Hàng ngoại tràn vào Việt Nam hoàn toàn do doanh nghiệp đã nắm bắt tín hiệu thị trường và sở thích của người tiêu dùng để kịp thời đáp ứng. Sản xuất nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng đang vấp phải khâu thị trường để có thể phát triển bền vững hơn.
|
Thịt bò Úc nhập khẩu đang có giá rẻ hơn thịt bò nội địa khoảng 50% - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Ăn đồ ngoại giá rẻ
Trong khi giá thịt bò ngon của Việt Nam đang bán trên thị trường hiện nay lên tới 270.000 đồng/kg, loại rẻ cũng có giá tới 170.000 đồng/kg thì cùng thời điểm, giá thịt bò ba chỉ Úc và Mỹ nhập vào Việt Nam, bán tới tay người tiêu dùng chỉ có 150.000 đồng/kg, tức là rẻ gần bằng một nửa.
Không những thịt bò, ngay cả thịt gà cũng tương tự. Từ năm 2015, giá thịt gà nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam chỉ ở mức 17.000-20.000 đồng/kg. Trong khi ở Việt Nam đã có nhiều trang trại đạt trình độ chăn nuôi gà không thua kém gì nhiều nước khác, nhưng giá thành gà vẫn ở mức 25.000-26.000 đồng/kg (tương đương với giá thành ở Thái Lan). Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, gà Mỹ nhập vào Việt Nam với giá 19.000 đồng/kg và bán ra thị trường TPHCM chỉ 23.000 đồng, rẻ bằng nửa gà nội và gần bằng một phần tư giá bán cho người tiêu dùng tại Mỹ.
Thực tế này khiến người tiêu dùng đặt ra câu hỏi, liệu thịt bò, thịt gà nhập khẩu từ nước ngoài có phải là hàng cận date, quá date hoặc chất lượng kém hay không? Có đảm bảo sức khoẻ cho người sử dụng?
Theo ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y, để quản lý thịt và thực phẩm nhập khẩu, hiện nay chúng ta đang áp dụng các nội dung của Luật Thú y và hai thông tư gồm Thông tư số 25 năm 2016 và Thông tư 25 năm 2010.
Theo Thông tư số 25 năm 2010 thì các doanh nghiệp, cơ sở giết mổ gia súc nước ngoài muốn xuất khẩu sản phẩm vào Việt Nam phải có hồ sơ gửi các cơ quan chức năng Việt Nam và được thẩm định, chấp thuận. Sản phẩm xuất vào Việt Nam phải đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm mới được cấp phép.
Đồng thời, các lô hàng thịt khi về tới cửa khẩu đều được kiểm tra 100%. Doanh nghiệp phải có nhãn mác ghi đầy đủ khối lượng, nguồn gốc, chủng loại, ngày và hạn sử dụng... khi đưa ra bán trên thị trường.
Theo quy định khi kiểm tra mẫu hàng nếu phát hiện có vi phạm về an toàn và dịch bệnh sẽ bị phạt tiền, yêu cầu tái xuất hoặc tiêu huỷ - Tức là khâu kiểm soát chất lượng thịt nhập khẩu của chúng ta khá khắt khe và hoàn toàn kiểm soát được các hàng nhập khẩu chính ngạch hiện nay.
|
Người Việt có sở thích ăn thịt gà đen hơn thịt gà trắng - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Của rẻ không phải của “ôi”
Theo ông Jim Sumner, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu trứng và gia cầm Mỹ, 2/3 lượng đùi gà góc tư sản xuất ở Mỹ được tiêu thụ tại nội địa, số còn lại được xuất khẩu tới hơn 125 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, ở mức giá thấp hơn so với giá của lườn gà và cánh gà, nhưng với giá bán tương tự tại Mỹ. Các sản phẩm gia cầm của Mỹ được xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là đùi gà góc tư, đùi gà, và chân gà – đây là những sản phẩm không được ưa chuộng tại nước bạn.
Người tiêu dùng Mỹ quan niệm phần chân và đùi của con gà ở gần mặt đất hơn nên sẽ tạo cảm giác không được vệ sinh bằng phần lườn và cánh. Đặc biệt, thịt gà đen phần đùi và chân gà có chứa nhiều chất béo và choresterol hơn thịt gà trắng, trong khi protein lại thấp hơn.
Cũng tương tự thịt gà, lý giải về việc giá thịt bò Mỹ và Úc "quá bèo" so với thịt bò Việt Nam, ông Đàm Xuân Thành, Cục trưởng Cục Thú y cho biết tuy đơn vị này không quản lý giá cả thực phẩm trên thị trường nhưng lý do giá thịt ngoại rẻ là vì có những loại thịt thị trường Việt Nam ưa chuộng nhưng thị trường nước ngoài không chuộng, thịt bò là loại thịt đỏ không được tiêu thụ nhiều ở nước ngoài. Cũng như thịt gà, các nước chỉ ăn phần lườn thịt trắng mà không ăn cổ cánh đùi nên xuất khẩu với giá rẻ.
Như vậy hàng ngoại tràn vào Việt Nam hoàn toàn do doanh nghiệp đã nắm bắt tín hiệu thị trường và sở thích của người tiêu dùng để kịp thời đáp ứng. Sản xuất nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng đang vấp phải khâu thị trường để có thể phát triển bền vững hơn.
Theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục chăn nuôi thừa nhận, hiện nay nhiều sản phẩm chăn nuôi đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và có dư để xuất khẩu. Mặc dù vậy, để các sản phẩm này có thể xuất khẩu được vẫn còn là vấn đề nan giải.
“Mặc dù khó nhưng các sản phẩm chúng ta có đủ khả năng để xuất khẩu. Vấn đề cần phải làm hiện nay đó là phải xác định được các sản phẩm nước bạn cần để xuất khẩu; hai là kiểm soát tốt dịch bệnh; ba là đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm giá thành sản phẩm. Để làm tốt những việc này cần phải xác định doanh nghiệp sẽ đóng vai trò nòng cốt. Nhà nước cần hỗ trợ về cơ chế chính sách để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào sản xuất và xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi”, ông Vân nói.
Theo đề án “Phát triển chuỗi sản xuất động vật, sản phẩm động vật để xuất khẩu” của Bộ NN&PTNT, năm 2017 đã hoàn thành xây dựng chuỗi thịt gà chế biến chín xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản và từ năm 2018 tiếp tục mở rộng sang thị trường châu Á, châu Âu. Đối với thịt lợn, dự kiến hết năm 2020 xây dựng được một số chuỗi sản xuất thịt lợn chế biến chín xuất sang Đông - Nam Á, châu Á, châu Âu…
Theo chinhphu.vn