Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Báo cáo ngành chăn nuôi lợn Việt Nam đến năm 2017 và triển vọng năm 2018
25 | 12 | 2017
Từ tháng 10/2016 đến tháng 7/2017, ngành chăn nuôi lợn Việt Nam đối mặt với những thách thức ngày càng lớn do giá cổng trại giảm mạnh. Nhiều nhận định cho rằng nguyên nhân của tình trạng này là do Trung Quốc giảm mạnh nhập khẩu lợn sống. Tuy nhiên, khi chính ngành chăn nuôi lợn Trung Quốc hiện cũng đang trong quá trình tái cấu trúc toàn diện để cải thiện khả năng cạnh tranh và giảm phụ thuộc vào nguồn thịt lợn nhập khẩu, câu hỏi lớn cho ngành chăn nuôi Việt Nam là: Liệu giá lợn có tăng trở lại?

2013 – 2016: Cơn sốt của ngành chăn nuôi lợn Việt Nam

Chăn nuôi lợn là ngành sản xuất không thể thiếu trong nông nghiệp Việt Nam bởi sản xuất thịt lợn chiếm xấp xỉ 2/3 tổng sản lượng thịt hàng năm. Những đợt dịch bệnh nghiêm trọng diễn ra từ năm 2006 – 2010 gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi lợn Việt Nam, đồng thời khiến người tiêu dùng Việt Nam lo ngại lớn trước các sản phẩm thịt lợn. Ngành chăn nuôi lợn phục hồi sau khi chính phủ triển khai hàng loạt hành động áp dụng vaccine để giải quyết tình trạng dịch bệnh.

Giai đoạn 2013 – 2016, sản xuất chăn nuôi lợn thịt Việt Nam tăng trưởng ở tốc độ nhanh hơn đàn lợn nái, với tốc độ tăng trưởng kép 11%/năm, dẫn tới quy mô đàn lợn thịt đạt 54,46 triệu con, tương đương 4,01 triệu tấn thịt lợn hơi. Diễn biến sản xuất này cho thấy tăng mạnh cả về quy mô đàn lợn nái cũng như cải thiện năng suất lợn nái. Trong giai đoạn này, năng suất lợn nái tại các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ đạt gần 17 con/lợn nái/năm; trong khi năng suất lợn nái của các trang trại chăn nuôi thương mại và các cơ sở chăn nuôi khép kín đạt lần lượt 20 và 22 con/nái/năm.

Tổng nguồn cung ngành chăn nuôi lợn Việt Nam năm 2013 – 2016 (triệu con):

Trước đây, nhập khẩu chỉ chiếm một phần không đáng kể trong nguồn cung thịt lợn Việt Nam, chỉ chiếm 0,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu giai đoạn 2013 – 2015. Tuy nhiên, lượng thịt lợn nhập khẩu tăng mạnh từ 5.482 tấn năm 2015 lên 40.872 tấn năm 2016 (tương đương 583.886 con lợn), tăng tỷ trọng thịt lợn nhập khẩu trong nguồn cung thịt lợn tại Việt Nam lên 1,06%. Nhập khẩu tăng mạnh có thể chủ yếu do Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2016, do các thỏa thuận thương mại này giảm mạnh thuế nhập khẩu thịt. Một số nước châu Âu, đáng kể nhất là Ý, Ireland, Hà Lan và Đức, đều đã bắt đầu xuất khẩu thịt lợn vào Việt Nam do tác động của EVFTA.

Thịt lợn vẫn là loại thịt được tiêu dùng phổ biến nhất trong thực đơn của người Việt Nam, chiếm tới 68% tổng tiêu dùng thịt năm 2016. Do thu nhập tăng và tăng trưởng dân số, nhu cầu và tiêu dùng thịt lợn tăng ổn định. Giai đoạn 2013 – 2016, tiêu dùng thịt lợn trên đầu người của Việt Nam tăng từ 25,3 lên 26,5 kg/người/năm.

Tổng tiêu dùng thịt lợn sản xuất nội địa năm 2016 là 2,5 triệu tấn, tương đương 35,76 triệu con lợn. Nhu cầu thịt lợn nội địa tiếp tục chiếm khoảng 75% tổng sản lượng thịt lợn của việt Nam. Một phần nhỏ sản lượng thịt lợn của việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường láng giềng, trong đó đáng kể nhất là Hong Kong và Malaysia, chiếm 13.695 tấn thịt lợn hơi, tương đương khoảng 195.643 con lợn, trong năm 2016.

Thương mại biên giới diễn ra hàng ngày tại biên giới Trung Quốc – Việt Nam sang các tỉnh Quảng Tây và Hồ Nam – nơi Trung Quốc nhập khẩu một lượng lớn lợn sống từ Việt Nam. Thương lái mua lợn sống từ nhiều hộ gia đình chăn nuôi khác nhau và vận chuyển bằng đường bộ tới các cửa khẩu biên giới. Một số trường hợp báo cáo cho thấy lợn sống cũng được tiêu thụ qua nhiều kênh tiểu ngạch giữa hai nước.

Các hộ chăn nuôi lợn Việt Nam thường vỗ béo lợn vượt 100kg để đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc – thị trường có nhiều người tiêu dùng ưa chuộng thịt lợn béo. Trong mùa cao điểm, lượng lợn sống giao dịch biên giới có thể đạt xấp xỉ 33.000 con lợn/ngày; và các hộ chăn nuôi có thể đàm phán thành công mức giá khá có lời.

Tuy nhiên, khi luồng thương mại sang Trung Quốc suy giảm mạnh, như diễn ra từ tháng 5/2016, đã gây ra tình trạng dư cung nghiêm trọng trong ngành chăn nuôi lợn Việt Nam. Hệ quả tất yếu là giá lợn giảm mạnh và nông dân gặp nhiều khó khăn để hoạt động sinh lời. Sự phụ thuộc đầy rủi ro vào thị trường Trung Quốc tập trung ở hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch, không được ghi nhận tại các khu vực biên giới. Hoạt động giao thương có thể giảm mạnh mà không có bất cứ dấu hiệu nào báo trước, đã xảy ra theo chu kỳ từ năm 2011.  Hoạt động thương mại lợn tiểu ngạch với Campuchia cũng không thể bù đắp được thiệt hại do nhu cầu suy giảm từ Trung Quốc do lượng xuất khẩu sang Campuchia tương đối nhỏ so với Trung Quốc.

Nhu cầu đối với ngành chăn nuôi lợn Việt Nam năm 2013 – 2016 (triệu con):

Quay cuồng với thị trường Trung Quốc

Vốn là nước sản xuất – tiêu dùng thịt lợn lớn nhất thế giới, thị trường thịt lợn Trung Quốc thu hút sự chú ý đặc biệt của các nhà xuất khẩu trên toàn cầu, với các nhà cung cấp hàng đầu là Đức, Mỹ và Tây Ban Nha. Trong những năm gần đây, nguồn cung thịt lợn nội địa của Trung Quốc suy giảm, trong khi nhu cầu vẫn tăng mạnh, khiến nước ngày ngày càng thu hút nhập khẩu. Các nước xuất khẩu thịt lợn, bao gồm Việt Nam, đã thu trái ngọt từ sựt ăng mạnh lượng nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc trong năm 2015 và đầu năm 2016.

Giai đoạn 2014 – 16, các hộ chăn nuôi lợn Việt Nam chứng kiến giá lợn cổng trại tăng mạnh và đón nhận điều này là một tín hiệu tích cực để mở rộng sản xuất, gặt hái lợi nhuận. Họ đua nhau tăng đàn lợn nái và bỏ quên những “cú trượt chân” trước đây khi giao thương biên giới bị đóng cửa do bản chất bất ổn của thương mại tiểu ngạch.

Năm 2014, Việt Nam có 3,7 triệu con lợn nái, sản xuất khoảng 43,43 triệu lợn thịt. Quy mô đàn lợn nái chạm mức kỷ lục 4 triệu con chỉ trong vòng 2 năm, do nông dân bán được lợn sống giá cao bất thường, từ 2 – 2,6 USD/kg (45.000 – 50.000 VNĐ/kg). Bối cảnh này khuyến khích nhiều nông dân chăn nuôi lợn tăng đầu tư đàn lợn nái, dẫn đến tăng mạnh nguồn cung lợn thịt lên đến 54,46 triệu con vào cuối năm 2016.

Mặc dù xuất khẩu sang Trung Quốc trước đó được kỳ vọng tăng mạnh, thực tê lại không xảy ra như dự báo, khi thương lái giảm mạnh hoạt động thu mua, dẫn đến nguồn cung lợn thịt dư thừa nghiêm trọng tại thị trường Việt Nam về cuối năm 2016. Do nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc đã bắt đầu giảm tốc từ nửa cuối năm 2016, diễn biến này không chỉ tác động mạnh tới sản xuất thịt lợn của các nước phương Tây mà còn của Việt Nam. Thua lỗ là chỉ báo cho thấy xuất khẩu lợn sang Trung Quốc bị ngắt quãng. Điều quan trọng hiện tại là phân tích và hiểu rõ những yếu tố đã lèo lái nhu cầu nhập khẩu thịt lợn tăng vọt của Trung Quốc trong giai đoạn năm 2015 và đầu năm 2016:

Thứ nhất, yếu tố quan trọng nhất phải kể đến quy mô đàn lợn nái ở mức thấp. Sản xuất chăn nuôi lợn tại Trung Quốc đã suy giảm trong vài năm liên tiếp do giảm quy mô đàn lợn nái. Các chính sách của chính phủ nước này nhằm giảm nhẹ tình trạng ô nhiễm gây ra bởi hoạt động chăn nuôi lợn và tập trung hóa ngành chăn nuôi lợn của nước này, dẫn đến quy mô đàn lợn nái của Trung Quốc chạm mức thấp kỷ lục trong năm 2016.

Thứ hai, giá thịt lợn nội địa Trung Quốc duy trì ở mức cao. Giá bán lẻ thịt lợn tại Trung Quốc tăng mạnh, chạm mức cao kỷ lục 4,5 USD/kg, tương đương 102.000 VNĐ/kg, vào tháng 6/2016. Thịt lợn nhập khẩu giá cả cạnh tranh từ Mỹ và các nước châu Âu lúc bấy giờ là một giải pháp cho người tiêu dùng Trung Quốc. Tại thị trường Trung Quốc, giá bán lẻ thịt lợn Việt Nam là rẻ hơn khoảng 0,6 USD/kg, tương đương 13.000 VNĐ/kg, so với giá thịt lợn sản xuất nội địa Trung Quốc, càng làm tăng nhu cầu đối với lợn sống từ Việt Nam.

Năm 2016: Điểm bùng phát

Những điều kiện thuận lợi kể trên đã đẩy xuất khẩu tiểu ngạch lợn sống từ Việt Nam sagn Trung Quốc tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 2013 – 2016. Năm 2013, xuất khẩu lợn sống tiểu ngạch đạt xấp xỉ 17.000 con/ngày, tăng lên khoảng 33.000 con/ngày vào đầu năm 2016, đẩy tổng xuất khẩu lợn sống tiểu ngạch trong cả năm 2016 lên khoảng 12,04 triệu con.

Giữa năm 2016, Trung Quốc giảm nhập khẩu lợn tiểu ngạch từ Việt Nam. Nhiều hộ chăn nuôi không kịp điều chỉnh quy mô đàn lợn nái đúng thời điểm, dẫn đến tình trạng dư cung lợn sống tại Việt Nam bùng nổ vào khoảng 7,05 triệu con vào cuối năm 2016. Tình trạng dư cung nghiêm trọng này dẫn đến giảm mạnh giá lợn cổng trại và gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều hộ chăn nuôi lợn.

Giá lợn cổng trại tại miền Nam Việt Nam, trước khi xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc bắt dầu giảm vào tháng 5/2016, là khoảng 2,25 USD/kg, tương đương 51.000 VNĐ/kg, giảm xuống chỉ còn khoảng 1,7 USD/kg, tương đương 39.000 VNĐ/kg vào cuối năm 2016. Nhiều hộ chăn nuôi lợn chật vật đối phó với tình trạng giá giảm và các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ rơi vào tình trạng rủi ro nghiêm trọng. Họ buộc phải tối thiểu hóa thua lỗ bằng bán lợn quá cân cho thương lái ở mức giá “sập sàn”, thấp hơn nhiều so với giá hòa vốn. Với mức giá lợn cổng trại hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi lợn chịu lỗ tối thiểu tới 30,75 USD/con, tương đương 700.000 VNĐ/con. Bi quan về tình trạng giá lợn cổng trại thấp kéo dài, nhiều hộ chăn nuôi quy mô nhỏ quyết định giảm đàn lợn nái hoặc thậm chí ngừng tái đàn và chờ đợi cho tới khi giá tăng. Các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn và trung bình kháng cự tốt hơn tình hình trên do họ có điểm giá hòa vốn thấp hơn và nền tảng tài chính tốt hơn.

Năm 2017: Tình hình u ám

Do kế hoạch 5 năm của ngành chăn nuôi lợn Trung Quốc dự kiến sẽ hoàn thành quá trình tái cấu trúc vào cuối năm 2017, hiện vẫn chưa rõ ràng về khả năng ngành chăn nuôi lợn Việt Nam có thể phục hồi sớm hay không. Rabobank dự báo lượng nhập khẩu trong tương lai gần của Trung Quốc sẽ tương đương năm 2016 để nước này có đủ thời gian phục hồi hoàn toàn hoạt động sản xuất. Các hoạt động thương mại lợn sống dọc biên giới gần đây đã tái khởi động lai, nhưng với nhiều nguyên nhân chưa rõ, cho tới nay, lượng giao dịch vẫn thấp hơn đáng kể so với những năm trước. Nguyên nhân có thể là do người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ý thức cao về sức khỏe và bắt đầu ưu tiên tiêu dùng thịt sạch, có khả năng truy xuất nguồn gốc và chứng nhận an toàn. Nếu khả năng này là thật thì nhập khẩu lợn tiểu ngạch từ Việt Nam sẽ duy trì ở mức thấp trong tương lai.

Triển vọng năm 2018

Công ty tư vấn IPSOS dự báo tiêu dùng thịt lợn nội địa tại thị trường Việt Nam sẽ tăng ổn định lên 2,68 triệu tấn thịt lợn hơi trong năm 2018. Với nhiều rào cản để đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của GlobalGAP, ngành chăn nuôi lợn Việt Nam sẽ phải vượt qua nhiều khó khăn để có thể cạnh tranh xuất khẩu. Xuất khẩu sang các thị trường láng giềng vẫn sẽ chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng sản xuất chăn nuôi lợn nội địa, duy trì ổn định ở mức xấp xỉ 18.000 tấn thịt lợn hơi trong năm 2018. Những khó khăn trong xuất khẩu lợn tiểu ngạch dự báo sẽ tiếp diễn và hãng tư vấn IPSOS dự báo xuất khẩu lợn sống tiểu ngạch của Việt Nam năm 2018 chỉ đạt 2,41 triệu con, tương đương 6.600 con/ngày. Đồng thời, IPSOS dự báo các cơ sở chăn nuôi quy mô thương mại và khép kín sẽ tăng cường sản xuất và tái đầu tư đàn lợn nái với tốc độ chậm hơn trong năm 2018 nên nguồn cung lợn sẽ tăng lên 40,48 triệu con, và lượng lợn dư cung sẽ được giảm thiểu xuống chỉ còn khoảng 100.000 con.

Cung – cầu ngành chăn nuôi lợn Việt Nam năm 2013 – 2018 (triệu con):

Theo IPSOS (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường