trọng nguồn  nước nuôi cá tra xuất khẩu. Nguồn con giống bố mẹ thiếu chọn lọc và ý thức kém về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng ảnh hưởng lớn làm cho cá nguyên liệu chất lượng kém.  Từ năm 2008, Hiệp hội nuôi và chế biến xuất khẩu thủy sản An Giang đã mở 36 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi theo quy trình SQF 1000 CM và SQF 2000 CM cho người nuôi cá tra nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu, cán bộ kỹ thuật chế biến cá tra xuất khẩu và cán bộ kỹ thuật các trại chăn nuôi và sản xuất con giống.  Ðầu năm 2009, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang phối hợp Trung tâm giống  thủy sản triển khai nhân rộng mô hình sản xuất giống và nuôi cá tra thương phẩm theo hướng GLOBAL GAT. Hầu hết 18 nhà máy chế biến xuất khẩu cá tra An Giang đều đạt các tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh   an toàn thực phẩm quốc tế và các nước nhập khẩu.


Ba là, cá tra nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu hết khủng hoảng thừa đến khủng hoảng thiếu. Tình trạng luẩn quẩn này cứ lặp đi lặp lại nhiều năm nay, mấu chốt của vấn đề là mối liên kết giữa người nuôi, vùng nuôi, sản lượng nuôi với doanh nghiệp chế biến, năng lực chế biến chưa chặt chẽ. Do phát triển tự phát không theo quy hoạch, khi giá cá tăng, người dân đổ xô nuôi cá ồ ạt, bất chấp cảnh báo về một cuộc khủng hoảng thừa, chưa tính tới nuôi rồi bán ở đâu, bán cho ai? Ðến cuối vụ phải bán đổ bán tháo, cá nguyên liệu khủng hoảng thừa, cá nuôi khó tiêu thụ, giá bán thấp hơn giá thành nuôi từ 2.500 đến 3.600 đồng/kg, người nuôi lỗ nặng, dẫn đến 40% số ao nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long "treo ao", riêng An Giang là tỉnh có sản lượng cá tra nuôi chiếm từ 34 đến 36% sản lượng cá nuôi toàn vùng, có 60% số ao bị "treo" trong vụ nuôi mới. Sau Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009, cá tra nguyên liệu càng thiếu nhiều hơn, tình trạng này có thể kéo dài ít nhất đến cuối quý II-2009. Người nuôi "treo ao" kéo theo nhà máy chế biến "treo máy". Riêng ở An Giang, hầu hết các nhà máy hoạt động cầm chừng, do thiếu  nguyên liệu, phải cho công nhân nghỉ làm việc không thời hạn vì không có việc làm.


Thời gian qua, việc liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến có nhưng còn lỏng lẻo, hình thức. Hơn bao giờ hết, để bảo đảm con cá tra phát triển nhanh và bền vững, thì người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cần "liên kết" bằng các hợp đồng kinh tế chặt chẽ trên cơ sở pháp lý, ràng buộc trách nhiệm đôi bên, bảo đảm người nuôi luôn bán được sản phẩm, doanh nghiệp không còn đối diện với nỗi lo thiếu cá nguyên liệu. Ðiều này đòi hỏi các cấp quản lý, doanh nghiệp giải bài toán hợp đồng trách nhiệm. Tình trạng bất cập vừa qua đã gây ảnh hưởng xấu cho xuất khẩu, ngay lúc này, người nuôi cá cần những hợp đồng đầu tư ký kết thu mua cá nguyên liệu và doanh nghiệp nhận về những cam kết về chất lượng nguyên liệu.


THỰC tế đã có một số mô hình liên kết đem lại hiệu quả thiết thực, điển hình như mô hình liên kết của Hợp tác xã Thới An (Ô Môn - Cần Thơ) với Công ty Hùng Vương theo nguyên tắc: Nông dân lo con giống và nuôi cá, doanh nghiệp cung cấp thức ăn cho cá tận ao nuôi và thường xuyên kiểm tra kỹ thuật, mỗi kg cá thu hoạch nông dân được hưởng 2.500 đồng, ngay trong vụ đầu đã đem lại kết quả tốt, giữa lúc khó khăn với con cá tra thì hợp tác xã vẫn thu lợi nhuận ổn định 1,5 tỷ đồng/1.000 tấn cá. Nuôi cá theo hợp đồng, cả người nuôi và doanh nghiệp chế biến không phải đối diện với nỗi lo thừa thiếu, mô hình hiệu quả này cần nhân rộng. Tại An Giang, từ năm 2005, Công ty Agifish chủ động thành lập liên hợp sản xuất cá sạch APPU, các hộ nuôi cam kết cung cấp cho công ty cá "sạch" thông qua hợp đồng, có 32 "đại gia" nuôi cá tham gia, đáp ứng 70% sản lượng cá nguyên liệu chế biến xuất khẩu.



Nguồn: www.nhandan.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường