Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Các tỉnh Tây Nguyên từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành kinh tế hàng hoá
10 | 08 | 2007
Phát huy thế mạnh của khu vực có lợi thế về điều kiện tự nhiên, đồng cỏ, nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc phong phú, trong vài năm trở lại đây, nhất là từ năm 2001 đến nay
ngành chăn nuôi của các tỉnh Tây Nguyên đã có những bước phát triển mới, nâng dần tỷ trọng trong sản xuất nông nghiệp (tỷ trọng ngành chăn nuôi trong nông nghiệp đã chiếm 10,7%, còn thấp nhiều so với cả nước). Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đã có tổng đàn bò trên 747.900 con, tăng 21,21% so cùng kỳ này năm ngoái và cao hơn so với tăng trưởng chung toàn quốc là 17,5%, đàn trâu 79.025 con, tăng gần 10%, tổng đàn dê, cừu 116.100 con, tăng 81,8% so cùng kỳ năm ngoái. Các tỉnh Tây Nguyên hiện cũng có tổng đàn lợn gần 1,4 triệu con, 7,8 triệu con gia cầm và 272.194 đàn ong (chiếm 40,08% tổng đàn, và 64,5% sản lượng mật của cả nước).

* Chuyển từ "tự cung, tự cấp" sang chăn nuôi hàng hóa

Các tỉnh Tây Nguyên đã có sự chuyển biến tích cực về tổ chức sản xuất trong chăn nuôi, từ phân tán, nhỏ lẻ, ít đầu tư, thậm chí có vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa "tự cung, tự cấp" sang chăn nuôi tập trung ở qui mô trang trại, hoặc đồng bào dân tộc đã làm chuồng trại để chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm... xuất bán ra thị trường. Cơ cấu giống cũng đã có sự chuyển đổi từ những giống địa phương, giống truyền thống sang chăn nuôi bằng các giống mới ngoại nhập, giống lai cho năng suất, chất lượng thịt cao. Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đã phát triển hàng ngàn trang trại chăn nuôi bò, trâu, lợn, dê với qui mô mỗi trang trại từ 100 con trở lên, trong đó, riêng bò có 919 trang trại. Tỉnh Đắc Lắc có 300 trang trại chăn nuôi bò và hàng ngàn gia trại chăn nuôi lợn, gà, vịt..., nhiều doanh nghiệp cà phê, lâm nghiệp cũng đầu tư phát triển nuôi bò thịt và đã trở thành một trong những ngành nghề kinh doanh có hiệu quả của các đơn vị. Hàng ngàn hộ gia đình đồng bào dân tộc Êđê, M'nông, J'rai ở vùng sâu, vùng xa thoát nghèo làm giàu từ chăn nuôi bò, lợn, dê.

Các tỉnh Tây Nguyên trước đây hàng năm phải nhập lợn thịt, lợn giống..., thế nhưng, trong vài năm trở lại đây không những đảm bảo nhu cầu tiêu dùng cho người dân tại địa phương, mà mỗi năm, ngành chăn nuôi các tỉnh trong khu vực còn cung ứng cho thị trường các tỉnh duyên hải miền Trung, thành phố Hồ Chí Minh hàng chục ngàn tấn thịt hơi. Riêng tỉnh Đắc Lắc, mỗi năm xuất bán cho các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh từ 30.000 tấn thịt lợn, bò, trâu, dê hơi.

Hệ thống tổ chức ngành chăn nuôi, thú y tại khu vực Tây Nguyên cũng đã được tăng cường mở rộng và ngày càng được củng cố, các loại dịch bệnh nguy hiểm từng bước được khống chế. Ngay từ đầu năm 2007, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của các tỉnh Tây Nguyên đã cùng với các cơ quan, ban ngành liên quan thực hiện tốt các công tác kiểm tra, giám sát và chỉ đạo phòng chống trước và sau mùa dịch, đảm bảo tiêm phòng đúng qui trình, tiến độ, vệ sinh tiêu độc chuồng trại, khu vực chăn nuôi, vận động đồng bào các dân tộc chăn nuôi thực hiện các hướng dẫn của cơ quan chức năng về phòng chống dịch cúm gia cầm, dịch lở mồn long móng... Tại tỉnh Lâm Đồng, có 12/12 huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng, tụ huyết trùng cho trâu, bò, dê, dịch tả lợn. Đến cuối tháng 5-2007, tỉnh đã hoàn thành tiêm phòng mũi 1, đợt 1 vắc xin cúm gia cầm H5N1 trên phạm vi toàn tỉnh. Hiện đang tiêm phòng mũi 2 đợt 1 và tiêm bổ sung cho đàn vịt nuôi mới. Tỉnh Gia Lai đến nay đã cơ bản hoàn thành kế hoạch tiêm phòng đợt 1 cho gia cầm (mũi 1 và mũi 2). Nhờ vậy, tại các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên từ đầu năm đến nay không xảy ra dịch lở mồm long móng, cúm gia cầm nghiêm trọng, chưa xảy ra dịch tai xanh ở lợn.

Công tác phát triển chăn nuôi đã mang lại những kết quả nhất định góp phần thúc đẩy nền kinh tế của các tỉnh Tây Nguyên, các thành phần kinh tế khác cùng phát triển, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho xã hội, tăng tích luỹ ngân sách, giúp cho một bộ phận đồng bào các dân tộc xoá đói giảm nghèo, đồng thời, tạo ra những tiền đề tốt hơn để phát triển chăn nuôi trong những năm kế tiếp.

* Đẩy mạnh chương trình cải tạo đàn bò

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chăn nuôi các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn nhiều tồn tại như chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, quảng canh chiếm tỷ lệ cao, năng suất chăn nuôi còn thấp, như khối lượng gia cầm giết thịt của các tỉnh Tây Nguyên trung bình là 1,52 kg/con (so với trung bình cả nước là 1,6 kg/con), khối lượng lợn giết thịt là 58,9 kg/con, trung bình cả nước là 63,7 kg/con... Ngoại trừ giống bò sữa của tỉnh Lâm Đồng, phần lớn hệ thống sản xuất, cung ứng giống vật nuôi của các tỉnh trong vùng đều kém phát triển, giống lai, giống năng suất cao chiếm tỷ lệ thấp, đàn bò lai Zêbu các tỉnh Tây Nguyên chiếm tỷ lệ thấp nhất so với các khu vực trong cả nước (bò lai của các tỉnh Tây Nguyên chỉ chiếm 15,5% tổng đàn so với bình quân của cả nước là 25,6%).

Cũng theo Cục Chăn nuôi, trong những năm tới, các tỉnh Tây Nguyên xây dựng ngành chăn nuôi trở thành ngành kinh tế hàng hoá đáp ứng nhu cầu trong từng tỉnh, đồng thời xuất bán cho các tỉnh, thành, xuất khẩu sang các nước. Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung kết hợp chặt chẽ với bảo vệ môi trường sinh thái, các vấn đề xã hội khác, giảm sự chênh lệch giữa các vùng. Các tỉnh Tây Nguyên cũng đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình trọng điểm, trong đó, tập trung chỉ đạo chương trình cải tạo đàn bò, chủ yếu là thực hiện đại trà đàn bò lai, trồng cỏ, cây thức ăn cho chăn nuôi, chương trình giống vật nuôi, quy hoạch và xây dựng các chính sách phát triển chăn nuôi tập trung, phát triển đàn đại gia súc ở những nơi có điều kiện cho phép, biến chăn nuôi đại gia súc thành một thế mạnh của vùng Tây Nguyên. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, duy trì công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm tra chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc, gia cầm, phát huy tính chủ động, sáng tạo, sẵn sàng phòng chống dịch. Các tỉnh Tây Nguyên cần có chính sách khuyến khích ưu đãi để kêu gọi đầu tư vào khu vực chăn nuôi tập trung, trang trại sản xuất hàng hoá, tăng cường khuyến nông nhằm nâng cao hiệu quả của chăn nuôi nông hộ.



Nguồn tin: TTXVN
Báo cáo phân tích thị trường