FDA gửi thư cảnh báo tới các công ty thủy sản Indonesia
Sáu công ty xuất khẩu thủy sản tại Indonesia vừa nhận thư cảnh báo từ Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) về các vi phạm quy định HACCP, cùng một số quy định an toàn thực phẩm khác của Mỹ. Theo FDA, 6 công ty xuất khẩu cá ngừ đông lạnh là Tritos Sejahtera, Shimasse Prata Citra, Sukses Sejati, Sekar Subur Abadi, Anugerah Lestari Abadi, và Nusantara Jaya Abadi. FDA đã gửi các thư cảnh báo tới các công ty này trong tháng 12/2017 và tháng 1/2018. Các công ty được cho phép 15 ngày làm việc để phản hồi các thư cảnh báo của FDA. Nếu không ngay lập tức giải quyết các vi phạm, FDA có thể triển khai các hành động pháp lý không báo trước, bao gồm hạn chế thông quan, giữ hàng và từ chối hàng.
Ngành chăn nuôi lợn Thái Lan đe dọa sinh kế nông dân Myanmar
Nông dân chăn nuôi lợn Myanmar đang mất thị trường vào nguồn cung lợn nhập khẩu trái phép từ Thái Lan, có giá cả rất cạnh tranh so với nguồn lợn địa phương. Khoảng 500 con lợn sống được nhập lậu qua biên giới Myanmar – Thái Lan hàng ngày, tác động tiêu cực tới sinh kế của nông dân Myanmar. Theo Hiệp hội Nông dân chăn nuôi lợn Myanmar, nông dân chăn nuôi quy mô nhỏ Myanmar không thể cạnh tranh với các trang trại chăn nuôi quy mô lớn của Thái Lan.
Trung Quốc lần đầu tiên nhập khẩu thủy sản trực tiếp từ Pakistan
Lô hàng thủy sản đầu tiên nhập khẩu trực tiếp từ Pakistan đã đến Urumpi, thành phố thủ phủ khu tự trị Xinjiang Uygur của Trung Quốc. Theo Tribune Pakistan, lô hàng thủy sản này gồm 1,15 tấn cá và tôm đông lạnh. Đây là lần đầu tiên cảng hàng không Urumpi cho phép xử lý hàng hóa tươi từ Pakistan, theo Shuhai Jian Sen, người đứng đầu công ty nhập khẩu thủy sản International Trade Co Ltd cho hay. Công ty có kế hoạch nhập khẩu thêm 2 tấn thủy sản khác trong vòng vài tháng tới do nhu cầu đang tăng nhanh.
Indonesia sẽ là nước nhập khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới
Indonesia được dự báo sẽ là nước nhập khẩu lúa mỳ lớn nhát thế giới khi động lực tự cung tự cấp ngô dẫn đến việc nước này phải chuyển sang nhập khẩu mạnh lúa mỳ. Theo các dự báo mới nhất của USDA, Indonesia được dự báo sẽ nhập khẩu 12,5 triệu tấn lúa mỳ trong năm 2017-18, vượt qua Ai Cập, trở thành “nước nhập khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới”. Sự nổi lên của hoạt động nhập khẩu lúa mỳ xuất phát từ nhu cầu lúa mỳ làm thực phẩm và TACN đều tăng. Người tiêu dùng Indonesia đang tiêu thụ ngày càng nhiều bánh mỳ và mỳ, đẩy nhu cầu tăng; nhưng nguyên nhân chính khiến nhập khẩu lúa mỳ tăng là các chính sách của chính phủ nhằm bảo hộ hoạt động sản xuất ngô nội địa. Các hạn chế nhập khẩu ngô đẩy giá TACN tăng, buộc các nhà nhập khẩu phải chuyển sang lúa mỳ. Nguồn cung lúa mỳ có giá cạnh tranh từ Nga và các nước sản xuất lúa mỳ vùng biển Đen khác đang gây áp lực lên các nhà cung cấp lúa mỳ chất lượng cao như Canada.
Theo Asian Agribiz (gappingworld.com)