Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá thực phẩm toàn cầu tăng nhẹ trong tháng 2/2018
02 | 03 | 2018
Giá thực phẩm toàn cầu tăng nhẹ trong tháng 2/2018 so với tháng 1/2018, do giá các loại ngũ cốc thiết yếu và giá các sản phẩm sữa tăng mạnh hơn mức giảm giá các loại dầu thực vật, theo báo cáo mới nhất từ FAO.

Chỉ số giá thực phẩm của FAO (FFPI) đạt trung bình 170,8 diểm trong tháng 2/2018, tăng 1,1% (1,8 điểm) so với tháng 1/2018, nhưng vẫn thấp hơn 2,7% so với cùng kỳ năm 2017. Giá các loại ngũ cốc và các sản phẩm từ sữa tăng góp phần đẩy giá FFPI tháng 2/2018 lên cao hơn tháng 1; trong khi giá đường và giá các loại dầu thực vật giảm. Giá các loại thịt ổn định.

Chỉ số giá ngũ cốc của FAO đạt trung bình 160,8 điểm trong tháng 2/2018, tăng 2,5% (4 điểm) so với tháng 1/2018 và cao hơn 6,8% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp chỉ số giá ngũ cốc của FAO tăng sau giai đoạn tương đối ổn định từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2017. Giá ngũ cốc thường tăng trong tháng 2 do hoạt động thương mại sôi động và những lo ngại về thời tiết bất lợi tác động tới lúa mỳ vụ đông tại Mỹ và các khu vực sản xuất ngô của Argentina. Giá gạo quốc tế cũng tăng, mặc dù mức tăng bị kìm hãm bởi nhu cầu thế giới đối với gạo Indica giảm.

Chỉ số giá dầu thực vật của FAO đạt trung bình 158 điểm trong tháng 2/2018, giảm 3,1% (5,1 điểm) so với tháng 1/2018, chạm mức thấp nhất trong 19 tháng. Giá phần lớn các loại dầu thực vật đều giảm do triển vọng thặng dư sản xuất toàn cầu tăng trong niên vụ 2017/18. Giá dầu cọ giảm mạnh nhất, chủ yếu do hoạt động xuất khẩu chậm chạp hơn dự báo và tồn kho tăng tại Malaysia và Indonesia. Trong khi đó, triển vọng chế biến đậu tương cao kỷ lục tại Mỹ gây áp lực lên giá đậu tương quốc tế. Đồng thời, nhu cầu thấp (chủ yếu trong ngành nhiên liệu sinh học) gây áp lực lên giá hạt cải.

Chỉ số giá sữa của FAO đạt trung bình 191,1 điểm trong tháng 2/2018, tăng 11,2 điểm (6,2%) so với tháng 1/2018 nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017. Giá trên thị trường quốc tế của toàn bộ 4 nhóm các sản phẩm sữa trong chỉ số này đều tăng, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu mạnh và sản lượng sữa thấp hơn dự báo tại New Zealand. Giá bơ tăng gần 6% sau khi giảm 4 tháng liên tiếp sau khi chạm mốc giá cao kỷ lục trong tháng 9/2017. Giá phô mai và sữa bột nguyên kem (WMP) cũng tăng, chủ yếu do nhu cầu mạnh tại châu Âu và châu Á, trong khi nhu cầu toàn cầu cao cũng đẩy giá sữa bột gầy (SMP) tăng.

Chỉ số giá thịt của FAO đạt trung bình 169 điểm trong tháng 2/2018, không đổi so với chỉ số giá điều chỉnh trong tháng 1/2018 và cao hơn gần 5% so với cùng kỳ năm 2017. Giá thịt bò tăng được bù đắp bởi giá thịt lợn và thtị gia cầm giảm; trong khi giá thịt cừu đi ngang. Nguồn cung xuất khẩu hạn chế từ New Zealand khiến giá thịt bò tăng tháng thứ 2 liên tiếp. Giá thịt gia cầm trên thị trường quốc tế giảm tháng thứ 4 liên tiếp, chủ yếu do nguồn cung khả dụng xuất khẩu dồi dào tại các khu vực sản xuất lớn. Nhu cầu nhập khẩu toàn cầu hạn chế gây áp lực lên chỉ số giá thịt lợn, vốn tiếp tục khuynh hướng giảm từ tháng 9/2017.

Chỉ số giá đường của FAO đạt trung bình 193 điểm trong tháng 2/2018, giảm 3,4% (7 điểm) so với tháng 1/2018 và chạm mức thấp nhất trong vòng 2 năm. Giá đường trên thị trường quốc tế liên tục gặp áp lực giảm do tình hình sản xuất của các nước sản xuất lớn, như Thái Lan và Ấn Độ. CÁc thị trường đường tiếp tục giảm giá do dự báo sản xuất tăng mạnh tại EU trong niên vụ 2017/18, nhờ năng suất củ cải tăng và việc khối này dỡ bỏ hạn ngạch sản xuất trong năm 2017, làm tăng diện tích trồng mía.

Theo FAO (gappingworld.com)

 



Báo cáo phân tích thị trường