Chỉ số giá thực phẩm của UN tính toán dựa trên 55 hàng hóa thực phẩm, giảm từ mức 234,8 xuống mức 232,4 trong tháng 4. Chỉ số này đã leo lên mức kỷ lục đạt 237,7 vào tháng 2 vừa qua.
Chỉ số giá thịt của FAO nhảy vọt lên mức cao chưa từng có, do giá thịt cừu và thịt bò tăng cao; đồng thời, chi phi sản xuất thịt lợn và gia cầm cũng tăng. Theo Oxfam, giá các loại ngũ cốc chính, bao gồm ngô, sẽ tăng gấp đôi trong hai thập kỷ tới trừ khi các chính phủ có hành động kịp thời. Theo IGC, dự trữ ngũ cốc toàn cầu sẽ giảm trong năm thứ 2 liên tiếp tính đến cuối tháng 6/2012.
Kinh tế trưởng của FAO tại Rome cho biết, tình hình giá cao hiện tại sẽ không biến mất một sớm một chiều. Các yếu tố cơ bản vẫn cho thấy khả năng tiếp diễn rất cao do tình hình căng thẳng ở hầu hết tất cả các loại hàng hóa. Giá hàng hóa nông sản sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới do sự mất cân đối cung cầu, khiến các chuyên gia dự báo rằng giá thực phẩm sẽ bất ổn ở mức cao.
Theo WB, giá thực phẩm cao một cách nguy hiểm đã đẩy 44 triệu người vào cảnh nghèo đói từ tháng 6/2011. 10 triệu người khác có thể cũng sẽ lâm vào cảnh ngộ tương tự nếu chỉ số giá thực phẩm của UN tăng thêm 10% nữa. Năm 2010, theo FAO, số lượng người bị đói trên toàn cầu đã giảm xuống mức 925 triệu người, từ mức hơn 1 tỷ người vào năm 2009.
Do giá thực phẩm duy trì ở mức cao, ngay cả những nước chưa đứng trước nguy cơ lạm phát cao cũng có thể dễ bị tổn thương hơn. Ngân hàng trung ương châu Âu đã tăng lãi suất từ 7/4, cùng với nhóm nước thực hiện các biện pháp tương tự, như Trung Quốc và Thụy Điển tăng chi phí vay vốn nhằm kiểm soát lạm phát, một phần đang có nguy cơ tăng cao do giá thực phẩm.
Giá sữa giao dịch tương lai tăng 0,8% trên thị trường Chicago; giá lúa mỳ giảm 2,4% và giá ngô giảm 1,2% trong phiên giao dịch ngày 7/6. Tuy nhiên, trong vòng 1 năm qua, giá ngô đã tăng gấp đôi do triển vọng tiêu cực của mùa vụ tại Mỹ, đẩy dự trữ toàn cầu giảm; giá lúa mỳ tăng 72% do lụt lội tại Canada và Úc, hạn hán tại Nga và châu Âu; giá đậu tương tăng 49%.
Kim Dung AGROINFO
Theo Bloomberg