Smithfield, nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất của Mỹ, đã có các động thái thúc đẩy xuất khẩu sang Mexico, Nhật Bản và Hàn Quốc trong năm 2017 do nhu cầu nhập khẩu tại Trung Quốc ngày càng giảm và giá lợn sống giảm mạnh. Xuất khẩu từ các doanh nghiệp Mỹ sang Trung Quốc giảm 12% trong 3 quý đầu năm 2017, nhưng xuất khẩu chung vẫn tăng hơn 20%, chủ yếu nhờ nhu cầu tại các thị trường châu Á khác, theo thông tin từ Luis Chein, giám đốc tập đoàn và lãnh đạo nhóm quan hệ đầu tư của Smithfield cho biết.
Giảm xuất khẩu sang Trung Quốc vốn nằm trong dự báo của các nhà phân tích về thương vụ WH Group thâu tóm Smithfield trong năm 2013, cho rằng nhờ đó công ty sẽ có cơ hội tăng nhanh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Giá lợn sống trong quý 1/2018 được dự báo giảm mạnh, chạm đáy vào quý 2/2018, theo dự báo của WH Group.
Chủ tịch WH Group cho rằng Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu thịt lợn trong dài hạn do tổng nhu cầu rất lớn và chi phí sản xuất tương đối cao, giúp duy trì chênh lệch giá nội địa Trung Quốc và giá thế giới.
Năm 2016, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc tăng vọt khi giá thịt lợn nội địa chạm mức giá cao kỷ lục 21 NDT/kg, tương đương 3,18 USD/kg. Tuy nhiên, sau đó giá giảm mạnh xuống mức trung bình 15,2 NDT/kg trong năm 2017, khiến kim ngạch nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc giảm 28% xuống còn 1 triệu tấn trong 10 tháng đầu năm 2017, dữ liệu Hải quan Trung Quốc cho thấy.
Nhập khẩu được dự báo tiếp tục giảm do giá thịt lợn sẽ giảm trong năm 2018 xuống còn khoảng 13 – 14 NDT/kg trên thị trường Trung Quốc, theo dự báo của WH Group. Nguyên nhân là do sự mở rộng nhanh chóng của các nhà máy chăn nuôi lớn tại Trung Quốc, bù đắp được sự đóng cửa hàng loạt của các trang trại chăn nuôi quy mô gia đình. Theo Ma Xiangjie, phó chủ tịch công ty con của WH tại Trung Quốc là Shuanghui, sản lượng lợn sống thành phẩm của 20 nhà sản xuất chăn nuôi lợn lớn nhất Trung Quốc được dự báo tăng khoảng 34% trong năm 2017 và tăng thêm 37% trong năm 2018.
Các doanh nghiệp chăn nuôi tại Trung Quốc đã mở rộng nhanh chóng hoạt động sản xuất trong năm vừa qua, giành lấy thị phần từ các nhà sản xuất quy mô nhỏ. Các nhà máy chăn nuôi lớn có công suất 10.000 con lợn trở lên hàng năm, sẽ có thị phần hơn 1/3 thị trường trong năm 2018, ông Ma dự báo. “SẢn lượng mở rộng của các nhà máy chăn nuôi lớn sẽ vượt sản lượng giảm sút do sự đóng cửa của các trang trại chăn nuôi nhỏ. Đó là lý do giá thịt lợn giảm mạnh trong năm 2017, do nguồn cung tăng”.
Shuanghui là nhà chế biến thịt lợn lớn nhất Trung Quốc, với công suất khoảng 50.000 con/ngày.
Theo Reuters (Gappingworld.com)