Nguồn cung
Tại Mỹ, do các vấn đề về quy định nên hiện chỉ còn 1 nhà máy chế biến cua còn sót lại tại Alaska, và không thể chế biến hơn 30% tổng sản lượng cua khai thác, nên một lượng lớn cua sẽ không được chế biến, trừ khi các nhà làm luật thay đổi quy định. Ngành cua California vẫn đóng cửa hoạt động do hàm lượng acid domoic cao trong cua được đánh bắt. Các nhà đánh bắt cua tại California hiện đang thúc đẩy sửa đổi các quy định để họ có thể quay lại hoạt động.
Cơ quan thủy sản Liên bang Nga (Rosrybolovstvo) vừa phê duyệt mức hạn ngạch 41.500 tấn cua tuyết được đánh bắt tại vùng Viễn Đông Nga trong năm 2016, tăng nhẹ so với hạn ngạch năm 2015 là 39.500 tấn. Đồng thời, các nhà chức trách Nga cũng đang thúc đẩy thị trường nội địa cho mặt hàng cua tuyết. Hiện hầu hết cua tuyết của Nga được dùng để xuất khẩu.
Trong những năm gần đây, cua tuyết trở thành một mục tiêu được ưa chuộng của các ngư dân Na Uy. Tại Diễn đàn thủy sản Bắc Đại Tây Dương (NASF) tổ chức vào tháng 3 vừa qua tại Bergen, Na Uy, ước tính sản lượng cua tuyết của Na Uy có thể tăng nhanh từ 200 tấn năm 2013 lên 9,800 tấn năm 2015 và có thể lên tới 50.000 – 75.000 tấn trong vòng 10 năm tới. Các khoản đầu tư mới là cần thiết, nhất là để giúp các tàu đánh bắt cập cảng với cua còn sống cho chế biến tại đất liền.
Thương mại quốc tế
Nhìn chung, thương mại quốc tế mặt hàng cua giảm 8,6% trong năm 2015 so với năm 2014. Hầu hết các nhà xuất khẩu đều ghi nhận giảm xuất khẩu tới các thị trường, trừ Mỹ, khi thị trường này tăng nhẹ 3,2%, và Hàn Quốc tăng mạnh nhập khẩu 28,4%. Xuất khẩu của của Đài Loan giảm mạnh từ 63.100 tấn năm 2015 xuống chỉ còn 39.500 tấn năm 2016, tương ứng mức giảm 37,4%.
Năm 2015, nhập khẩu tôm của Nhật Bản giảm đến 20% so với năm 2014, giảm từ 44.200 tấn xuống còn 35.500 tấn. Xuất khẩu cua của Nga sang Nhật Bản giảm đến 45%, trong khi xuất khẩu của Mỹ tăng 35,4% trong năm 2015. Nhập khẩu cua của Mỹ tăng nhẹ, với ít biến động từ phía các nhà cung cấp. Xuất khẩu cua từ Nga giảm 1,9% trong khi xuất khẩu cua của Trung Quốc ổn định.
Nhập khẩu của của Mỹ từ châu Á tăng ổn định trong 3 năm qua. Xuất khẩu cua của Trung Quốc và Indonesia tăng mạnh, dẫn đến dư cung trên thị trường và giá giảm.
Giá
Giá cua tuyết tăng trở lại trong thời gian gần đây mặc dù được cho là đã đạt đỉnh tại một số thị trường, bất chấp hạn ngạch cua tuyết giảm tại Alaska. Các động thái giảm đánh bắt trái phép của Nga gần đây khiến nguồn cung giảm, góp phần làm tăng giá.
Giá tăng ảnh hưởng lớn tới Nhật Bản do nhu cầu cua của nước này lớn. Kết quả là những người mua Nhật Bản đang cố gắng đảm bảo nguồn cung từ cả Alaska và Canada để thay thế nguồn cung giảm từ Nga.
Triển vọng
Các chiến dịch chống lại khai thác cua trái phép tại Nga dẫn đến sụt giảm nguồn cung, cộng với hạn ngạch đánh bắt cua tuyết của Alaska giảm, khiến nguồn cung trên thị trường giảm.
Do đó, các nhà phân tích dự báo giá cua sẽ tăng nhưng rõ ràng sẽ biến động tùy thị trường. Giá được dự đoán tăng tại Nhật, trong khi có thể sẽ ổn định hoặc thậm chí giảm tại Mỹ.
Hạn ngạch đánh bắt cua đỏ tại biển Barents sẽ tăng, nhưng chỉ tăng tương đối nhẹ, sẽ có ít tác động lên giá. Hơn nữa, cua vùng biển này không chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường Mỹ.
Theo Globefish