Tổ chức Phi chính phủ Oxfam của Anh vừa tiến hành khảo sát điều tra đối với 16.000 người ở 17 quốc gia, kết quả cho thấy có 2/5 trong số đó cho biết giá thực phẩm tăng cao làm thay đổi chế độ ăn uống của họ, ở các nước nghèo hơn tình trạng càng trở nên khó khăn vì giá cả đắt đỏ.
Liên Hợp Quốc tuần trước thông báo, giá thực phẩm toàn cầu đã tăng 37% trong vòng 1 năm qua.
Có hơn một nửa số người tham gia khảo sát của Oxfam cho biết họ đã ăn thức ăn khác với cách đây 2 năm, chủ yếu vì giá cả và sức khỏe.
Raymond Offenheiser, chủ tịch Oxfam Mỹ cho biết “Số lượng lớn người dân, đặc biệt ở các nước nghèo nhất thế giới, đang phải cắt giảm số lượng hoặc chất lượng thực phẩm trong bữa ăn của họ vì giá tăng cao”. Kết quả khảo sát của Oxfam được công bố rộng rãi trong ngày hôm nay 15/6.
Theo Liên Hợp Quốc, dân số thế giới dự kiến sẽ tăng lên mức 9,3 tỷ người vào năm 2050, từ ước tính 6,9 tỷ của năm 2010, và sản lượng thực phẩm cần tăng thêm 70% khi ấy. Hồi tháng 2, khi giá thực phẩm đạt kỷ lục, Ngân hàng Thế giới cũng lên tiếng, chi phí đắt đỏ đã đẩy 44 triệu người rơi vào cảnh “nghèo đói cùng cực” trong nửa năm qua.
Giá cả hay sức khỏe?
Khảo sát của Oxfram được tiến hành cả ở các quốc gia giàu có như Mỹ và Đức, các nước đang nổi như Braxin và các nước nghèo như Kenya và Ghana. Câu hỏi chung đặt ra là, chế độ ăn của họ có giống với hai năm trước đây hay không, và nếu thay đổi thì đó là lý do sức khỏe hay giá cả?
Trong số những người trả lời thực đơn đã thay đổi (khắp thế giới), có 39% nói rằng vì giá thực phẩm quá đắt đỏ, 33% nói rằng họ muốn chọn các món ăn tốt cho sức khỏe hơn. Tại Mỹ, nơi giá thực phẩm đã tăng 3,1% trong 1 năm qua, có một nửa trong số những người tham gia khảo sát cho biết họ hướng tới sức khỏe, chỉ 31% đề cập giá cả đắt đỏ. Tại Anh, 46% số người được hỏi cho biết họ chỉ điều chỉnh thói quen ăn uống, 36% cho biết thay đổi vì sức khỏe và 41% đổ lỗi cho giá cả.
Ở Tanzania, 47% những người được hỏi đã thay đổi chế độ ăn uống. Chi phí là điều quan trọng nhất khiến họ làm như vậy, chiếm 49%, chỉ 21% nói rằng họ muốn sức khỏe tốt hơn. Ở Mexico, có 65% người dân đã thay đổi chế độ ăn, 54% trong số đó nói rằng vì giá quá cao, 26% quan tâm đến sứ khỏe.
Ở Kenya có lượng người phải thay đổi chế độ ăn nhiều nhất thế giới, chiếm 75%, và 79% trong số đó cho biết vì giá quá đắt đỏ. Ở Ấn Độ, 59% những người được hỏi muốn có sức khỏe tốt hơn – là nước thay đổi ăn uống vì sức khỏe cao nhất thế giới.
Trong báo cáo tháng 5, Oxfam cho biết, giá các thực phẩm thiết yếu gồm có ngô sẽ tăng 120 – 180% vào năm 2030, chủ yếu bởi khí hậu thay đổi. Ở các nước nghèo nhất, vốn chi 80% thu nhập cho thực phẩm, sẽ khó khăn nhất.
Theo cafef