Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Báo cáo thị trường thịt lợn Đông Nam Á và Trung Quốc cuối năm 2016
15 | 01 | 2017
Chăn nuôi lợn đang tăng trưởng nhanh tại Việt Nam trong khi giá thịt lợn vẫn giảm mạnh. Một trong những nguyên nhân giảm giá là lệnh dóng cửa biên giới Trung Quốc/Việt Nam đã làm giảm mạnh nguồn cung lợn từ Việt Nam sang Trung Quốc, và các thương nhân Trung Quốc lợi dụng tình hình để ép giá thu mua giảm thấp. Dưới đây là tổng hợp thực trạng ngành chăn nuôi lợn tại Đông Nam Á và Trung Quốc những ngày cuối năm 2016.

Việt Nam

Với điểm hòa vốn cho nông dân chăn nuôi lợn thương phẩm là 38.000 – 39.000 VNĐ/kg, hầu hết nông dân chăn nuôi lợn Việt Nam hiện đang chịu thua lỗ. Tác động của dịp tết nguyên đán tới giá thịt lợn không mạnh bằng việc Trung Quốc mở cửa và nới lỏng kiểm soát biên giới để tiếp nhận nguồn cung thịt lợn đang dồi dào từ Việt Nam.

Tiêu dùng thịt lợn tại Việt Nam đang tăng trưởng trung bình 4,9%/năm và hiện đạt 38,3 kg/người/năm. Khoảng 99,6% người Việt Nam tiêu dùng thịt lợn và thịt lợn vẫn luôn là loại thịt được ưa chuộng nhất. Nhập khẩu thịt lợn đang tăng nhanh hơn sản xuất, với tăng trưởng nhập khẩu 15,2%/năm so với tăng trưởng sản xuất 1,9%/năm. Người Việt vẫn ưa chuộng thịt tươi mua từ các chợ trời và đặc trưng này đang là một rào cản tự nhiên cho ngành chăn nuôi lợn nội địa, khi thịt lợn nhập khẩu thường là thịt chế biến hoặc đông lạnh trong các hệ thống bán lẻ hiện đại.

Với một loạt các công ty sản xuất quy mô lớn mới thâm nhập vào ngành chăn nuôi lợn tại Việt Nam, hiện tổng số đàn lợn Việt Nam có 29,1 triệu con, tăng 4,8% so với cnawm 2015 và sẽ tiếp tục tăng do hoạt động sản xuất mới tiếp tục diễn ra và các nhà sản xuất thương mại quy mô lớn nhập khẩu các giống lợn chất lượng cao sẽ tăng sản lượng nhờ cải thiện giống lên 0,75 con/lợn giống/năm.

Thị trường thịt lợn Việt Nam chia cắt bởi khu vực: bắc, trung và nam, cũng như giữa người tiêu dùng thành thị và nông thôn. Phần lớn người dân vẫn sống tại nông thôn, chiếm 72% dân số và có sinh kế trong nông nghiệp và thủy sản. Gần 50% tổng lao động hoạt động trong các ngành sản xuất cơ bản. Tiêu dùng thực phẩm tại các đô thị cao hơn 30% về giá trị so với nông thôn và có thu nhập tăng nhanh hơn: người dân đô thị có tốc độ tăng thu nhập 16,1% so với 6% cho người dân nông thôn trong năm 2015. Các hệ thống bán lẻ hiện đại tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn: cao nhất là tại thành phố Hồ Chí Minh (chiếm 18,6% doanh số ngành thực phẩm), theo sau là Hà Nội, Cần Thơ và Đà Nẵng. Thị trường thực phẩm Việt Nam dự báo tăng trưởng 14% tại các khu vực thành thị trong giai đoạn 2015 – 2020 và 34% tại các khu vực nông thôn. Các sản phẩm sữa, với nguồn cung nội địa ngày càng tăng, đang hưởng lợi từ khuynh hướng tăng tiêu dùng này. Giống như nhiều nước châu Á khác, thị trường dịch vụ ăn uống tại Việt Nam rất lớn, ở mọi phân khúc. Việt Nam có dân số trẻ và đang tăng: tổng dân số 93,4 triệu người, 60% dân số dưới 35 tuổi.

Chất lượng thịt và an toàn thực phẩm là các chủ đề nóng tại Việt Nam, đặc biệt là tại miền Nam, khi ngày càng nhiều công ty tham gia VietGAP để cải thiện tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khu vực ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh. VietGAP được xây dựng dựa trên GlobalGAP, đang đóng góp tích cực trong đưa các sản phẩm thịt được đóng dấu an toàn vào các siêu thị.

Một số hoạt dộng đầu tư sử dụng công nghệ cao để truy xuất nguồn gốc từ các nhà chế biến đến giết mổ và trại nuôi đang được triển khai. Đầu tư sản xuất thịt lợn cao cấp của Le Porc du Mékong đã thu hút 600 nông dân ĐBSCL tham gia và đặt mục tiêu giết mổ 360.000 con lợn trong năm đầu tiên.

Thái Lan

Thái Lan đang nỗ lực cắt giảm đàn con do tình trạng dư thừa cung lợn sống, châm ngòi cho hoạt động buôn bán biên mậu với Trung Quốc và Campuchia. Dư cung lợn sống tại Thái Lan đã lên tới khoảng 6.000 con/ngày trong tháng 12. Nguyên nhân chính là tiêu dùng thịt lợn giảm do giá thịt gà giảm mạnh và thương mại mậu biên lợn sống với Trung Quốc và Campuchia chậm lại.

Sản lượng lợn sống của Thái Lan trong tháng 12/2016 là khoảng 46.000 con/ngày. Tuy nhiên, tiêu dùng chỉ khoảng 38.000 – 40.000 con/ngày. Giảm mạnh tiêu dùng thịt lợn có tương quan với giá thịt gà đang giảm xuống dưới 35 Baht/kg, tương đương 1 USD/kg trong tháng 12/2016, so với mức 1,5 USD/kg trong tháng 11/2016. Người tiêu dùng đang chuyển sang tiêu dùng thịt gà và cá tự nhiên, vốn rất dồi dào vào những tháng cuối mùa mưa.

Một nguyên nhân là xuất khẩu lợn sống từ Thái Lan sang Trung Quốc và Campuchia giảm mạnh từ mức 5.000 con/ngày trước đó xuống còn chỉ 1.000 con/ngày. Hiệp hội những người chăn nuôi lợn Thái Lan đang cố gắng thúc đẩy xuất khẩu thông qua tạo nhiều động lực cho nông dân xuất khẩu lợn qua biên giới.

Tuy vậy, tiêu dùng và xuất khẩu thịt lợn được dự báo sẽ phục hồi từ cuối tháng 12 đến tháng 2/2017 do các kỳ nghỉ lễ năm mới tại Thái Lan và các nước láng giềng sẽ thúc đẩy tiêu dùng thịt lợn với khối lượng lớn trong những tháng này.

Trung Quốc

Giá thịt lợn trên thị trường Trung Quốc những ngày đầu năm 2017 ở mức 17,51 NDT/kg, và lợi nhuận của các nhà sản xuất chăn nuôi lợn tại Trung Quốc, bất chấp năng suất giảm và chi phí TACN tăng, vẫn có lợi nhuận hơn 100 USD/con.

Trong năm 2016, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc chạm mức cao kỷ lục 1,5 triệu tấn, gấp 1,2 lần so với năm 2015. Điều bất thường là dự trữ đầu con của Trung Quốc không tăng, bất chấp lợi nhuận cao kỷ lục.

Chính phủ Trung Quốc ước tính sản xuất lợn của nước này năm 2017 đạt 590 triệu con. Năm 2015, Trung Quốc sản xuất 708 triệu con nhưng vẫn thiếu hụt hơn 100 triệu con. Thâm hụt nguồn cung được cho là sẽ đẩy giá thịt lợn tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao trong năm 2017, đồng thời buộc nước này phải tăng nhập khẩu thịt lợn từ các nước Bắc Mỹ và châu Âu. Rõ ràng các nhà sản xuất thịt lợn nước ngoài có lý do để vui mừng bởi cơ hội xuất khẩu mạnh thịt lợn sang Trung Quốc năm 2017.

Năm 2012, thị trường lợn giống của Trung Quốc có nguồn cung lợn giống thuần chủ yếu từ Mỹ, chiếm hơn 50% thị trường. Kể từ đó, các nhà sản xuất thịt lợn tại Trung Quốc chịu thua lỗ lớn với mức giảm 11 triệu con giống do điều kiện thị trường thay đổi. Cho đến nay, những nhà sản xuất còn tồn tại đang tìm kiếm các nguồn lợn giống năng suất cao hơn, chất lượng thịt ngon hơn. Một số nguyên nhân khiến nguồn cung thịt lợn nội địa Trung Quốc không tăng trong năm 2016, theo nhận định của Genesus là:

  • Những người chăn nuôi lợn Trung Quốc thua lỗ hàng tỷ đôla trong năm 2013 – 14 và mới chỉ khôi phục thua lỗ trong thời gian gần đây;
  • Các chính sách và quy định về môi trường đang khiến hoạt động mở rộng chăn nuôi tại Trung Quốc ngày càng khó khăn và khả năng mở rộng đang chậm lại;
  • Các thách thức liên quan đến dịch bệnh là một vấn đề lớn. Ngoài ra, thiếu nhân lực chuyên nghiệp cho chăn nuôi lợn hiện đại cũng là môt thách thức không nhỏ. Việc phải thường xuyên duy trì nhân lực sống tại các địa điểm chăn nuôi quy mô lớn khiến ngành chăn nuôi lợn không hấp dẫn nhân lực chất lượng cao. Bất chấp việc có dân số lên tới 1,4 tỷ dân, Trung Quốc vẫn thiếu lao động cho hoạt động chăn nuôi lợn;
  • Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục nhập khẩu thịt lợn với khối lượng lớn trong dài hạn, có thể chiếm 5 – 15% nhu cầu sản xuất của nước này, tương đương một con số rất lớn.

Theo The Pig Site

 
 

 



Gappingworld
Báo cáo phân tích thị trường