Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu tôm Việt Nam tăng
05 | 07 | 2016
Trong 5 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,1 tỷ USD nhờ tăng nhu cầu tại các thị trường chính do cung – cầu ổn định và tồn kho thấp, theo VASEP.

VASEP cũng cho biết xuất khẩu tăng bất chấp doanh số một số loại giảm nhẹ trong tháng 5, mang về 241,8 triệu USD.

Xuất khẩu sang Trung Quốc và Hong Kong tăng mạnh nhất, đạt 34,3%, theo sau là Mỹ với 17,4%. Ngược lại, xuất khẩu sang Nhật Bản, Úc, Canada, ASEAN, Đài Loan và Thụy Sỹ giảm.

Tôm thẻ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu xuất khẩu tôm là 57,8%, theo sau là tôm sú với 33,7% và tôm biển chiếm 8,5%. So với 5 tháng đầu năm 2015, tỷ trọng của tôm thẻ chân trắng và tôm sú tăng trong khi tỷ trọng tôm biển giảm.

Trong tổng các sản phẩm tôm xuất khẩu, xuất khẩu tôm sú chế biến tăng trưởng cao nhất, đạt 32% trong khi xuất khẩu tôm đóng hộp giảm mạnh 54%.

Trong số các thị trường nhập khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam, Mỹ chiếm thị phần cao nhất, đạt 22,6% trong tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. EU đứng thứ hai với 18,9%, theo sau là Nhật Bản và Trung Quốc, chiếm lần lượt 17% và 16,6%.

Trong 5 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 249,3 triệu USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ chủ yếu nhập khẩu tôm bóc vỏ đông lạnh. Trong 4 tháng đầu năm 2016, nhập khẩu tôm bóc vỏ đông lạnh của Mỹ đạt 72.881 tấn, trị giá 669,7 triệu USD, tăng 13% về lượng nhưng giảm 2% về giá trị. Trong số 5 nhà cung cấp tôm hàng đầu cho thị trường Mỹ trong 4 tháng đầu năm 2016, nhập khẩu tôm từ Việt Nam tăng 13% về lượng và tương đương về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Mỹ giảm nhập khẩu tôm từ Ecuador và tăng nhập khẩu từ Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan do các nhà cung cấp này có thể đáp ứng nhu cầu các sản phẩm tôm để nướng với giá hợp lý.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU chạm mức 208,4 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2016, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2015. Trong số các thị trường thành viên EU, Đức là thị trường nhập khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam, theo sau là Anh và Hà Lan. Xuất khẩu tôm sang 3 thị trường này tăng lần lượt 4,3%; 21,6% và 9,4% trong cùng kỳ so sánh. Anh là thị trường tăng trưởng mạnh nhất khối EU.

Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng mạnh nhất trong số các thị trường xuất khẩu tôm, đạt 34,3%, trị giá 182,3 triệu USD. Do sản xuất tôm nội địa giảm trong khi tiêu dùng nội địa tăng, Trung Quốc đang tích cực nhập khẩu tôm từ Ecuador và một số nhà sản xuất tại châu Á.

Các yếu tố cung – cầu đang thuận lợi cho xuất khẩu tôm Việt Nam. Xuất khẩu tôm Việt Nam trong quý 2/2016 dự đoán đạt 780 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo www.fis.com



P.K.Dung - biên dịch
Báo cáo phân tích thị trường