Ông Nguyễn Anh Hùng, Trạm trưởng Trạm KN-KN huyện Quỳnh Lưu phấn khởi cho biết: Quỳnh Lưu có 3 cửa lạch thông ra biển, đây là lợi thế có thể cung cấp nguồn nước biển dồi dào cho cả vùng nuôi trồng thuỷ hải sản mặn, lợ rộng lớn của huyện. Để đa dạng hoá nguồn cung cho thị trường, Quỳnh Lưu mạnh dạn du nhập một số đối tượng nuôi có giá trị kinh tế từ nơi khác về nhằm biến nghề nuôi trồng thuỷ sản thành một ngành kinh tế mũi nhọn mang lại lợi ích kinh tế cao và bền vững cho địa phương.
Tuy nhiên, cho đến nay ngoài nuôi tôm sú, cá vược và tôm thẻ chân trắng, nghề nuôi cua vẫn chưa được quan tâm đúng mức nên nuôi cua chủ yếu theo hình thức quảng canh, hiệu quả kinh tế thấp. Bởi thế, khi biết Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tổ chức triển khai mô hình nuôi cua xanh thương phẩm mật độ cao khiến lãnh đạo huyện rất ủng hộ. Thế nhưng, khi chọn địa điểm và vận động người dân làm mô hình thì nhiều người vẫn lắc đầu. Họ không mấy tin tưởng vào hiệu quả kinh tế của việc nuôi cua.
Bởi thế, để mô hình thành công, quan điểm của địa phương là phải chọn hộ nông dân nhiệt tình, kinh nghiệm, có năng lực tài chính, dám nghĩ, dám làm. Kết quả chọn hộ ông Hồ Trường Sơn, trú tại xóm 2, xã Quỳnh Lương để triển khai mô hình với quy mô 5.000 m2 (0,5 ha). Trong quá trình làm mô hình thí điểm, Trạm KN-KN huyện đã tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi cua thương phẩm cho chủ hộ và các hộ nuôi cua trong vùng. Điều đáng mừng là kết quả cuối vụ năng suất cua tại đầm cua của ông Sơn đã đạt trên 1 tấn cua thịt (2 tấn/ha). Với giá bán tại đầm như hiện nay, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao…
Ông Hồ Trường Sơn cho biết: "Nhà tôi có 8,6 ha ao đầm tại khu vực nuôi trồng thuỷ sản của xã Quỳnh Lương. Vụ xuân 2011, do thiếu giống nên tôi mới thả được 2 ha tôm thẻ chân trắng, 1 ha cá vược và làm thêm 0,5 ha mô hình nuôi cua xanh thương phẩm… Cho đến nay, tôm thẻ chân trắng và cá vược chưa đến kỳ thu hoạch nên chưa đánh giá được nuôi loại nào có hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, mô hình cua xanh thương phẩm đã bắt đầu thu hoạch rải được gần 1 tháng nay. So với nuôi tôm thẻ thì nuôi cua xanh ít tốn kém và đỡ vất vả hơn".
Ngày 6/1, ông Sơn bắt đầu thả 5.000 con cua giống xuống đầm (mật độ 1 con/m2). Thức ăn cho cua 100% là cá tạp được đánh bắt từ ngoài biển về. Tháng đầu cho cua ăn 2 lần/ngày vào lúc sáng sớm và chiều mát (lượng thức ăn hàng ngày bằng 6 đến 10% khối lượng cua nuôi trong ao). Tháng thứ 2 lượng thức ăn bằng 4 - 6% trọng lượng cua trong ao nên mỗi ngày chỉ cho cua ăn 1 lần vào khoảng 18 đến 20 giờ. Sau mỗi ngày phải kiểm tra sàng thức ăn để tăng hay giảm lượng thức ăn cho thích hợp. Trong quá trình nuôi cua, điều quan trọng là người nuôi phải luôn khống chế được mức nước trong đầm từ 1,2 đến 1,3 mét, độ pH từ 7 - 8,5 và độ mặn từ 20 đến 25 phần ngàn cho cua sinh trưởng và phát triển tốt.
Theo kinh nghiệm của ông Sơn thì tháng đầu chưa cần phải thay nước nhưng sang tháng thứ 2 thì phải thay nước theo biên độ lên xuống của thuỷ triều. Theo đó khi thuỷ triều xuống thì xả khối lượng nước đáy trong đầm từ 40 đến 60%, thuỷ triều lên lại lấy nước vào. Mỗi con nước thay từ 6 đến 8 ngày liên tục. Bắt đầu từ tháng thứ 3 trở đi, khi cua đã lớn thì 10 ngày phải thay nước 1 lần để đảm bảo cho môi trường nước trong đầm luôn sạch nhằm tạo điều kiện cho cua hoạt động và lột xác tốt. Phải kiểm tra thường xuyên để cua không bò lên bờ tìm cách thoát ra ngoài. Cứ 15 ngày thì phải bắt cua lên kiểm tra sức khỏe và tốc độ tăng trưởng để xử lý khi có tình huống xấu xẩy ra…
Ông Hồ Trường Sơn cho biết thêm: Nguồn cua giống ông nuôi tại mô hình được mua gom của người dân đánh bắt được từ tự nhiên tại các cửa lạch trong huyện với giá bình quân 10.000 đồng/con. Do đó, lượng cua giống thả xuống đầm không đồng đều nên đến vụ thu hoạch không thể xuất bán được cùng một lúc mà phải đánh tỉa, bán dần cho khách khi cua đạt trọng lượng 3 con/kg. Bù lại do cua được đánh bắt từ tự nhiên nên tỷ lệ cua sống đạt ít nhất 60% (cua giống mua của Trại giống Cam Ranh chỉ sống được từ 20 đến 30%).
Tại mô hình của ông Sơn, cho đến khi chuẩn bị thu hoạch tỷ lệ cua sống đạt trên 60%. Theo tạm tính của ông Sơn thì sau 5 - 6 tháng nuôi trọng lương cua đạt 3 con/kg nên lượng cua trưởng thành hiện còn trên 3.000 con (khoảng 1 tấn cua thương phẩm). Theo giá bán 250.000 đồng/kg thì mô hình này cho thu hoạch khoảng 250 triệu đồng. Trừ các chi phí về giống, thức ăn và nhân công, 0,5 ha nuôi cua thu lãi 150 triệu đồng.
Ông Sơn cho rằng: Nuôi cua tuy ít rủi ro hơn nuôi tôm nhưng thỉnh thoảng cua cũng bị nhiễm nấm. Hễ con nào bị nấm là lập tức trong mang sẽ bị thâm đen sau đó sẽ chết vì không có thuốc chữa trị. Cũng may là dù trong đầm xuất hiện một số con bị nấm nhưng số cua còn lại không bị lây bệnh gây chết hàng loạt như bệnh đốm trắng ở con tôm nên không làm người nuôi cua trắng tay.
Theo báo Nông Nghiệp VN