Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hà Tĩnh: Kỳ Anh đẩy mạnh phát triển chăn nuôi
03 | 01 | 2008
Kỳ Anh là huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi Kỳ Anh đã có bước phát triển đáng kể cả số lượng và chất lượng, do nhờ áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, thú y... đã góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả chăn nuôi. Nhiều mô hình chăn nuôi gia súc trang trại quy mô vừa và nhỏ, theo hướng nuôi nhốt, nuôi tập trung được hình thành phát triển và cho hiệu quả kinh tế cao từ đó đã góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Theo số liệu của Phòng nông nghiệp và PTNT huyện đến nay toàn huyện có 24.700 con bò, 25.000 con trâu, 60.000 con lợn, gia cầm 575 nghìn con, dê trên 5.000 con. Tuy nhiên, so với tiềm năng và lợi thế thì những kết quả đạt được của ngành chăn nuôi Kỳ Anh chưa tương xứng. Hầu hết các địa phương chăn nuôi theo hộ gia đình, quy mô nhỏ lẻ, tập quán chăn nuôi thả rông, phương thức nuôi quảng canh, thức ăn phụ thuộc vào đồng cỏ tự nhiên... Công tác cải tạo giống, chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý, công tác thú y... chưa được quan tâm đúng mức.

Để đưa ngành chăn nuôi phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có, giúp nông dân nâng cao thu nhập từ chăn nuôi, năm 2005 huyện uỷ đã có Nghị Quyết 09 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát triển chăn nuôi, đưa chăn nuôi thành một ngành sản xuất chính trong nông nghiệp, UBND huyện đã xây dựng và phê duyệt đề án phát triển chăn nuôi đến năm 2010 và các chính sách hỗ trợ về con giống, vật tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đặc biệt là các giải pháp tích cực như: công tác quy hoạch, chính sách tín dụng, hỗ trợ đầu tư khuyến nông và khoa học kỹ thuật, hỗ trợ các mô hình trình diễn, mở các lớp tập huấn nhằm hướng đến mục tiêu phát triển nền nông nghiệp toàn diện bền vững theo định hướng công nghiệp hoá hiện đaị hoá...

Từ những chủ trương và giải pháp trên trong thời gian qua công tác cải tạo đàn bò ở Kỳ Anh phát triển mạnh, đặc biệt là công tác thụ tinh nhân tạo bò vì vậy số lượng bò lai sind năm 2007 đạt 1.000 con, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2006, trong đó bê lai sind sinh ra 450/500con đạt 90% chỉ tiêu giao; bò nái được phối giống lai sind 400 con, trong đó thụ tinh nhân tạo đạt 160 liều, nhảy trực tiếp 240 con; triển khai thiến bò đực cóc 94 con, trồng các loại cỏ làm thức ăn chăn nuôi 120 ha tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, chăn nuôi Kỳ Anh đang dần dần phát triển theo hướng trang trại, gia trại nhiều xã có đàn bò tăng nhanh như: Kỳ Đồng, Kỳ Lâm, Kỳ Phong, Kỳ Sơn, Kỳ Tân, Kỳ Phong, Kỳ Trung... với số lượng toàn huyện có 120 trang trại chăn nuôi bò, bình quân mỗi trang trại nuôi từ 7-10 con có trên 90 hộ, số hộ nuôi trên 15 con có 30 hộ, số hộ nuôi từ 20-30 con trên 60 hộ.

Với mục tiêu xây dựng mô hình trồng, thâm canh các giống cỏ mới cho năng suất cao, chất lượng tốt phục vụ chương trình chăn nuôi gia súc của địa phương trong những năm qua Phòng Nông nghiệp &PTNT đã xây dựng thành công 15 mô hình trồng các giống cỏ có năng suất, chất lượng cao, với quy mô từ 1-5 ha tại các địa phương như: Kỳ Sơn, Kỳ Phong, Kỳ Đồng Kỳ Tân, Kỳ Trung, Kỳ Bắc, thị trấn… Hiệu quả của mô hình không những đã thực sự thuyết phục các hộ tham gia mà còn là địa chỉ cho nhiều hộ nông dân trong và ngoài xã tham quan học tập và nhân rộng, vì vậy đã khuyến khích hộ nông dân vùng có điều kiện tận dụng đất trồng trồng cỏ đến nay trên địa bàn huyện Kỳ Anh nhiều xã đã mở rộng trồng thâm canh các giống cỏ nuôi bò. Năm 2005 diện tích cỏ trồng chỉ mới 12 ha, năm 2007 diện tích cỏ đã đạt trên 120 ha.

Cùng với việc chú trọng đẩy mạnh sind hoá đàn bò, huyện đã xây dựng thành công nhiều mô hình nuôi lợn nái siêu nạc đạt hiệu quả cao, đến thời điểm này Kỳ Anh có tổng đàn lợn 62.000 con, tăng 3,3% so với cùng kỳ, trọng lượng xuất chuồng đạt trên 70 kg/con, từ những thành công của các mô hình huyện đã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển chăn nuôi lợn lai. Do đó chăn nuôi lợn lai đã chiếm trên 90% trong các hộ nông dân. Đến nay đã có trên 200 con lợn nái ngoại được du nhập vào địa bàn để xây dựng mô hình chăn nuôi lợn nái hướng nạc và mô hình chăn nuôi lợn nái siêu nạc được nhân rộng 23/33 xã trong toàn huyện, các mô hình chăn nuôi lợn nái ngoại đang phát triển tốt, điển hình như ở Kỳ Tiến, Kỳ Văn, Thị trấn, Kỳ Liên… hàng năm đã sản xuất được trên 5.000 con lợn siêu nạc thương phẩm cung ứng trên địa bàn, vì vậy đã từng bước chủ động được nguồn giống tốt tại chỗ cho các hộ chăn nuôi, từ đó đã nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, tạo việc làm, giải quyết nhu cầu cho người lao động.

Bên cạnh những mặt tích cực thì chăn nuôi còn đem lại những tồn tại do số lượng hộ chăn nuôi với quy mô lớn tại nông hộ ngày càng tăng, lượng phân thải ra môi trường ngày càng nhiều nên ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sức khoẻ của nhân dân. Do đó việc tuyên truyền hướng dẫn cho các hộ nông dân xử lý chất thải từ chăn nuôi bằng việc xây dựng bể bioogas vừa tạo khí đun nấu, thắp sáng, vừa làm sạch môi trường, cải thiện vệ sinh, xử lý chất thải chăn nuôi, tăng quy mô chăn nuôi, nâng cao đời sống, giải phóng sức lao động phụ nữ và trẻ em… là một việc làm cần thiết.

Để từng bước đa dạng hoá các loại vật nuôi , những năm gần đây Kỳ Anh đã du nhập, chuyển giao nhiều giống mới như: mô hình cải tạo đàn dê, chăn nuôi gia cầm gia cầm an toàn sinh học tại nông hộ đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, góp phần không nhỏ vào việc xoá hộ đói, giảm hộ nghèo. Để phát triển đàn dê, đàn gia cầm mang lại hiệu quả kinh tế cao, huyện đã chú trọng đưa giống dê Bách Thảo, gà Lương Phượng, Kabir, vịt, siêu trứng, siêu thịt, ngan pháp…đây là một trong những mô hình thành công cao, thời gian đầu tư, quay vòng và thu hồi vốn nhanh, tận dụng được thức ăn phế phụ phẩm nông nghiệp… vì vậy đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Với những chính sách ưu đãi về vốn đối với các hộ chăn nuôi, đẩy mạnh công tác cải tạo giống, chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật từ nay đến năm 2010, Kỳ Anh đang phấn đấu trở thành một huyện đứng đầu trong việc phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm theo hướng sản xuất hàng hoá, góp phần sớm đưa Kỳ Anh thoát khỏi huyện nghèo, vươn lên giàu có./.




Nguồn: khuyennongvn.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường