Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi ở vùng Tây Bắc
23 | 06 | 2011
Đất dành cho chăn nuôi gồm đất xây dựng chuồng trại, đất trồng các loại cây thức ăn cho gia súc, đặc biệt là trồng cỏ; thời gian sử dụng đất cho chăn nuôi tối thiểu 20-30 năm.
Sáng 23/6, tại Hòa Bình, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã tổ chức hội nghị đánh giá việc chuyển giao, ứng dụng khoa học-công nghệ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, thủy sản vùng Tây Bắc.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nêu rõ Chính phủ sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ đối với người chăn nuôi, đặc biệt chăn nuôi nông hộ phù hợp với quy định của WTO; chỉ đạo phát triển chăn nuôi phù hợp với hội nhập kinh tế khu vực và nhu cầu trong nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trong vùng tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, trong đó đặc biệt chú ý đến công tác giống, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Các địa phương cần liên hệ chặt chẽ với các viện, trung tâm khuyến nông để làm tốt công tác này; đồng thời quy hoạch chi tiết vùng chăn nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội đối với từng giống vật nuôi, từng vùng cụ thể nhằm phát huy tối đa lợi thế so sánh của địa phương về điều kiện tự nhiên, giống vật nuôi bản địa, nguồn thức ăn sẵn có…

Đất dành cho chăn nuôi gồm đất xây dựng chuồng trại, đất trồng các loại cây thức ăn cho gia súc, đặc biệt là trồng cỏ; thời giansử dụng đất cho chăn nuôi tối thiểu phải được 20-30 năm. Chú trọng thiết lập hệ thống dịch vụ chăn nuôi, thú y, hệ thống tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ duy trì và tổ chức mới các chợ đầu mối, buôn bán giống gia súc, gia cầm.

Thực hiện Chương trình xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nông thôn miền núi giai đoạn 2004-2010 theo Quyết định 122/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong 6 năm qua, Trung ương đã hỗ trợ 78 dự án cho vùng Tây Bắc với kinh phí 198 tỷ đồng.

Các tỉnh trong vùng đã triển khai 518 đề tài, dự án khoa học công nghệ cho phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Nhiều dự án mang lại hiệu quả cao như dự án phát triển cây cải dầu tại Đồng Văn (Hà Giang), dự án chăn nuôi siêu nạc theo phương thức công nghiệp tại Yên Bái… Các chương trình khuyến nông hỗ trợ cải tạo đàn bò, nuôi vỗ béo bò thịt, bò sữa, dê… đạt hiệu quả thiết thực. Việc lai giống bò vàng ViệtNam với bò đực các giống Zebu góp phần tăng tỷ lệ xẻ thịt từ 40% lên 48%. Tỷ lệ đàn bò lai ở Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La tăng mạnh.

Tuy nhiên, so với tiềm năng và yêu cầu, hoạt động chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ và công tác khuyến nông vùng Tây Bắc vẫn còn nhiều hạn chế. Mạng lưới các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao quá mỏng; còn tới 37% số xã chưa có khuyến nông viên. Năng lực đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và khuyến nông viên còn thấp, cơ sở vật chất nghèo nàn. Nhiều đề tài, dự án nghiên cứu chưa tiếp cận được điều kiện đặc thù ở các tiểu vùng… Thực tế đó đang là bất cập lớn so với điều kiện địa bàn rộng, chia cắt, yêu cầu cấp thiết về cải tiến kỹ thuật, đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp vùng Tây Bắc.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các tỉnh miền núi phía Bắc có tiềm năng lớn để phát triển chăn nuôi, mục tiêu là chuyển dần tập quán chăn nuôi trâu, bò thả rông sang chăn nuôi có kiểm soát giai đoạn 2011-2020, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại và nuôi ong. Giải pháp đưa ra là xây dựng chính sách khuyến khích để các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các cơ sở nhân giống, cung cấp giống thương phẩm cho nhu cầu của vùng, miền. Quy hoạch tạo vùng đất ưu tiên để phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại lâu dài, an toàn, bền vững, hiệu quả cao và có khả năng cạnh tranh. Chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi cho các trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ đảm bảo an toàn dịch bệnh./.
Theo Nhan Sinh
TTXVN/Vietnam+


Báo cáo phân tích thị trường