Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông dân và doanh nghiệp chăn nuôi cùng lo lắng
14 | 10 | 2008
Giá thịt heo, bò, cả gà vịt từ tháng 7 tới nay liên tục giảm, xuống dưới giá thành sản xuất. Tình trạng này kéo theo việc nông dân bỏ chuồng trống, còn doanh nghiệp lo lắng. Dù Nhà nước đã cố bảo vệ chăn nuôi trong nước bằng cách tăng thuế nhập khẩu nhưng dường như giải pháp này vẫn chưa đủ.
Nhà bà Huỳnh Thị Mận ở xã Hòa Tân Đông, huyện Đông Hòa, Phú Yên sống bằng nghề làm ruộng và cái chuồng heo xây khá kiên cố, rộng khoảng 8 mét vuông. Thường thì trong chuồng heo của bà luôn túc trực 4-6 con heo thịt nhưng cuối tháng 9 qua, bà bán con cuối cùng và để trống chuồng, thay vì thả vài con heo con như mọi khi.

“Càng nuôi càng lỗ, giá cám (tức thức ăn công nghiệp - PV) lên cao quá, mà giá heo thì cứ đi xuống, khỏi nuôi cho khỏe người”, bà Mận nói.

Nông dân và doanh nghiệp "xanh mặt"

Xung quanh nhà bà Mận cũng tương tự, khá nhiều hộ có chuồng heo bỏ không, dùng làm nơi chứa rơm củi. Nếu đầu tháng 9, giá heo hơi tại Phú Yên ở mức 40.000 đồng/kg thì cuối tháng đã giảm xuống chỉ còn 28.000-30.000 đồng/kg.

Chi cục Thú y tỉnh Phú Yên trong quá trình làm thủ tục kiểm dịch cho heo chở ra ngoài tỉnh, cho biết lượng heo từ Phú Yên đưa vào TPHCM tiêu thụ đã giảm đáng kể từ tháng 7 tới nay, riêng trong tháng 9 thì giảm mạnh đột ngột do giá heo hơi rớt thê thảm.

Ở miền Trung, những người như bà Mận chăn nuôi theo kiểu “bỏ ống tiết kiệm”, mỗi nhà vài con, nên nếu có lỗ lã cũng không đến nỗi. Trong khi đó, ở khu vực miền Đông Nam bộ, nông dân thường nuôi tập trung, quy mô lớn, giá heo và gia cầm giảm là nông dân khốn đốn vì đây là nguồn thu nhập chính của họ.

Hồi tháng 8, bà Trần Thị Tuyết, chủ trại gà có quy mô lớn ở Long Khánh, Đồng Nai, bán gà với giá từ 43.000 - 45.000 đồng/kg, nhưng nay thì giá rớt xuống còn 30.000 - 35.000 đồng/kg, và tính ra, mỗi ngày trại gà của bà thua lỗ cả chục triệu đồng, tức lỗ tiền cám, tiền công duy trì trại gà.

Ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH Phú An Sinh, một nhà chăn nuôi giết mổ gia cầm có uy tín ở TPHCM và có trại chăn nuôi ở các tỉnh lân cận, cho biết giá thành một quả trứng gà hiện không dưới 1.200 đồng, nhưng người nuôi gà đẻ phải bán dưới giá thành vì không thể cầm cự nổi; giá trứng bán ra đã rớt dưới 1.000 đồng. Ngay cả gà thả vườn, gà công nghiệp cũng đang bán bằng với giá thành nên các hộ chăn nuôi đang rơi vào tình trạng hết sức khó khăn.

“Nếu tình hình không được cải thiện, trong vài tháng tới có thể sẽ thiếu nguồn gà trong nước do người nuôi giảm đàn hoặc chuyển nghề”, ông Minh cho hay.

Ông Nguyễn Trí Công, chủ trại heo Trí Công ở Đồng Nai, người từng được nhà nước khen tặng danh hiệu Anh hùng Lao động nhờ nuôi heo giỏi nức tiếng trong cả nước, cho biết thức ăn chăn nuôi tháng trước chỉ 7.500 đồng/kg, nay tăng lên 9.000 - 10.000 đồng/kg, giá con giống cũng tăng từ 90.000 đồng lên 100.000 đồng/kg.

Theo tính toán, giá thành nuôi một kg heo từ 39.000 - 40.000 đồng/kg, nếu chỉ bán được mức 30.000 đồng/kg thì các hộ chăn nuôi phải chịu lỗ cả triệu đồng/con heo. Trong khi giá bán heo hơi hiện nay ở khu vực xung quanh TPHCM chỉ dao động quanh 35.000 đồng/kg.

Vẫn là câu chuyện tầm nhìn

Chuồng nuôi heo ở các hộ gia đình nông thôn như thế này liệu có còn tồn tại?-Ảnh: Hồng Văn
Ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH chăn nuôi Thanh Bình, cho biết cuộc cạnh tranh đối với người chăn nuôi đã diễn ra ngay trên sân nhà khi thịt heo, thịt bò, thịt gà ngoại nhập tràn vào thị trường nội địa trong thời gian qua với lượng khá lớn.

Ông công nhận giá thực phẩm đông lạnh như thịt gà, thịt heo nhập khẩu rẻ hơn thịt nội địa ở một số phân khúc thị trường nên người tiêu dùng có cơ hội chọn lựa những thực phẩm thiết yếu hàng ngày phù hợp với khả năng chi tiêu của mình, nhất là đang trong đợt lạm phát, giá hàng hóa đắt đỏ như hiện nay.

Tuy nhiên dưới góc độ nhà chăn nuôi thì ông Bình cho rằng ngành chăn nuôi Việt Nam cần phải xem xét đánh giá lại khả năng của mình và thị trường. Cụ thể, ngành cần chú ý đến phân khúc thị trường và sự phân công lao động quốc tế để không sản xuất ra những sản phẩm giá cao hơn hàng ngoại nhập, có thể khiến người tiêu dùng quay lưng lại với sản phẩm của mình.

“Hay nói khác hơn là phân tích và xem nông dân nên nuôi con gì, nuôi quy mô cỡ nào là phù hợp với lợi thế của Việt Nam”, ông Bình nói.

Tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam - doanh nghiệp 100% vốn của Thái Lan, ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg thì cho biết, việc khuyến khích nhập khẩu thịt heo, thịt gà đông lạnh chỉ nên thực hiện trong một giai đoạn ngắn, đủ để giải tỏa áp lực lạm phát lên giá sinh họat.

“Nếu nhập khẩu lâu dài thì không chỉ người chăn nuôi phá sản và bỏ nghề mà lĩnh vực trồng trọt để sản xuất nguyên liệu thức ăn gia súc và số lao động các ngành có liên quan cũng phải chuyển nghề hay thất nghiệp”, ông phân tích.

Ông cho rằng Việt Nam là quốc gia có đủ điều kiện thuận lợi và có tiềm năng phát triển chăn nuôi. Vấn đề lâu dài là Chính phủ phải có các giải pháp khuyến khích phát triển chăn nuôi như quy hoạch, tạo quỹ đất và đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn. Bên cạnh đó, cần ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi thú y cùng với chính sách tín dụng ưu đãi cho chăn nuôi, trồng trọt phục vụ cho chăn nuôi thì ngành chăn nuôi mới ổn định và phát triển, đủ sức cạnh tranh các sản phẩm chăn nuôi ngoại nhập.

Do vậy nên mỗi khi có cơ hội gặp gỡ các cơ quan quản lý nhà nước ngành nông nghiệp và thương mại, ông Jiumjaiswanglerg thường đề xuất Việt Nam nên xem xét lại chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt heo, gà quá nhanh.

Ông Phùng Khôi Phục, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Donataba), thắc mắc khi cho rằng thịt heo trong nước trong 8 tháng đầu năm nay không thiếu, vậy mà lượng thịt heo nhập khẩu trong cùng kỳ lên tới hơn 8.600 tấn, trong khi cả năm 2007 cũng chỉ có 472 tấn.

Thịt gà nhập khẩu cũng tăng mạnh, trong 8 tháng đầu năm đã hơn 103.000 tấn, tức gấp 3 lần so với số lượng nhập khẩu cả năm ngoái. Thịt trâu bò cũng nhập hơn 6.000 tấn, tăng gần gấp 3 lần cả năm trước.

Ông Phục cảnh báo, hiện còn hàng trăm container hàng thịt đông lạnh nằm tại các cảng, nếu hàng này được giải tỏa, tung ra thị trường thì sắp tới sẽ làm giá heo hơi và gà lông (gà sống cân ký) tiếp tục hạ, các trang trại sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Thực tế chứng minh lời ông Phục khi giá thịt heo trên thị trường tiếp tục giảm mạnh, trái ngược với cơn sốt giá thịt heo cách nay hơn 10 tháng.

Trong 8 tháng đầu năm 2008, lượng thịt gia cầm, trâu bò nhập vào Việt Nam cao gấp nhiều lần so với số lượng nhập khẩu của cả năm 2007. Kim ngạch nhập khẩu thịt động vật trong 7 tháng đầu năm 2008 đã lên tới hơn 321 triệu đô la Mỹ, cao gấp 3 lần so với cả năm ngoái.

Chỉ trong vòng 1 tháng qua, giá thịt heo trên thị trường giảm hơn 3.000 đồng/kg (tùy loại) mà nguyên nhân là do chăn nuôi trong nước hồi phục trong khi nguồn cung từ chăn nuôi trong nước lẫn hàng nhập khẩu tồn kho đang quá lớn. Chỉ trong vòng 7 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu thịt động vật đã lên tới hơn 321 triệu đô la Mỹ, cao gấp 3 lần so với cả năm ngoái.

Gần đây, Bộ Tài chính đã tăng thuế suất nhập khẩu một số mặt hàng thịt động vật nhằm bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước sau một thời gian giảm mạnh thuế để bảo đảm nguồn cung và bình ổn giá cả.

Tuy nhiên, việc tăng thuế vừa qua dường như chưa đủ sức cứu nguy cho ngành này, bởi thịt trong nước không chỉ đơn thuần bị cạnh tranh bởi thịt ngoại nhập mà còn do chi phí sản xuất trong nước hiện quá cao. Hơn 70% chi phí nuôi heo, gà thuộc về thức ăn chăn nuôi nhưng trong vòng 1 năm qua, giá thức ăn chăn nuôi trên thị trường tăng 60-100% tùy theo mặt hàng.

Các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi thì lại đổ lỗi cho nguyên liệu nhập khẩu tăng giá, chi phí sản xuất tăng.

Ông Văn Đức Mười, Phó tổng giám đốc Vissan - nhà chăn nuôi và chế biến thực phẩm lớn trong nước hiện nay, cho rằng việc điều chỉnh thuế nhập khẩu thịt động vật theo hướng tăng nhưng vẫn nằm trong cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là cần thiết vì thời gian qua, Việt Nam đã có mức điều chỉnh thuế nhập khẩu các sản phẩm này thấp hơn so với lộ trình cam kết với WTO.

“Năm ngoái tới nay, do Việt Nam bị tác động của dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nên có những thời điểm, nguồn cung trong nước bị thiếu hụt tạo ra những cơn sốt giá trên thị trường, vì vậy phải tăng cường nhập khẩu để bình ổn giá trong nước. Nhưng khi chăn nuôi đã bình ổn trở lại thì việc tăng thuế lẽ ra phải làm sớm hơn”, ông Mười nói.





Nguồn: Kinh tế Sài Gòn
Báo cáo phân tích thị trường